Cần chú trọng đảm bảo an toàn lao động

10:11, 14/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, những năm gần đây số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này đặt ra câu hỏi đối với ngành chức năng và các  doanh nghiệp, làm thế nào để giảm thiểu TNLĐ?

TIN LIÊN QUAN

Đảm bảo an toàn lao động là yêu cầu bắt buộc đối với bất kỳ cơ sở sản xuất kinh doanh hay doanh nghiệp nào. Thế nhưng một thực tế đáng lo ngại hiện nay là, số người chết và bị thương do TNLĐ trên địa bàn tỉnh ngày một gia tăng.

Tai nạn lao động liên tiếp xảy ra

Nhiều công nhân làm việc ở Nhà máy tấm lợp Fibro-cement và ngói xi măng màu Quảng Phúc Quảng Ngãi, đóng tại Cụm công nghiệp - làng nghề Bình Nguyên (Bình Sơn), vẫn còn ám ảnh khi nhắc lại câu chuyện xảy ra ở doanh nghiệp này khiến bà Lê Thị Lan (53 tuổi, ở xã Bình Trung) tử vong.

Sự việc xảy ra vào giữa năm 2016, nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do hệ thống điện đấu nối với mô tơ điện rò rỉ khiến bà Lan tử vong khi bà đang dọn vệ sinh trong hồ nước. Hay trước đó, vào ngày 30.5.2016, tại nhà xưởng chế biến dăm gỗ keo Công ty TNHH Giấy Phú Mỹ cũng thuộc Cụm công nghiệp - làng nghề Bình Nguyên xảy ra vụ TNLĐ khiến ông Lê Văn Nga (36 tuổi, quê ở thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên) tử vong, do bất cẩn trong lúc làm việc.

Tình trạng mất an toàn lao động luôn thường trực tại các cơ sở, doanh nghiệp.
Tình trạng mất an toàn lao động luôn thường trực tại các cơ sở, doanh nghiệp.


Không chỉ ở các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, mà câu chuyện mất an toàn lao động cũng là thực trạng đáng báo động tại các mỏ đá trên địa bàn tỉnh. Hầu như năm nào cũng xảy ra tai nạn chết người tại các mỏ đá. Trong tháng 6.2016 tại mỏ đá Hóc Kè (Ba Tơ) xảy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của anh Nguyễn Ngọc Hoanh (35 tuổi, trú xã Ba Động). Nguyên nhân được xác định là do phần đuôi xe máy đào do ông Bùi Hòa điều khiển thi công lắp ráp hệ thống băng chuyền, trong quá trình thi công sơ suất đã kẹp anh Hoanh vào bánh răng của băng chuyền, dẫn đến tử vong.

Hay trước đó, tại mỏ đá Mỹ Trang (Đức Phổ), trong lúc 4 công nhân đang khoan đá để đánh mìn khai phá đá, thì bất ngờ hàng chục khối đá lớn từ trên cao đổ xuống khiến anh Hà Văn Toản (37 tuổi, ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị các khối đá lớn vùi lấp, dẫn đến tử vong tại chỗ.
 

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra  44 vụ TNLĐ được các ngành chức năng ghi nhận. Trong đó, năm 2015, xảy ra 24 vụ TNLĐ làm 6 người chết, 15 người bị thương nặng. Riêng 10 tháng năm 2016, xảy ra 20 vụ TNLĐ làm 10 người chết và 11 người bị thương nặng. Đó là những con số ngành chức năng thống kê được, trên thực tế có rất nhiều vụ TNLĐ không được trình báo.

Không đảm bảo quyền lợi cho người lao động

TNLĐ đang để lại những hệ lụy vô cùng lớn không chỉ với cá nhân và gia đình người bị nạn mà còn với cả xã hội. Là trụ cột của gia đình, nhưng ông Đỗ Đình Tấn ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) đã trở thành gánh nặng của cả gia đình kể từ khi bị TNLĐ. Ông Tấn là công nhân thời vụ tại Công ty TNHH Kim Sơn (chuyên hoạt động trong lĩnh vực dăm gỗ), đóng tại Cụm công nghiệp-làng nghề Tịnh Ấn Tây.

Ngày 14.3.2016, khi đang làm việc ca đêm không may bị gỗ keo rơi trúng đầu. Bị chấn thương cột sống cổ, dập tủy cổ, thoát vị đĩa đệm C3, C4, ông được gia đình đưa ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu và được chỉ định phẫu thuật.

