Tưởng niệm 43 năm ngày thảm sát Sơn Mỹ (16/3/1968 -16/3/2011):
Những người truyền thông điệp hòa bình ở Sơn Mỹ

01:03, 16/03/2011
.

(QNg)- Có người chỉ mới 3-4 tuổi nghề, cũng có người gắn bó tròn 10 năm. Với họ - những người thuyết minh ở Khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh) là được truyền đi những thông điệp hòa bình đến với nhân loại trên toàn thế giới.

Theo chân những người thuyết minh cho một đoàn khách quốc tế về lại Khê Thuận (thôn Tư Cung) và Mỹ Hội (thôn Cổ Lũy) thăm những nhân chứng sống và những chứng tích trong vụ thảm sát 504 dân thường vào ngày 16/3/1968. Gần 2 tiếng đồng hồ, câu chuyện ở Mỹ Lai - Sơn Mỹ năm nào đã được tái hiện rõ nét từ quá khứ đến hiện tại.
 
Chị Trần Thị Thanh Hương đang giới thiệu về vụ thảm sát Sơn Mỹ tại khu trưng bày.      Ảnh: T.THUẬN
Chị Trần Thị Thanh Hương đang giới thiệu về vụ thảm sát Sơn Mỹ tại khu trưng bày. Ảnh: T.THUẬN

Đa số khách quốc tế đến Sơn Mỹ đều muốn đi thực tế, xem những gì có thật và muốn nghe chính những người trong cuộc kể nên dần dần các chị đã quen với những yêu cầu của khách quốc tế. Dù phải giăng mình trong nắng, không được nghỉ, có khi chưa kịp ăn trưa nhưng bất kể những yêu cầu nào của khách các chị đều rất sẵn lòng.

Chị Trần Thị Thanh Hương - thuyết minh tiếng Anh cho biết: Phục vụ khách nước ngoài rất vất vả vì họ thường đến vào buổi trưa và tìm hiểu rất kỹ nên ngoài tiếng Anh lưu loát thì cách diễn đạt, cảm xúc cũng rất quan trọng. Làm thế nào để họ thấy được sự tàn khốc của chiến tranh, thấy được nỗi đau mà nhân dân Sơn Mỹ phải gánh chịu, đồng thời cũng thấy được người dân Sơn Mỹ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung rất kiên cường, mạnh mẽ, bỏ lại quá khứ, xây dựng tương lai.

Từ bỏ mức lương 400 USD, năm 2007 chị Hương quyết định gắn bó với Khu chứng tích Sơn Mỹ làm thuyết minh tiếng Anh hợp đồng chỉ 1 triệu đồng/tháng. Nhưng bằng tất cả niềm say mê, sự đồng cảm và đặc biệt hơn là những tình cảm của người dân Sơn Mỹ, những nạn nhân còn sống sót đã dành cho mình nên kết dính chị với nơi này.

Chị Hương tâm sự: Lúc đầu nhận việc, nhìn những hình ảnh ở phòng trưng bày nước mắt cứ chảy mãi, không kìm nén cảm xúc được vì quá khủng khiếp, phải mất 3-5 tháng mình mới cân bằng được. Có lẽ nhờ thế mà nó đã cuốn hút mình, làm mình yêu công việc hơn, muốn tìm hiểu nhiều hơn để phục vụ mọi người về những gì liên quan đến vụ thảm sát ở Mỹ Lai và chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.   

Công việc của người thuyết minh viên ở Khu chứng tích không những phải có sức khỏe để chịu đựng được nắng mưa, mà còn phải có kiến thức cũng như chất giọng dễ nghe, dễ hiểu để có thể truyền đạt câu chuyện đến mọi người. "Khi đó mình chính là người giúp cho khách hiểu đúng bản chất của cuộc chiến mà quân đội Mỹ đã gây ra và phải đặt mình vào vị trí của những người có người thân bị giết hại mới có thể truyền đạt được những cảm xúc thật sự đến người nghe". Chị Phan Thị Vân Kiều - thuyết minh viên tiếng Anh cho biết.

Tròn 10 năm gắn bó với Khu chứng tích Sơn Mỹ, với hàng vạn lần thuyết minh cho khách trong và người nước. Chị Kiều chưa từng học qua trường lớp nào về thuyết trình nhưng sau bao nhiêu năm "nói chuyện", rất nhiều người nhớ đến chị khi trở lại Sơn Mỹ và họ muốn được nghe lại giọng của chị. Nhiều người kể với chị rằng họ thật sự xúc động qua câu chuyện kể vì hình như trong những câu chuyện kể của chị không có sự rập khuôn nào và không lần nào có cảm xúc giống nhau. Chị tâm sự: Lúc đầu cũng không phân biệt đối tượng khách như thế nào nhưng qua thời gian, dựa vào thực tế đối tượng khách phục vụ để mình có cách giới thiệu khác nhau.

Đối với những cụ già mình có cách để gợi cho họ quay về quá khứ mà mình đã trải qua trong cuộc chiến mà Mỹ đã gây ra. Đối với trẻ em, học sinh mình chỉ hướng dẫn và làm sao để các em thấy được rằng trong chiến tranh cha ông ta đã đổ bao xương máu để có được hòa bình độc lập và thế hệ trẻ phải làm gì để xây dựng quê hương. Đặc biệt đối với cựu binh thì phải gợi cho người ta chia sẻ với nỗi đau của người dân Sơn Mỹ, từ đó bản thân họ sẽ tự lên tiếng rằng những hành động đó là sai và khi về nước họ sẽ là những tuyên truyền viên hòa bình tốt nhất, kêu gọi mọi người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đừng bao giờ để tái diễn chiến tranh.

Khu Chứng tích đang hiện hữu giữa làng Mỹ Lai hằng ngày vẫn truyền đi thông điệp hòa bình đến tất cả mọi người: Hãy cùng phấn đấu cho một thế giới không còn chiến tranh, tội ác…

 Thanh Thuận

.