Nhà thơ Vũ Cao như tôi biết

08:01, 31/01/2015
.

 *Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Nhà thơ ngâm thơ mình hay thơ người là chuyện bình thường, có gì phải nói? Nhưng không phải nhà thơ nào cũng sẵn sàng ngâm thơ, dù là thơ mình. Nhà thơ Vũ Cao thuộc trường hợp như vậy.

Ông có lẽ là một trong những nhà thơ Việt đương đại khiêm nhường nhất, nhẹ nhàng nhất, và cũng ít… đọc thơ mình nhất. Dù ông là tác giả của bài thơ vượt thời gian “Núi Đôi”. Mỗi khi nghe đến câu thơ “Núi vẫn đôi mà anh mất em”, câu thơ giản dị như không thể giản dị hơn, mà cứa vào lòng ta nỗi xót đau khó câu thơ nào có được, tôi lại như thấy dáng đi dáng đứng sừng sững một ngọn núi của tác giả bài thơ.

Vũ Cao có lẽ phải cao đến hơn mét tám, có phải vì thế ông có tên là “Cao”? Nhưng con người cao lớn ấy lại thường “lặng thinh như núi”. Ông thật hiền, cứ lặng lẽ mà ấm áp. Nhiều lần gặp và cũng nhiều lần chuyện trò với ông, nhưng tôi chưa thấy Vũ Cao đọc thơ mình bao giờ.

Cho tới một lần… Ấy là vào khoảng năm 1978, Vũ Cao vào công tác tại trại sáng tác quân khu Năm, nơi tôi và một số nhà thơ nhà văn đang sống và viết. Sau khi làm việc với “trại trưởng” Nguyễn Chí Trung, buổi tối Vũ Cao tới nhà mấy anh em chúng tôi chơi. Hồi đó, nói tới “chơi” phải hiểu ngầm là tới “uống”.

Vũ Cao tới nhà chúng tôi uống rượu. Bấy giờ thời buổi khó khăn, chúng tôi chỉ có rượu thuốc và mồi nhậu đơn sơ đãi ông. Nhưng Vũ Cao uống rượu với chúng tôi vô cùng hào hứng. Hoá ra, “ông già” uống rất được! Tới lúc bốc, đột nhiên Vũ Cao…ngâm thơ. Không phải bài “Núi Đôi”, không phải thơ ông, mà Vũ Cao ngâm thơ Thâm Tâm, một người bạn, người anh, người đồng chí mà ông vô cùng quí trọng và kính phục.

Thật bất ngờ, giọng Vũ Cao ngâm thơ, nhất là ngâm bài  “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, nghe hay đến…nhức xương. Nó da diết, hào sảng, bất cần, thất vọng, rồi hy vọng. Tôi còn nhớ, khi hai câu thơ Thâm Tâm được Vũ Cao ngâm lên, chúng tôi cảm thấy như có một luồng điện chạy dọc châu thân:
               
“Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
  Chí nhớn chưa về, bàn tay không”


Cứ như Thâm Tâm đang nhập vào Vũ Cao để ngâm hai câu thơ này. Hai câu thơ dồn nén bao tâm trạng và tôi chợt nghĩ, có thể đó cũng chính là những tâm trạng của Vũ Cao mà bình thường ông khó thổ lộ với ai. Thơ kỳ lạ thế! Nhiều khi nó nói hộ ta mà ta không biết.

Khi bài thơ đã đi xong, im lặng vẫn sừng sững trong bàn rượu, và kéo dài hàng phút. Tất cả chúng tôi đều xúc động. Vũ Cao sau đó còn ngâm một vài bài thơ Thâm Tâm, trong đó có cả bài thơ hình như chưa được Thâm Tâm công bố. Giọng ngâm của Vũ Cao đầy ma mị mà lại ấm áp vô cùng. Tôi chợt nghĩ, chúng ta còn hiểu về nhà thơ “lặng im như núi” này quá ít.

Con người ấy thường vẫn dấu kín những “xúc cảm nguồn” của mình, và vẫn sống như một người hết sức bình dị, nhân hậu và khiêm nhường. Chỉ tới một lúc nào đó, gặp một “đánh động”, một “trường đồng cảm” nào đó, ông mới thật trải lòng mình. Đêm đó Vũ Cao tâm sự với chúng tôi rất nhiều chuyện mà tôi biết, bình thường ông không hề nói với ai.

Chẳng phải vì chúng tôi thân với ông hơn người khác, mà đơn giản, chỉ vì chúng tôi ăn may gặp đúng “cơn” thổ lộ, vọt trào, xuất thần của ông. Hóa ra, trong cuộc đời Vũ Cao không chỉ có toàn yên ả, dù ai mới quen hay chỉ đọc thơ ông đều có cảm giác như vậy. “Không có ai đơn giản ở trên đời”( thơ Evtuchenko), huống chi đó là nhà thơ, lại là một nhà thơ nổi tiếng và sống nhiều về nội tâm như Vũ Cao.

