Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

10:01, 09/01/2019
.
(Baoquangngai.vn) – Chiều 9.1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. 
Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi có lãnh đạo Sở GD&ĐT và các sở, ngành, lãnh đạo Phòng GD&ĐT các huyện,  thành phố.
 
Theo Bộ GD&ĐT, chương trình GDPT mới bao gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - 9) và Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - 12).
 
Giai đoạn giáo dục cơ bản trang bị cho học sinh tri thức, kỹ năng nền tảng; hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt trong xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng theo các hướng. 
 
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, đảm bảo học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động. 
 
 

Chương trình mới được triển khai vào năm học 2020 - 2021.

 
Ở cấp TH có 8 môn học bắt buộc, 5 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc có phân hóa và 1 môn học tự chọn; cấp THCS có 6 môn học bắt buộc, 5 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc có phân hóa và 2 môn học tự chọn.
 
Dự thảo chương trình tổng thể, lớp 10 có 13 môn học và 2 hoạt động giáo dục bắt buộc; lớp 11 và lớp 12 có 9 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.
 
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình GDPT mới có nhiều điểm khác so với chương trình giáo dục hiện hành, trong đó chuyển từ nền giáo dục nặng về kiến thức sang nền giáo dục hướng đến phát triển con người toàn diện, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
 
Kiến thức nền tảng chủ yếu là những kiến thức cốt lõi được kế thừa từ chương trình GDPT hiện hành, được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn,…
 
Ngoài ra, kiến thức còn được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình.
 
Sau khi công bố chương trình các môn học mới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa để kịp thời triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021.
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các địa phương đẩy mạnh truyền thông về đổi mới Chương trình GDPT mới; chỉ đạo các cơ sở giáo dục bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên; điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có. 
 
Tin, ảnh: A.KIỀU
 

.