Nhà thơ Nguyễn Tấn Hải và bản tình ca người lính

08:01, 10/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà thơ Nguyễn Tấn Hải, sinh năm 1955, tại thôn 3, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức. Anh làm thơ rất sớm, từ những ngày còn học trung học phổ thông. Trong hành trình thơ của mình, Nguyễn Tấn Hải viết rất nhiều, tuy nhiên anh chỉ mới xuất bản các tập: “Dấu chân cỏ mục thơm hoài chiêm bao” (1973); Tập thơ - “Thơ tình Nguyễn Tấn Hải” NXB Đà Nẵng (2002) và Tập thơ “Ngậm cọng rơm vàng” - NXB Hội Nhà văn (2010).
 

 

Nhà thơ Nguyễn Tấn Hải giống như con tằm nhả tơ, giăng mắc nỗi buồn giữa đôi bờ của thế giới cái đẹp và cuộc đời. Thơ của anh giàu chất suy tư, chiêm nghiệm của một người từng trải và lấp lánh, hội tụ cái đẹp của tâm hồn, tính cách của một người làm thơ lang bạc kỳ hồ.

Nguyễn Tấn Hải đến với nghiệp thơ như một sự tình cờ, sự tình cờ định mệnh ấy đã gắn bó với anh từ đó đến giờ. Hơn 40 năm sống và viết, anh vẫn lặng thầm sáng tác, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu thơ với những bài thơ tình.

Nhắc đến Nguyễn Tấn Hải, người yêu thơ nhớ ngay đến bài “Tình ca”. Bài thơ gắn liền với dòng thơ chủ lưu trong đời thơ Nguyễn Tấn Hải, đó là thơ tình. Bài thơ được Nguyễn Tấn Hải viết cách nay đã gần 30 năm và được bạn bè và những người yêu thơ thuộc nằm lòng.

Ở “Tình ca”, dòng cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Tấn Hải tràn đầy nỗi nhớ quê hương, ở đó có mảnh vườn xưa, nhớ dòng sông nho nhỏ, nơi ấy có người ta thương nhớ. Ta hãy nghe nhà thơ nói về nỗi nhớ: Anh đi giữ lấy vườn xanh, giữ lấy ruộng đồng giữ dòng sông nhỏ, giữ lấy loài hoa mắc cỡ, tóc đuôi gà làm đỏ vành tai, dưới làn áo màu phai, trái tim chúng mình nóng bỏng. Anh đã tới những núi đồi thơ mộng. Bờ ao xưa là dòng suối êm đềm. Ở nơi nào anh cũng nhớ thương em, từ tiếng hót của chim đến màu xanh của lá.

Dường như, Nguyễn Tấn Hải đã viết những câu thơ ấy cho chính mình, những câu thơ anh đã trăn trở đâu đó trong những đêm bồng súng đứng gác dưới sương rơi lạnh giá. Những câu thơ bật ra từ những tầng vỉa lắng sâu của ngôn từ, những khoảng trống, khoảng trắng, những khoảng lặng giữa những lúc hành quân: Đường hành quân anh qua, mỗi mùa cây khế rừng sai quả. Ăn một chùm ngon là anh nhớ quê mình. Anh hình dung từng lọn tóc em xanh. Giờ có lẽ xõa dài theo mơ ước. Nắng chiều nay có về qua cửa lớp/Cô giáo trông lên đôi mắt thật hiền/Hạnh phúc em con đường me lá lợp/Hai buổi đi về trên bục giảng thân quen/Hạnh phúc em từ những dấu chân chim/Trang giấy trắng giọt mồ hôi bổi hổi/Hạnh phúc anh từ dáng hình đồng đội/Màu áo xanh thấm bụi cây rừng/Lá thư tình dăm đứa bóc xem chung.

Thời đi lính, Nguyễn Tấn Hải cũng làm thơ rất đều đặn, ngoài đề tài về tình yêu thì người lính còn rất nhiều nỗi nhớ, nỗi nhớ mẹ vẫn luôn canh cánh trong lòng người lính trẻ, nhớ hình bóng mẹ già bên khói bếp lam chiều. cảm xúc của người lính lại được bật ra từ nỗi nhớ. Con đi qua núi qua đồi, suối reo cứ ngỡ là lời mẹ ru/ Lũng sâu réo gọi sương mù/ Mẹ ơi, đất nước nghìn thu vững bền.

Tình mẹ trong mỗi chúng ta luôn tràn đầy, trinh trắng như mặt nước hồ thu buổi sớm mà vẫn chân chất, mộc mạc, gần gũi tinh tươm tựa trang giấy học trò. Có lẽ khi con người còn chưa biết mặt chữ thì tình mẫu tử đã thể hiện đủ đầy, lung linh như ánh trăng rằm trong những câu ca dân gian xưa tình mẹ, một tình cảm thiêng liêng, cao quý luôn hiện hữu trong mỗi người con dành cho đấng sinh thành của mình.

Con đi bảo vệ non sông, để cho mẹ được vui lòng mẹ ơi/ Con theo vầng sáng chân trời, mùa xuân nở rộ một thời thanh niên. Theo dòng cảm xúc của người lính, nhà thơ Nguyễn Tấn Hải vẫn giữ mãi những hình ảnh thiêng liêng về Mẹ, về những lời ru của mẹ hiền bên cánh võng thơm tàu. Cánh võng ngày xưa mẹ ru dìu dặt, con lớn lên theo tiếng đập thơm tàu.

Và dòng chảy cảm xúc của những bài thơ tình chưa một giây phút nào ngưng đọng ở nhà thơ Nguyễn Tấn Hải, anh vẫn lặng thầm làm thơ, cháy hết mình vì bè bạn và đem lại cho đời những bài tình ca muôn thuở.


Bài, ảnh: HUỲNH THẾ


 


.