Mùa xuân ở lại

08:02, 16/02/2022
.
Truyện ngắn của TRẦN CAO DUYÊN
 
(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tháng Chạp, làng Cheo bừng nắng. Nắng óng ánh, vàng như mật ong từng đi vào thơ của Lê Mẫn, bút danh Huyền Thi: “Từ đại ngàn anh chở nắng về xuôi/ Nắng rực vàng đón em ngày gặp lại”. Mấy câu thơ này được Mẫn ghi vào sổ tay của Hà.
 
Linh nói đùa: “Nắng đang thong dong. Người yêu cô giáo Hà gói nắng chở về. Gặp mưa nắng ướt. Còn đâu mà “đón em ngày gặp lại”. Đúng là véo von. Nhưng thơ thì hay mờ ảo. Sự rõ ràng xác tín nhiều khi xa lạ với thơ”. 
 
Cách thành phố tỉnh lỵ hơn 100 cây số, làng Cheo là nơi xa nhất của huyện miền núi này. Trường nơi cô giáo Hà và Linh dạy là một căn nhà tranh, nền đất, vách ván thưa thớt, bàn ghế tạm bợ. Căn nhà nội trú của hai cô gần đó, cũng đơn sơ nhưng vách kín hơn. Mỗi cô dạy một lớp. Sĩ số học sinh bữa trồi, bữa sụt. Có bữa 8 em, có bữa 12 em, có bữa chỉ còn 5 em. Thậm chí có hôm không có học sinh đến lớp. Lý do thì nhiều, nào là mưa to, nước suối dâng cao, chăn trâu, ở nhà giữ em, lên rẫy... Các em sống tự nhiên như ruộng ăn nước trời. Cả chuyện học hành cũng vậy, rảnh thì tới trường, bận thì thôi. Thương học sinh ở vùng cao nhiều thiệt thòi, nên cô giáo Hà và Linh động viên nhau vượt qua mọi khó khăn để bám trường, bám lớp.
 
Học trò được hai cô giáo dạy ghép vần, nhận mặt chữ, làm các phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10. Đó là nội dung chương trình quy định. Hiệu phó Chi gọi đó là “pháp lệnh”, phải thực hiện nghiêm. Còn những thứ “ngoại đạo”, nói cách khác là đời thường, thì cả mớ. Linh nói có những kiến thức không có trong chương trình, nhưng gắn với cuộc sống hằng ngày mà các cô giáo vẫn luôn dạy cho học trò. Các em cần gì thì dạy nấy. Hai cô lên lớp ít mang theo giáo án. Nhưng có thứ không thể không mang theo là túi đựng cồn sát trùng, bông băng, thuốc hạ sốt, bấm móng tay, kim chỉ và nhiều miếng vải nhỏ... “Chân tay các em hay bị trầy, sướt khi leo dốc, qua suối”, Hà nói. Linh thì kể rằng em nào đứt nút, rách quần áo là các cô khâu lại ngay.
 
Có bữa kết nút, khâu áo cho em học sinh cuối cùng xong thì cũng gần hết buổi. Hiệu phó Chi bất ngờ kiểm tra và bảo sao không giảng dạy theo chương trình. Hà phân trần: “Quần đứt dây thun, con bé rơm rớm nước mắt, một tay giữ quần, một tay viết. Thấy tội lắm. Em phải đưa bé về phòng riêng xử lý tình huống này”. Linh tiếp lời: “Chưa thể giúp các em ăn mặc tươm tất thì mình giúp các em ăn mặc lành lặn. Đó cũng là giáo dục, vì giáo dục là yêu thương, anh à”. Hiệu phó Chi là người dưới xuôi, 40 tuổi, cảm thấy mình bị xúc phạm, yêu cầu hai cô viết bản kiểm điểm.
 
Hai cô dạy cho các em vệ sinh răng miệng, rửa tay chân, lúc nào thì qua suối an toàn... Còn chuyện giữ ấm mùa đông thì khỏi lo. Cuối tuần, hai cô thường quơ củi khô chất thành đống. Gió lạnh lùa vào lớp thì đốt lửa lên, cho học sinh ngồi quây quần. Nhưng khi tan trường, nhìn đám học trò trong chiếc áo mỏng manh thấy thương lắm. Hà nói nhìn từng đứa bằng cái nhìn của trái tim là biết mình cần dạy cái gì, giúp đỡ chúng điều gì. Linh cười: “Cũng cái nhìn đó mà hai đứa mình quên mất chuyện viết đơn xin về”. Hà chậm rãi: “Nói quên viết đơn nghe cho sang. Chứ viết đơn mà chỉ vỏn vẹn có tờ A4 thì ai thèm đọc. Khó lắm”.
 
Bài tập đếm xuôi - ngược từ một đến mười khiến nhiều em ngáp vặt. Có em trêu ngươi cô giáo bằng cách đếm “hòn sỏi đây, rồi tới hòn sỏi đây, rồi tới...”. Hà lại nhớ mấy câu thơ vô thưởng vô phạt của Huyền Thi: “Ngọn núi này tiếp liền núi khác/ Nhưng cô giáo vùng cao vẫn chân cứng đá mềm”. Anh chàng khá lanh lợi. Những dự án nho nhỏ ở thị trấn anh đều trúng thầu và giàu lên. Mẫn làm dự án tốt, làm thơ đều đặn, đã in được 3 tập từ tiền túi. Anh đang là phó chủ nhiệm câu lạc bộ thơ.
 
