Như một đặc sản

11:03, 01/03/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Nhân kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Bác Phạm Văn Đồng, báo Quảng Ngãi trân trọng giới thiệu lại bài viết đầy xúc động của nhà văn Nguyễn Chí Trung (đã đăng trên Tạp chí Sông Trà) đã dành những dòng kính yêu nhất cho Bác Phạm Văn Đồng, một người cộng sản nhân văn và nhà văn hóa lớn của Việt Nam.
[links()]
 

Đời sáng tác như một người đi đường dài kiếm sống, qua hết con sông này đến con sông nọ. Sang một con sông rồi, không phải quay về con sông cũ, mà là vượt qua một con sông mới. Không phải ở bến vượt cũ, không phải bằng chiếc thuyền độc mộc và mái chèo cũ, chiếc thúng nan cũ, cây chuối cũ mới đốn sau vườn. Mà bằng một cách khác, trong một thời tiết khác, lũ đã ầm ào đổ về, kéo theo những mảng cây khô xoáy tròn trên giòng nước đục, từ núi trôi xuôi.

Tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức.
Tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức.

Biết thế, hiểu thấu như thế, nên người viết phải học, nặng nhọc, lam lũ, suốt một đời, tựa như người phu đẩy xe goòng, dằn xéo hai bàn chân trần trên thanh ray đường xe lửa, mồ hôi đổ ròng ròng trong đêm cho đến sáng.

Một con sông mà đời tôi đi qua, đó là sông Trà. Cùng với sông Trà Bồng, sông Vệ, sông Trà Khúc đẻ ra vùng đất Quảng Ngãi, một vùng văn hiến, một vùng văn chương, giàu khí phách, giàu lòng yêu nước, đất bạc mà người chăm, yêu công lý, ghét bạo tàn, thà chết trong hơn sống đục. Con sông và vùng đất ấy lại đẻ ra một Tạp chí văn chương và nghệ thuật: Tạp chí Sông Trà. 

Là một Tạp chí khu vực, nhưng hầu hết các vùng cả nước đều biết đến, yêu mến nó. Tựa như mạch nha, như kẹo gương, đường phèn và đường phổi , như cá bống sông Trà, không đâu có cá bống, béo và săn như con bống sông Trà, như don, không đâu lại có don, ngọt, đậm đà như don Quảng Ngãi, xúc với bánh tráng. Tạp chí Sông Trà cũng là một đặc sản đem đến cho người đọc thi vị mới, một nỗi nhớ nhung, như nỗi nhớ đôi mắt sắc và hiền dịu của người Quảng Ngãi.

Tạp chí Sông Trà làm cho người đọc hiểu hơn, yêu mến đượm hơn phong trào chống sưu, chống thuế 1908, phong trào 30-31, một vùng đất chưng cất tình cảm cách mạng, biết nhận ra thời cơ, nhận ra chỗ yếu chí tử của kẻ thù, biết tin, biết dựa vào nhân dân mà đồng lòng đứng dậy làm nên Khởi nghĩa Ba Tơ, Khởi nghĩa Trà Bồng, có Lê Trung Đình và Nguyễn Nghiêm, có Ba Gia, có Đức Phổ, có ngọn cờ Phổ Hiệp, ngọn cờ Đức Phong, có tình thủy chung trọn vẹn của các dân tộc anh em sống ở các triền núi dốc, có Vạn Tường kỳ lạ, hơn 500 năm trước, Lê Thánh Tông hội quân, tiếng hô rền như sóng: Vạn Tường Vạn Tường, muôn sự tốt lành, và 500 năm sau, đánh thắng giặc Mỹ một trận phủ đầu, kẻ cướp nước đời sau còn khiếp đảm. Có Dung Quất, nàng tiên kiêu sa, ngôi sao vẫn thức. Có Đặng Thùy Trâm. Ai đến nơi này cũng trở thành dũng sĩ. Một vùng đất, mà cả đời người viết chuyên cần cũng không sao hiểu hết, cứ đào sâu mãi vào mảnh đất ấy, đến khi nhắm mắt còn mắc nợ.

Tạp chí Sông Trà, kết nối với các miền, chăm lo phát hiện và nâng niu những tài năng trẻ, bồi dưỡng một thế hệ đang trưởng thành, yêu quý các cây bút có tuổi.

Đời người là khoảnh khắc. Đời một Tạp chí cũng là khoảnh khắc. Có khoảnh khắc nào lại không tiềm tàng và ẩn chứa cái vô tận. Tạp chí Sông Trà đang gợi lên cái mãi mãi, cái vô tận của Quảng Ngãi, tầng vỉa này đến tầng vỉa khác.

Mấy ngày nay, người viết cả nước vui mừng được biết tên một cây bút trẻ, Nguyễn Thị Yến Linh, học sinh ở Đức Phổ. Tại Dung Quất cũng đang có một bạn viết, Vũ Thị Thanh, có thể ngòi bút này đang sống lâu dài ở đó. 

Cả nước đang mong đợi Sông Trà. Và chắc thế, Sông Trà cũng mong đợi cả nước góp với Sông Trà, những trang văn trang thơ, từ mọi xứ.

