Đặng Thùy Trâm và quê hương Quảng Ngãi

09:02, 15/02/2011
.
 PHẠM ĐÌNH KHỐI- Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi

 
(S.Tr)- Trong cuộc đấu tranh gian khổ vì độc lập dân tộc, trên quê hương Quảng Ngãi đã diễn ra nhiều thắng lợi vẻ vang, nhiều kỳ tích anh hùng như: Khởi nghĩa Ba Tơ (tháng 3-1945), Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (tháng 8- 1959),Chiến thắng Ba Gia (tháng 5- 1965), Chiến thắng Vạn Tường (tháng 8- 1965)…
 
Qua từng chặng đường lịch sử, mảnh đất sông Trà núi Ấn không chỉ thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của các thế hệ người dân nơi đây, mà còn có công lao vun xới, đắp xây và sự hy sinh anh dũng của những người conViệt Nam sinh ra ở khắp mọi miền Tổ quốc, mà điển hình là Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ngoan cường.

Lịch sử có những cuộc trùng phùng vừa gắn kết những vùng đất, những con người, vừa mang hơi thở và tầm vóc thời đại. Người con gái tuổi đôi mươi từ thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đã xung phong, cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước và đã đến với miền quê Quảng Ngãi trung dũng kiên cường.
 
Cuốn nhật ký thấm máu của người nữ anh hùng đã được viết trong những năm tháng chị thầm lặng cống hiến cho Tổ quốc, sống và yêu thương những con người bình dị trên mảnh đất Đức Phổ gian khổ, nghèo khó nhưng quả cảm, kiên trung, lại có cuộc hành trình đến tận nửa vòng trái đất trước khi trở về với đất mẹ Việt Nam, để rồi từ đó đến với hàng triệu con người trên khắp hành tinh. Sau 35 năm lưu lạc, nhưng được giữ gìn, trân trọng bằng chính sự khâm phục của những người bên kia chiến tuyến, những dòng chữ mang “ngọn lửa tuổi hai mươi” đã trở về để nói với những người đang sống những suy tư, trăn trở, những hoài bão thiết tha của một lớp người trẻ tuổi sẳn sàng cống hiến sức mình cho lý tưởng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, góp một tiếng nói chân thực để nhân loại tiến bộ hiểu được khát vọng sâu xa của con người Việt Nam là được sống trong hoà bình, được chung tay mưu cầu hạnh phúc.
 
Cuốn nhật ký của riêng một người, đã trở thành di sản lịch sử của cả đất nước, vì cuộc đời và những cống hiến của người viết mang ý nghĩa tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ.
Sự kiện người lính thông dịch viên quân đội Sài Gòn Nguyễn Trung Hiếu và viên sỹ quan quân báo trong lực lượng viễn chinh Mỹ Frederic Whitehurst quyết định không tiêu huỷ 2 tập nhật ký của bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm mà thầm lặng giữ gìn, bất chấp những hiểm nguy mà họ có thể gặp phải trong cuộc chiến một mất, một còn, rồi sau đó, suốt bao nhiêu năm hậu chiến đã kiên trì tìm cách trả lại cho những người thân của chị, như thể một câu chuyện cổ tích thời hiện đại; vừa thấm đẫm tính nhân văn, vừa thể hiện sinh động sức lôi cuốn, thuyết phục, cảm hoá của những dòng chữ được viết ra trong khói lửa chiến tranh, bằng nhịp rung của trái tim tuổi trẻ, mang lý tưởng cao đẹp của cả một dân tộc anh hùng.

Từ rất lâu trước khi cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt bạn đọc, những mẩu chuyện gần gũi, thân thương và cảm động về người nữ bác sỹ trẻ Đặng Thuỳ Trâm đã được đồng bào, chiến sỹ, đặc biệt là những người bạn chiến đấu, những thương bệnh binh từng được chị điều trị ở trạm xá “Bác Mười” kể cho nhau nghe cùng với sự khâm phục, tình cảm yêu thương, lòng biết ơn đối với người con gái tận thủ đô Hà Nội, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, gắn bó với chiến trường Đức Phổ những tháng năm chiến tranh ác liệt và đã anh dũng hy sinh dũng cảm trước mũi súng của quân thù. Sau khi Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm được công bố, đồng bào chiến sỹ từng sống và chiến đấu với liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm, cũng như đồng bào chiến sỹ Quảng Ngãi, vô cùng tự hào vì mảnh đất quê hương đã từng là nơi yêu thương, đùm bọc người bác sỹ, chiến sỹ mang lý tưởng sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam đi vào cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.

Hình ảnh liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm xông pha trong gian khổ, không quản ngại khó khăn, nhiều lúc đứng bên bờ vực sống chết, để chăm sóc cho thương bệnh binh và đồng bào vùng kháng chiến với một tâm hồn lạc quan, yêu đời, luôn luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Nhân dân đã trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Quảng Ngãi hôm nay trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Từ nhiều năm qua, các trường học, các tổ chức cơ sở của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã liên tiếp phát động nhiều phong trào học tập và noi gương sáng Anh hùng, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm và xem đây là một biểu hiện cụ thể hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động. Tên tuổi bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm, những dòng nhật ký mang đầy nhiệt huyết tuổi 20 của chị đã trở nên gần gũi, thân thuộc với thế hệ trẻ Quảng Ngãi. Có thể nói rằng, tuổi trẻ Quảng Ngãi đã xem Đặng Thuỳ Trâm như là một người con sinh ra trên quê hương sông Trà- núi Ấn, một hình mẫu về lý tưởng để học tập, noi theo.

 Đến nay, trên quê hương Phổ Cường - Đức Phổ, cùng với việc bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm được xây dựng từ kết quả của một cuộc vận động lớn do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các ngành, cấp liên quan tiến hành khảo sát, kiểm kê, trùng tu các di tích lịch sử- văn hoá liên quan đến khu “Trạm xá bác Mười”, nơi bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm từng phụ trách điều trị thương bệnh binh và nhân dân trước lúc hy sinh; khai trương tuyến du lịch “Theo dòng Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”, xây dựng Thư viện mang tên Đặng Thuỳ Trâm tại xã Phổ Cường, phối hợp với Saigontourist quy hoạch Khu du lịch rộng trên 200 ha nằm trên địa bàn 2 huyện Ba Tơ và Đức Phổ, và mới đây là việc khởi công xây dựng tuyến đường dài gần 5 km nối quốc lộ 1A đến hồ Liệt Sơn, một trong những địa điểm nằm trên tuyến du lịch về thăm các di tích liên quan đến người nữ bác sỹ anh hùng. 

Theo quy hoạch đã được công bố, Khu du lịch Đặng Thuỳ Trâm gồm khu vui chơi - giải trí, khu cắm trại, câu cá, nhà hàng nổi, du lịch sinh thái trên hồ đập Liệt Sơn, khu trưng bày gắn với bệnh xá Đặng Thùy Trâm, tour du lịch "Hành trình theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm” kết nối liên hoàn từ cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kontum) vượt qua đèo Violac - quốc lộ 24B nối với tuyến quốc lộ 1A, huyện Đức Phổ. 

Quê hương Quảng Ngãi, nơi Anh hùng, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã viết những dòng nhật ký “bên trong có lửa”, nơi chị đã anh dũng chiến đấu, hy sinh đang thay đổi từng ngày, góp phần tích cực vào sự nghiệp của Tổ quốc thân yêu, vươn đến tiền đồ rạng rỡ, hạnh phúc, phú cường như các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ, trong đó có chị, hằng mong muốn./.

.