Theo chân Camille Paris du ký Trung Kỳ

07:02, 20/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cuốn sách "Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan" của  Camille Paris, do Nguyễn Thúy Yên dịch, đã cung cấp những dữ liệu và sử liệu từ những năm 1885 - 1887 được chính tác giả ghi lại khi in dấu chân mình trên khắp dải đất miền Trung của Việt Nam. Chuyện xảy ra đã 135 năm mà cứ ngỡ như đang đề cập chuyện hôm nay. Cuốn sách dày 400 trang này là tư liệu quý với những ai muốn tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử của dân tộc mình. 
 
Được Chính phủ Pháp giao nhiệm vụ xây dựng đường điện báo Trung Kỳ, ông Camille Paris có điều kiện in dấu chân mình lên khắp dải đất miền Trung Việt Nam từ Huế đến Phan Rang, tận mắt chứng kiến những biến đổi của mảnh đất nghèo khó này vào những năm 1885 - 1887. Đó là những năm mà Phong trào Cần Vương vừa bị thực dân Pháp đàn áp, nhưng vẫn không khuất phục các sĩ phu và dân chúng suốt dải đất Trung Kỳ.
 
Công việc chính của “ông quan dây thép” này là chịu trách nhiệm xây dựng đường điện báo Trung Kỳ, chứ không phải với tư cách là nhà nghiên cứu lịch sử hay văn hóa, nhà văn lại càng không phải. Thế nhưng, bằng những trải nghiệm của một trí thức muốn khám phá về những gì diễn ra quanh mình, lại có lòng đam mê đo vẽ bản đồ, thích văn hóa và kiến trúc Chămpa, yêu các loại hình nghệ thuật dân gian khu vực Trung bộ, Camille Paris đã cung cấp những dữ liệu và sử liệu ngồn ngộn, cả về độ nóng của thời điểm ấy lẫn những biến động trước đó, cho những ai muốn tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử của dân tộc mình.
 
Không cố ý để “dựng lại hiện trường” về một giai đoạn lịch sử của Việt Nam, Camille Paris chỉ quan sát và miêu tả những gì diễn ra quanh ông trong suốt hành trình 700km từ kinh đô Huế đến Phan Rang. Thế nhưng, qua 400 trang sách, người đọc vẫn thấy cả một không khí hoạt náo của cỏ cây hoa lá, của rừng xanh biển thẳm, của hạn hán và lũ lụt kinh hoàng, các cuộc thiên di hàng đêm của những đàn voi, những bầy hổ, những đàn lợn rừng hung dữ và muôn vạn chim muông dọc theo dải đất này. Đọc những đoạn miêu tả ấy của Camille Paris như dậy lên trong lòng ta nỗi tiếc thương về một quá vãng sum vầy của thiên nhiên giờ chỉ còn trong cổ tích.
 
Đặc biệt, Camille Paris đã khắc họa chân dung của giới quan lại đương thời, từ ngài tổng đốc cho đến mấy anh lý trưởng khăn xếp guốc mộc ở tận nơi thôn cùng xóm vắng. Họ hiện lên với nhiều trì trệ nhếch nhác của những thân phận nô lệ nhưng được nhà nước phong kiến trao cho họ quá nhiều quyền lực. Những thói tật của người An Nam như báo cáo thiếu trung thực của giới quan lại với cấp trên, thói bắt chẹt thuộc cấp, chuyện ghen ăn tức ở giữa các vùng miền, sự kỳ thị dân tộc... cũng được ông Camille Paris ghi lại mỗi khi ông khắc họa chân dung một ông quan nào đó mà ông có dịp tiếp xúc trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Ông nói rằng nhà nước phong kiến thời bấy giờ trả lương cho quan chức rất bọt bèo, nhà ông quan nào cũng có vẻ “nghèo nghèo” nhưng ông ta “muốn gì cũng có”, quyền lực ông nào cũng vô biên trong vùng mà ông ta cai quản. Bảo kê cho bọn buôn thuốc phiện và trốn thuế để được “lại quả”, hối lộ và nịnh nọt cấp trên để được yên thân, hoặc thăng tiến, tróc nã những người yếu thế và kẻ cùng đinh để đạt được điều mình muốn, đó là một phần hành xử của những ông quan thời ấy mà Camille Paris từng gặp và làm việc với họ.
 
Người đọc cũng sẽ bắt gặp những địa danh giờ chỉ còn trong dân gian, những câu ca dao hoặc nằm trong ký ức của lớp người già. Nó vỡ vạc cho những ai muốn khám phá quê hương mình qua các tên gọi thời ấy và những đổi thay theo từng giai đoạn cho đến tận hôm nay.
 
Nhưng có lẽ vượt lên tất cả những điều vừa nói là cuốn sách đã cung cấp cho chúng ta hình dung về một con đường  mà tiền nhân đã có công vạch lối thuở đi mở cõi...
 
TRẦN ĐĂNG
 

.