----* ----

Vừa rồi, tôi được đi học lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, khóa 1. Trước ngày khai trí, tôi đến Hội Nhà Văn đăng ký vào danh sách học viên. Ông Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh nói cho tôi nghe chương trình của lớp. Rồi, theo phong thái của một nhà lãnh đạo từng trải, ông hỏi lại tôi:

- Anh thấy thế nào?

Sinh ra từ một xứ mà người ta có một thói quen, hơi kỳ quặc một tí, tôi nghĩ thầm như thế, lúc nào phải trả lời ai một điều gì cũng trả lời bằng một câu chuyện.

Tôi liền kể: Ở Liên Khu 5 trước đây, ngay trong kháng chiến chống Pháp, ông Đồng (Phạm Văn Đồng) đã chủ trương mở Trường Trung Học Bình Dân, dạy cho cán bộ xuất thân từ công nông, bước vào hoạt động cách mạng nhiều năm nhưng vốn kiến thức còn ít. Ông Võ Chí Công cũng học ở đấy. Ngày khai giảng, ông Đồng đến dự. Người ta mời ông phát biểu ý kiến. Với dáng đĩnh đạc và từ tốn của một nhà giáo uyên thâm, ông lên trước bảng đen. Một tay buông thõng, một tay cầm phấn, ông viết bốn chữ: “Trung với Nước/Hiếu với Dân”

Kể đến đó, tôi hỏi ông Hữu Thỉnh:

- Chà, nếu ông Đồng còn sống, ông đến dự khai mạc lớp học của ta, ông viết chữ gì ha?

Một cuộc chơi nhỏ, không có giải thưởng, bắt đầu. Ông chánh văn phòng Hội đoán thế này, ông phó ban tổ chức Hội đoán thế kia. Ông Hữu Thỉnh đoán rằng… Chắc ông nói về phương châm của lớp học.

Hôm lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du gần đến giờ bế mạc, có người đem chuyện này hỏi tôi:

- Ông Trung này, ông đoán cụ Đồng viết chữ gì?

Vấp mãi cái tật bẩm sinh, tôi lại kể một câu chuyện.

- Ông ơi, may quá. Chẳng biết làm sao mà đêm qua tôi lại nằm mơ thấy ông Đồng đến lớp ta.

- Cụ nói thế nào?

- Vóc dáng thanh, gầy, mặc áo bốn túi cao cổ, khuôn mặt gân guốc, đôi mắt nghiêm, lục lọi mãi vào không gian, ông bước lên bảng, cầm viên phấn trắng nõn. Cái thời mở lớp Bình Dân Học Vụ hồi chống Pháp, phấn viết làm bằng củ mì phơi khô. Ông đưa tay, nắn nót. Tôi rướn người, mắt tôi đã kém. Tôi thấy một chữ, một chữ thôi “Riêng”. 

- Dạ thưa thầy, riêng là thế nào? - Tôi định giơ tay xin hỏi.

Bỗng dưng có tiếng kẻng báo động. Thuở ấy, tình yêu cũng có báo động. Lớp học cũng có kẻng báo động. Keng keng keng. 

Một ông học viên, đã trên năm mươi, tóc xén hình chữ đinh, cổ vạm vỡ, chân nện thình thịch trên nền gạch màu vàng nhạt có gân trắng, trơn như mỡ, túm lấy áo tôi nghẹt thở. Tôi choàng dậy. - Quá khứ xa xăm đã trở về quá khứ.

 

Năm 1983, giáo sư Phong Lê bảo tôi viết một bài trong cuốn sách Một vùng văn học. Tôi có viết mấy câu trong bài Vùng đất sinh ra tôi: Nhà văn là đơn nhất, nhà văn mất đi là mất đi mãi mãi.

Tôi hằng tâm niệm: Cái gì của nhà văn đóng góp với đời là riêng của nhà văn. Có lẽ nào, nhà văn đóng góp với đời lại không phải cái riêng của riêng mình.

Đi học, được nghe giảng, cũng như được người mời đi cạn chén. Mỗi thầy cho ta một chén rượu ngon, một loại rượu quý. Một ông sành nhậu bảo tôi: Tửu lượng ông kém, chớ chơi trăm phần trăm nhiều thứ rượu, ứ hự a.

Nhưng biết làm sao, đời và các thầy vẫn chuốc nhiều thứ rượu nồng một lúc.

Uống tất cả mà không say, uống tất cả mà gạn được cho mình cái riêng của mình, không lẫn lộn.

Ông Thanh Thảo hỏi:

- Ông Trung có chúc Tạp Chí Sông Trà nhân dịp Cách Mạng Tháng Tám và Quốc Khánh mùng Hai tháng Chín không?

Người có tuổi thường hay nghĩ ngợi lung tung. Tôi nói:

- Ước gì Tạp chí Sông Trà, cũng như mạch nha, như kẹo gương, đường phèn và đường phổi , như cá bống sông Trà, là một đặc sản, một đặc sản riêng của Quảng Ngãi, nơi mà trên mấy chục năm tôi đã được đến đó, sống, hiểu đời và nhận ra chính tôi.

NGUYỄN CHÍ TRUNG
(nhà văn, Thiếu tướng, nguyên trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu)
 
 
 
                        
 

.