Dạo trước, Mẫn tổ chức ra mắt tập thơ “Trăng non” rất hoành tráng. Mẫn lái xe bán tải đem thơ lên tận làng Cheo tặng Hà và Linh. Chữ ký của Mẫn ngoằn ngoèo như con trùn bò cả ra ngoài mép giấy. Bữa đó Hà đi họp chuyên môn ở trường trung tâm. Linh dạy thay Hà. Linh hỏi Mẫn, giữa nhà thầu và nhà thơ, nhà nào chính? Mẫn nói nhà thầu Lê Mẫn nuôi nhà thơ Huyền Thi. Nhà thơ Huyền Thi làm sang cho nhà thầu Lê Mẫn. Linh nói, vậy thì hay, làm giáo viên kiêm làm thơ chắc đói dài. Linh tiễn Mẫn tới đầu dốc. Mẫn đột ngột nói, nghe bảo Hiệu phó Chi thường trêu ghẹo hai cô, mà cô Hà hay cô Linh? Phải rồi, ở rừng núi, thiếu thốn tình cảm mà... Linh mất bình tĩnh: “Biến đi”. Chiều tối, Hà đi họp về. Hà kể hiệu trưởng đọc bản kiểm điểm của tụi mình trước hội đồng giáo viên. Hiệu phó Chi lạnh lùng: “Thương học trò thì thương. Nhưng chương trình buộc phải dạy đủ. Còn chuyện chỉnh sửa quần áo, cắt móng tay, móng chân cho học sinh thì tùy hai cô, miễn sao không cắt xén chương trình”. Linh cười: “Xin tuân chỉ”.
 
Tối, Linh kể cho Hà nghe chuyện Mẫn. Cô tự tin: “Tao cạch cửa anh ta rồi”. Hà thảng thốt. Căn phòng yên lặng. Khuya, Linh thiu thiu ngủ thì Hà lay dậy: “Tiếc là tao không có vinh hạnh tống cổ anh ta. Mày đã thay tao khép tấm màn nhung. Thôi ngủ đi”.
 
Người dân làng Cheo không gọi nơi Hà và Linh dạy học là “điểm trường”. Họ cứ “trường cô Hà” hoặc “trường cô Linh” mà gọi. Cách tặng quà của họ chân chất lắm. Học trò đi học sớm, để trên bàn giáo viên trái mướp, nải chuối, bịch củ lang... Cô hỏi của em nào để cô còn cảm ơn. Không đứa nào trả lời, chỉ bẽn lẽn cười. Người dân trong làng tuy nghèo nhưng giàu tình cảm.
 
Phía sau lớp học có cây bàng cổ thụ. Cả ba mùa lá đều xanh. Chỉ khi xuân về là lá đỏ au. Gặp gió tàn đông, lá rụng nhuộm đỏ mái trường. Cô Hà dạy hát: “Trường em lợp ngói đỏ, bên hàng cây xanh xanh...”. Khâm, chàng trai làng, xách xâu ếch vào nói: “Tao cho hai cô”. Khâm “ghẹo” Hà: “Trường em lợp lá đỏ. Ngói đâu mà ngói”. Hà mắc cỡ không nói gì, chỉ cảm ơn về xâu ếch. Linh reo: “A ha! Bếp nhà ta bữa nay có đạm rồi. Mà sao anh không cho tụi em chai rượu đoác? Nghe nói cây đoác tiết ra rượu đậm đà, được ví như bia trời”. Khâm nói, không còn rượu đoác đâu, cây đoác bị thủy điện đuổi đi rồi.
 
Hà lo lắng, năm nay chắc ăn Tết xa nhà. Mưa chồng lên mưa cả tháng trời. Lũ cuốn, núi lở khiến con đường bê tông về xuôi nhiều đoạn mất dấu. Xe sửa đường lên nửa chừng thì đứng bánh. Ngày nào gia đình hai cô cũng điện thoại, nhắn tin hỏi: “Về được không?”. Hà thở dài, có lẽ con ăn Tết với đồng bào rồi mẹ. Linh thì tếu táo với ông anh ruột: “Anh coi, lương em sao mua nổi máy bay mà về”.
 
Tháng Chạp dần vơi. Núi đồi xanh nõn, một màu xanh vừa thân thiện vừa vỗ về. Ngôn ngữ của thiên nhiên thật êm dịu. Hà nhắn tin cho cô giáo Thắm ở làng bên: “Tao với Linh sẽ ăn Tết với sách, hoa rừng và mì tôm. Thắm nhắn lại: “Bí đường rồi. Cho tao ăn Tết với. Chiều 27 tao với Hương qua”. Linh dặn nhớ mang theo mền. Mình ghép giường lại. Bốn đứa ngủ cho ấm. Có lẽ giáo viên nữ cắm bản nhiều hơn nam. Các cô như những bông hoa rừng chân mộc, thuần khiết, đa cảm và chịu đựng.
 
Chiều cuối năm. Làng Cheo có 4 cô giáo đang chuẩn bị đón giao thừa. Họ lần đầu ở lại với mùa xuân xứ núi. Thắm, Hương làm món mì xào nấm rơm. Hà chăm chút mấy nhánh lan rừng. Linh cắt giấy báo dán lên vách bịt các khe hở. “Như vầy sẽ bớt gió lạnh. Còn đứa nào lạnh trong lòng thì khai báo y tế nghen”, Linh tếu. Cả phòng rộn tiếng cười.
 
Đêm trừ tịch ở vùng cao thật im lặng. Điều này khiến các cô giáo tĩnh tâm chứ không đồng lõa với nỗi buồn. Quanh bếp lửa hồng, mấy cô cắn hạt dưa, hỏi nhau năm mới chúc gì? “An khang thịnh vượng” thì sáo mòn quá. Tình yêu cuộc sống nhé! Không có tình yêu, nhìn mùa xuân chẳng thấy trời xanh, nắng vàng đâu!./.
 

.