Nguyễn Mậu Chiến- Ở quê mà vẫn nhớ quê

03:10, 25/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghe có vẻ lạ, nhưng với Nguyễn Mậu Chiến là thế đó, vẫn cứ yêu da diết và nhớ hoài cuộc sống, quang cảnh làng quê yên bình, để rồi "mãi nhớ quê" qua những vần thơ.  
 
Từ ngày xuất hiện trên thi đàn cho đến nay, Nguyễn Mậu Chiến vẫn gắn mình với quê nhà ở Tú Sơn, xã Đức Lân (Mộ Đức). Anh ít đi xa, nhất là từ ngày mắt anh mờ đi sau một cơn bệnh nặng. Thi thoảng, bị rủ rê lắm, anh mới cực chẳng đã... về với phố thị Quảng Ngãi cùng bạn bè.
 
Nhà thơ Nguyễn Mậu Chiến. Ảnh: MAI BÁ ẤN
Nhà thơ Nguyễn Mậu Chiến. Ảnh: MAI BÁ ẤN
Gặp Nguyễn Mậu Chiến đầu tiên ở trại sáng tác kịch nói Quy Nhơn từ thời còn là tỉnh Nghĩa Bình, tôi ấn tượng ở anh bởi cái duyên hài hước chứ hoàn toàn không phải cái sâu lắng của thơ. Vậy mà càng về sau, càng luống tuổi, Nguyễn Mậu Chiến lại càng gắn bó với thơ. Nguyễn Mậu Chiến sinh năm 1956, là người có bề dày công tác trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ ở địa phương. Đến nay, anh đã có hai tập thơ riêng “Sông quê vẫn chảy” (2013), “Vọng quê” (2019) và nhiều tác phẩm trong hàng chục tập thơ in chung khác.  
 
Đọc thơ Nguyễn Mậu Chiến, tôi cứ ngẫm nghĩ sao mà nhiều tha phương đến vậy khi anh vẫn ở ngay trên mảnh đất quê nhà. "Rồi em bước theo chồng/ Ta thành người lữ thứ/ Mang nỗi nhớ đi rong/ Rao hoài không bán được/ Sông quê dềnh con nước/ Ta về lại bến xưa/ Đâu rồi thuở đón đưa/ Nao lòng chiều bến vắng" (Sông quê). Và, sao mà nhớ quê đến vậy khi anh vẫn gắn mình với mảnh đất quê hương: "Vẫn là nỗi nhớ nao lòng/ Bên bồi, bên lở dòng sông quê nhà/ Ăn khoai lang, nhớ mắm cà/ Khổ nghèo đất mẹ nuôi ta nên người" (Lục bát gọi về).
 
Nguyễn Mậu Chiến  “day dứt hoài nỗi nhớ” quê ngay chính lúc đang đứng bên bờ giậu quê: "Bờ giậu thưa/ Mắt nâu nhỏ thân yêu/ Ta thờ thẫn/ Day dứt hoài ... nỗi nhớ!" (Niệm Khúc). Chưa thỏa mãn, anh lại tự ly hương để đẩy nỗi nhớ quê về phía bề sâu của “gừng cay muối mặn”: "Chút gừng cay, muối mặn/ Ấm lòng người xa quê/ Kỷ niệm gọi ta về/ Tiếng mái chèo khoan nhặt!" (Sông quê). Cũng chính nỗi nhớ quê thường trực trong lòng, mà cứ mỗi bận có dịp xa quê là “cơ hội” anh để cảm xúc trào dâng, tràn vào thơ mình nỗi nhớ quê như một kẻ tha phương thực sự: "Ngọt lịm Bài Chòi lòng cứ đinh ninh/ Xuân nữ diết da, trữ tình hò Quảng/ Bao tâm sự với xàng xê, cổ bản/ Khiến kẻ tha hương lòng cứ bồi hồi" (Nghe hát bài chòi lòng lại nhớ quê).
 
Ở quê lại nhớ quê chính là lòng yêu quê hương đến như là máu thịt. Bởi thế, thơ Nguyễn Mậu Chiến đằm thắm một tình yêu non sông đất nước: "Tổ quốc.../ Là dần, sàng, nong, nia mẹ phơi, mẹ sảy/ Là những con diều giấy vi vút triền đê/ Là bến sông quê nơi đợi chờ, đưa tiễn/ Là khói lam chiều quyện chái bếp nhà ai" (Tổ quốc... những điều đơn giản nhất). Gắn với đất quê nên Nguyễn Mậu Chiến thành công hơn ở các thể thơ truyền thống. Với thơ tự do, anh sử dụng như một kẻ chưa quen biết. Bài thơ “Niệm khúc” dưới đây, mới đọc cứ tưởng là thơ tự do, nhưng kỳ thực, nếu ghép hai dòng lại thành một câu theo thứ tự thì... anh vẫn chỉ dám dùng thủ pháp ngắt dòng thể thơ bảy chữ và tám chữ truyền thống mà thôi: "Đêm tĩnh lặng/ Những giọt buồn năm cũ/ Bước chân quen/ Lớp cỏ đã phủ dày/ Nụ hôn đầu/ Thèn thẹn thơ ngây/ Đã rụng vỡ/ Làm môi mềm se sắt" (Niệm khúc). Vì vậy, mong anh mãi làm kẻ “lông bông” trên chính quê mình với các thể thơ truyền thống đơn sơ, chân chất thốt lên tự lòng mình: "Em một thời hoa cỏ/ Ta một thời lông bông" (Sông quê). Gọi Nguyễn Mậu Chiến  “ở quê mà vẫn nhớ quê” chính là như vậy!
 
MAI BÁ ẤN
 
 
 

.