Sau nhiều tháng trời điều trị, nhưng đến nay hai tay của ông vẫn không thể hoạt động, đi lại cũng khó khăn. “Chi phí điều trị rất tốn kém, công ty chỉ hỗ trợ 30 triệu đồng. Giờ khoản nợ 150 triệu đồng vợ tôi vay mượn lo viện phí cho tôi chẳng biết lấy đâu mà trả”, ông Tấn buồn bã. Được biết, ông Tấn làm việc ở công ty Kim Sơn từ tháng 2.2015, nhưng không có hợp đồng lao động, vì vậy khi tai nạn xảy ra, ông không được hưởng các quyền lợi về BHXH, BHYT.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 5.000 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh khác đang hoạt động. Tuy nhiên, theo Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, các cơ sở không chú trọng công tác báo cáo định kỳ về tình hình TNLĐ, an toàn lao động, nên việc thống kê cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm quy định về đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nên khi xảy ra TNLĐ thì họ là người chịu thiệt thòi.

TNLĐ không chỉ gây thiệt hại cho người lao động, ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Do vậy, công tác đảm bảo an toàn lao động không chỉ dừng lại ở một tuần, 1 tháng phát động hay chiến dịch theo từng năm, mà chủ doanh nghiệp, người lao động cần phải chú trọng thực hiện hằng ngày, hằng giờ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người lao động.

Bài, ảnh: X. HIẾU – L. ĐỨC

Doanh nghiệp còn thờ ơ về vấn đề an toàn lao động

 

Đó là nhận định của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi Lương Kim Sơn xoay quanh câu chuyện mất an toàn lao động hiện nay đang xảy ra ở nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Sơn nói: “Doanh nghiệp hiện nay chưa thật sự quan tâm đến an toàn lao động (ATLĐ), trừ các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, bản thân người lao động chỉ mong có việc làm, mà không nêu được chính kiến của mình trong quá trình ký hợp đồng lao động".

PV: Đã có rất nhiều lớp tập huấn về ATLĐ nhưng TNLĐ vẫn xảy ra, theo ông vì sao?

Ông LƯƠNG KIM SƠN: Phải thừa nhận là các lớp tập huấn ATLĐ mở nhiều, nhưng đối tượng tham gia lại chưa đúng. Để mời được chủ các doanh nghiệp đến tham dự là rất khó, đa phần các doanh nghiệp cử đại diện đến dự, nên đối tượng tiếp nhận kiến thức về ATLĐ còn hạn chế. Thời gian đến Sở sẽ thay đổi cách tuyên truyền, trong đó chú trọng nâng cao ý thức cho người lao động. Đối với doanh nghiệp, chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát và sẽ xử lý nghiêm, nếu không đảm bảo các quy định về ATLĐ.

PV: Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1.7.2016. Ông cho biết những điểm mới mà chủ doanh nghiệp và cả người lao động cần nắm rõ và nghiêm túc thực hiện?

Ông LƯƠNG KIM SƠN: Luật An toàn vệ sinh lao động có nhiều điểm quy định rất mới, có lợi hơn không chỉ cho người lao động mà còn cho doanh nghiệp. Một trong những điểm mới là khi xảy ra TNLĐ trong doanh nghiệp, người lao động và doanh nghiệp được quyền sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để được điều trị TNLĐ. Trước đây, khi chưa có Luật này, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí cho người lao động điều trị tại các cơ sở y tế cho đến khi thương tật cũng như sức khỏe của người lao động thật sự ổn định, bình phục. Với quy định mới nêu trên, người lao động bị TNLĐ được hưởng đầy đủ các chế độ về bảo hiểm y tế, chế độ TNLĐ kịp thời; bản thân người sử dụng lao động cũng được giảm toàn bộ hoặc một phần chi phí điều trị cho người lao động.

Bên cạnh đó, Luật An toàn vệ sinh lao động còn quy định trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông trên đường đi làm được xem là TNLĐ. Đồng thời, cũng có các quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho công tác phòng ngừa tai nạn, cụ thể là công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Các doanh nghiệp khi tham gia sẽ được quỹ hỗ trợ kinh phí để huấn luyện cho các đối tượng người làm công tác an toàn, y tế hay những người làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Thông qua việc hỗ trợ, dần dần ý thức trách nhiệm của người lao động tăng lên, nguồn lực hỗ trợ dành cho công tác này đối với các khu vực doanh nghiệp tư nhân năng lực còn hạn chế cũng sẽ tăng lên.
 

X. HIẾU-L. ĐỨC (thực hiện)

 





 


.