Cái thời những năm 1976-1978 ấy là thời hết sức khó khăn của đất nước, hết sức khốn khó của nhân dân, nhưng lại là thời mà những nhà thơ mới ra khỏi cuộc chiến tranh đằng đẵng như Vũ Cao, như lớp nhà thơ trẻ chúng tôi cảm thấy mình mắc nợ nếu không viết được gì về chính cuộc chiến tranh mình vừa trải qua.

Trên cương vị một Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội-tờ tạp chí văn học có uy tín hàng đầu thuở ấy-Vũ Cao đã là “bà đỡ” mát tay cho nhiều tác phẩm viết về chiến tranh, cho nhiều nhà thơ nhà văn trẻ vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh. Tôi thuộc số được hưởng lợi khi Vũ Cao làm Tổng biên tập, vào lúc nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, và trước đó là nhà thơ Xuân Sách, làm biên tập thơ, rồi Trưởng ban thơ. Trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ” của tôi được viết từ cuối năm 1976, tới đầu năm 1978 thì vừa xong.

Theo đề nghị của Trại trưởng Nguyễn Chí Trung, tôi đã gửi ngay bản thảo trường ca cho tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Và chỉ trong vòng hai tháng sau khi gửi, trường ca với hơn 600 câu thơ đã được in toàn bộ trên tạp chí VNQĐ số tháng 4.1978. Có lẽ đó là lần đầu tiên tạp chí VNQĐ in nguyên một trường ca như thế.

Đúng vào lúc nhà thơ Vũ Cao dẫn đoàn cán bộ của tạp chí vào làm việc tại Trại sáng tác văn học Quân khu Năm, thì má con tôi lại ra Huế thăm vợ tôi mới sinh cháu trai đầu lòng. Tối hôm đó, khi má con tôi đi tàu chợ từ Huế vào Đà Nẵng, thì ở Trại sáng tác quân khu V-số 10 Lý Tự Trọng-Đà Nẵng có cuộc liên hoan giữa “chủ nhà” với đoàn cán bộ tạp chí Văn nghệ quân đội vào làm việc. May quá, khi tôi về thì tiệc mới vào chưa lâu.

Hồi ấy chỉ có rượu thuốc, không bia cũng chẳng rượu tây như bây giờ. Nhưng tất cả những người dự tiệc đều hết sức hứng khởi. Má tôi cũng được quí mến mời vào bàn tiệc, dù bà chẳng thuộc “trại sáng tác” cũng không thuộc  “Quân đội văn Nghệ”.

Riêng tôi, thấy rượu như thấy bạn hiền, nhào vào “dzô dzô” ngay, không hề câu nệ. Được ngồi với khách toàn là các bậc đàn anh quen thân, không uống hết mình thì còn biết làm gì ! Tôi uống tưng bừng cùng các anh văn nghệ quân đội, cùng bạn bè mình ở trại sáng tác, trong khi má tôi chỉ ngồi… cười cười. Có vẻ bà đang rất vui, không phải vì thấy con uống rượu, bà vui vì không khí thân tình giữa anh em văn nghệ mà có lẻ lần đầu tiên bà được chứng kiến.

Cho tới khi thấy tôi… uống nhiều quá, có nguy cơ say tới nơi, thì má tôi đứng dậy. Bà khoan thai cầm ly rượu thuốc, trân trọng và vui vẻ, thay mặt đứa con trai, mời từng người trong bàn tiệc. Với mỗi khách mời, bà đều cụng ly và uống cạn ly của mình. “Uống đỡ cho thằng con trai”. Tôi ngớ ra, sửng sốt. Tôi chưa bao giờ thấy má tôi uống rượu như vậy. Hóa ra, bà cụ uống quá được! Cứ mời từng người, mỗi người một ly như thế, má tôi đã uống một lúc khoảng hơn hai chục ly rượu. Bà vẫn giữ vẻ mặt tươi tỉnh, vẫn khoan thai và quí trọng mọi người. Cả bàn tiệc bật vỗ tay rào rào, hoan hô má tôi.

Nhà thơ Vũ Cao sau bữa tiệc đã nói với tôi, giọng đầy cảm xúc: “Mẹ cậu thật tuyệt vời!” Tôi sung sướng vô cùng, còn sướng hơn cả khi Ông khen thơ tôi hay nữa. Má tôi chỉ là một phụ nữ nông dân, sau này là một công nhân nông nghiệp. Bà là một phụ nữ ít học, phấn đấu mãi mới học xong chương trình lớp 7 bổ túc văn hóa. Nhưng trong cuộc tiệc, bà đã được nhà thơ Vũ Cao khen như một người có văn hóa.

Tôi biết ơn nhà thơ Vũ Cao vì sự rộng lòng đó, như đã cảm phục Ông về nhân cách và sự lặng lẽ đầy chất chứa của một nhà thơ giàu văn hóa./.

     
 


.