Nga Ri Vê - “Người kể H’mon” của dân tộc Hrê

10:04, 01/04/2011
.

 
(QNg)- Tập truyện và ký mang tựa đề “Người kể H’mon” của Nga Ri Vê vừa ra mắt thân hữu và bạn đọc là tác phẩm văn xuôi thứ hai của chị được ấn hành, sau tập “Truyện cổ Cadong”.


Nga Ri Vê là nhà thơ dân tộc Hrê, quê ở huyện Sơn Hà. Chị sáng tác thơ rất sớm và đã có thơ được đăng tải trên nhiều báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương. Chị đã xuất bản 3 tập thơ, trong đó tập “Đóa hoa rừng” đã được tặng giải B Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992. Vượt ngưỡng tuổi 65, sức khỏe hạn chế, nhưng với niềm đam mê văn nghệ và ý thức bảo tồn vốn văn hóa quý báu của các dân tộc thiểu số trong tỉnh, chị vẫn lặng lẽ sáng tác và khai thác, sưu tầm văn hóa dân gian 3 dân tộc: Hrê, Cadong, Cor.

Tập sách “Người kể H’mon” tập hợp 20 truyện và ký được chắt lọc, tinh tuyển từ gần một đời sáng tác của chị. Truyện và ký của Nga Ri Vê mang đậm hơi thở đại ngàn với cách nghĩ, cách nói, cách diễn đạt mộc mạc, chân chất, giàu hình tượng của bà con dân tộc thiểu số. Cái yêu, cái ghét của từng nhân vật cũng rõ ràng, minh bạch như chính cuộc sống đang diễn ra trên quê hương Quảng Ngãi. Là một người suốt đời làm nghề giáo, nên trong nhiều tác phẩm của chị bóng dáng những thầy giáo, cô giáo cùng đám học trò luôn đậm nét và chiếm nhiều tình cảm trên những trang viết đầy nhiệt tâm, nhiệt tình của một nữ nhà giáo – nhà văn trong huyết quản.

Số phận của cậu bé Sang Điêng mồ côi được đổi thay nhờ tình yêu thương, đùm bọc của cả cộng đồng và vòng tay nhân ái của cô giáo Y-Va để em có thể ngẩng cao đầu bước vào chân trời mới sau lần sinh nhật thứ 15 do thầy cô và bạn bè tổ chức: “Thế là cuộc đời Sang Điêng bước sang một bước ngoặt mới, một điều nằm mơ mà chẳng thể có. Ai cũng mừng cho em. Ai cũng chúc em ngoan, học giỏi và sống xứng đáng với tình nghĩa của cô Y-Va đã dành cho em. Từ đó con suối Huy Măng chỉ còn có bình minh, bình minh dịu dàng, ấm áp lạ thường” (Sang Điêng).

Nga Ri Vê viết về núi rừng, về những plây chìm trong đại ngàn, mây trắng với tình cảm tha thiết yêu thương và những câu văn thấm đẫm chất thơ: “Plây Krá – Uxao cao cao trên lưng chừng đồi. Khi ông mặt trời thức dậy, sương bạc phủ vai mờ ảo, đính trên cỏ cây những viên ngọc li ti long lanh óng ả. Ban ngày muôn vàn đóa hoa mây trắng sà xuống, phủ mát những mái nhà sàn cheo leo, heo hút. Đến khi ông mặt trời đi ngủ, Plây im lìm chìm vào trong áo thần đêm, yên ả, mơ màng, mọi cảnh vật cũng gật gù đi ngủ” (Chuyện của Y-Ly).

Trong “Người kể H’mon” còn có nhiều nhân vật đầy cá tính như cô giáo Y-Mai, người con gái núi Ka-Mua, người con trai xóm Linh Mo, Y-Sao v.v… được khắc họa đậm nét bằng cách nghĩ, cách sống, trong từng số phận. Truyện “Người kể H’mon” được chọn làm tựa đề chung cho cả tập là một truyện tuy ngắn, nhưng khá đặc sắc. Nhân vật trong truyện là ông già Phạm Văn Hêng ở Ba Tơ – là một trong những người Mon (kể chuyện cổ) hiếm hoi của dân tộc Hrê. Nga Ri Vê viết: “Mon Hrê là nền tảng của sinh hoạt cộng đồng, nó là nền văn hóa của dân tộc Hrê. Mon được diễn đạt theo thể vừa văn vần vừa văn xuôi. Kể (văn xuôi), hát (văn vần), ngôn ngữ giàu hình tượng, nhạc điệu trầm bổng, âm điệu mượt mà say đắm, là di sản văn hóa độc đáo của người Hrê. Nó tồn tại cùng sự sinh tồn, phát triển cộng đồng và lưu truyền như một vốn quí với nhiều đề tài”.

Là người dạy học, làm thơ, viết văn và khai thác, sưu tầm văn hóa dân gian Hrê, chính bản thân Nga Ri Vê cũng là người kể H’mon đầy tâm huyết của dân tộc Hrê.

Trầm Thụy Du

.