(Báo Quảng Ngãi)- “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp” là chủ đề chính của Tháng ATVSLĐ lần thứ I - năm 2017 được phát động toàn quốc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chánh Thanh tra sở LĐ-TB&XH Nguyễn Đăng Thương cho biết: Từ năm 2014-2016, theo báo cáo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 55 vụ TNLĐ được các ngành chức năng ghi nhận. Trong đó có 17 người chết và 36 người bị thương nặng. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều vụ TNLĐ không được trình báo, số lượng doanh nghiệp trong tỉnh tham gia báo cáo TNLĐ định kỳ hằng năm rất ít, nên khó có thể phản ánh được tình hình thực tế.
Doanh nghiệp vẫn còn lơ là
Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ-PCCN đã tiến hành kiểm tra 16 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và thuộc nhóm “nguy cơ cao”. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị này đều đảm bảo các thông số kỹ thuật và quy trình sản xuất an toàn, thực hiện bảo hộ lao động, bảo đảm các trang thiết bị cần thiết trong phòng chống cháy nổ.
Tuy nhiên, đoàn cũng nhận thấy nhiều đơn vị vẫn chưa quan tâm đến công tác huấn luyện an toàn cho người lao động, chưa thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm công việc nặng nhọc để tái tạo sức lao động, các doanh nghiệp cũng thiếu quan tâm đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người lao động...
Công tác huấn luyện an toàn cho lao động cần được chú trọng. ẢNH: PV |
Có doanh nghiệp, đoàn kiểm tra liên ngành tái kiểm tra lần thứ 2, nhưng vẫn không thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đó là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tiến Phát (KCN Tịnh Phong); Chi nhánh Công ty Cổ phần Gas Thành Tài (KKT Dung Quất); Nhà máy sản xuất tấm lợp Fibrocement (Cụm Công nghiệp Bình Nguyên, Bình Sơn); Công ty TNHH Ngói Việt (TP.Quảng Ngãi).
Qua kiểm tra của đoàn liên ngành tại 16 đơn vị, có 119 lao động/14 doanh nghiệp có sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, nhưng chỉ có 24 lao động của 2 doanh nghiệp được được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ vận hành các loại máy, thiết bị trên. 16/16 doanh nghiệp không lập kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Có 7/16 doanh nghiệp thực hiện việc huấn luyện ATVSLĐ, nhưng không đảm bảo đủ số nhóm theo quy định. 14/16 doanh nghiệp không thành lập phòng y tế, không có cán bộ làm công tác y tế chăm sóc sức khỏe. |
Trong đó, Công ty TNHH Thương mại- dịch vụ Tiến Phát là đơn vị hoạt động ở ngành nghề đặc thù, có yếu tố rủi ro cao là chiết lọc khí dầu mỏ hóa lỏng... Tuy nhiên, đây lại là doanh nghiệp vi phạm hầu hết các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng không thực hiện các kiến nghị của đoàn kiểm tra liên ngành, không báo cáo kết quả sau khắc phục.
Cần tăng cường phòng ngừa rủi ro
Chủ đề của Tháng ATVSLĐ lần thứ I - năm 2017 là “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Đây là lần đầu tiên Tháng ATVSLĐ được tổ chức trong cả tháng 5, thay cho Tuần lễ ATVSLĐ - PCCN trước kia.
Điều này chứng tỏ vai trò của công tác ATVSLĐ ngày càng được xem trọng, bởi nó liên quan mật thiết đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và an toàn sức khỏe, tính mạng của người lao động. Phòng ngừa luôn là yếu tố đầu tiên giúp giảm thiểu các nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ tại mỗi cơ sở sản xuất, mỗi doanh nghiệp.
Sự đồng hành giữa cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là yếu tố không thể thiếu, nhằm đảm bảo ATVSLĐ. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ ở các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất. Ngoài ra, quan trọng hơn cả, mỗi người lao động cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về ATVSLĐ - PCCN để tích cực ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây mất an toàn lao động.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cao Đình Hòa cho biết: “Trong Tháng ATVSLĐ, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành liên quan sẽ tổ chức xuyên suốt các hoạt động tư vấn, huấn luyện, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn; hướng dẫn, tư vấn cải thiện điều kiện lao động; đặc biệt thực hiện công tác tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động về ATVSLĐ...
Bên cạnh việc kiểm tra giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp, tự thân người lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động cần phải nâng cao nhận thức về ATVSLĐ-PCCN; đừng để sự việc đã rồi mới khắc phục hậu quả”.
VŨ YẾN