Huấn luyện an toàn lao động trên biển

09:03, 14/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi may mắn được gặp anh Trần Minh Khôi, thạc sĩ khoa học kỹ thuật (Viện Đại học Pittsburgh, Pennsylvania, USA), chuyên về viễn thông; chứng chỉ GMDSS tầm xa; người biên soạn tài liệu “Ứng dụng GMDSS cho tàu cá”. Anh Khôi với mong muốn được giúp ngư dân Quảng Ngãi nắm được kỹ năng lao động an toàn trên biển trong thời đại kỹ nghệ cao, đã kết nối với một số chuyên gia khoa học hàng hải nhằm tổ chức những lớp tập huấn cho thuyền trưởng các tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi, mà trước mắt là ngư dân xã Bình Châu huyện Bình Sơn.

Những chuyên gia sẽ là những giảng viên này được giới thiệu tên tuổi. Đó là: Nguyễn Đức Tuấn - Thạc sĩ khoa học kỹ thuật, Học viện Hải quân Cờ Đỏ Kaspi mang tên S.M. Kirov, Cộng hòa Liên bang Nga, chuyên về các phương tiện radar và kỹ thuật hàng hải;  Trần Minh Khôi - Thạc sĩ khoa học kỹ thuật, Viện Đại học Pittsburgh, Pennsylvania, USA, chuyên về viễn thông; chứng chỉ GMDSS tầm xa; biên soạn tài liệu “Ứng dụng GMDSS cho tàu cá” và một đại diện của các công ty sản xuất trang thiết bị; một thuyền trưởng tàu cá có kinh nghiệm đã nghỉ hưu do hội nghề cá địa phương giới thiệu.

Những giảng viên này tự quyên góp kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn cho ngư dân Bình Sơn, chỉ với mong muốn là ngư dân sau khi được tập huấn sẽ nắm vững không chỉ luật lệ hàng hải quốc tế, mà còn sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ cao phục vụ cho nghề đi biển đánh cá, nhất là sử dụng phương tiện thông tin liên lạc để kết nối thường xuyên với đất liền và kết nối giữa các tàu cá với nhau khi hành nghề trên biển.

Chương trình huấn luyện dự tính sẽ được tổ chức trong ba ngày, với các đề tài do nhóm chuyên gia tự biên soạn và chuyển dịch từ các tài liệu của các tổ chức hải dương quốc tế. Các học phần sẽ gồm: Radar; radio sóng ngắn HF, tầm xa; radio sóng cực ngắn VHF, tầm gần; điện thoại vệ tinh; hệ thống tự động nhận diện tàu hàng trên biển (Automated Identification System, viết tắt là AIS); định vị GPS, tín hiệu cấp cứu EPIRB, SART, DSC…; truyền thông giữa trạm bờ và tàu cá; hệ thống trạm bờ GMDSS quốc tế ở Biển Đông và Thái Bình Dương; hệ thống dự báo thời tiết tự động qua điện thư dùng radio và điện thoại vệ tinh; thực hành trên các trang thiết bị nói trên.

Tôi xem phác thảo chương trình tập huấn này và rất mừng, vì lâu nay, nhiều cá nhân, đơn vị tài trợ ủng hộ ngư dân Quảng Ngãi nhiều thiết bị thông tin liên lạc trên biển, nhưng không có ai đứng ra tập huấn cho ngư dân kỹ năng sử dụng chúng một cách bài bản và thành thạo. Ngư dân đành mò mẫm tìm cách sử dụng, nên không thể khai thác hết các tính năng của thiết bị. Nhóm chuyên gia tình nguyện này sẽ gửi văn bản xin phép lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi để được ủng hộ cho mở các lớp tập huấn hết sức cần thiết này.

Lâu nay, chúng ta hay nói hết lòng ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển, đồng thời đặt vào họ rất nhiều nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia nặng nề, nhưng rất ít chú ý làm sao để ngư dân không chỉ có nhiệt tình bám biển mà còn có kỹ năng bám biển, có những tri thức cơ bản để khi hành nghề đánh cá trên biển không bị lúng túng nếu gặp những tình huống bất trắc. Ngư dân phải tự bảo vệ được mình trước khi có thể mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội cũng như bảo vệ được chủ quyền quốc gia trên biển.

THANH THẢO
 


.