Nghề đóng tàu biển: Còn xem nhẹ an toàn lao động

02:10, 20/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sửa chữa, đóng mới tàu thuyền là nghề truyền thống của người dân nhiều địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình cải hoán, đóng mới những chiếc tàu công suất lớn nặng hàng trăm tấn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, nhưng vấn đề an toàn lao động tại các triền đà lại chưa được quan tâm đúng mức.

TIN LIÊN QUAN

Nghề hiểm nguy

Nói về những rủi ro của nghề đóng tàu, thợ cả Lê Văn Ân, đang làm việc tại triền đà đóng tàu xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Đóng hoặc sửa chữa tàu, ngại nhất là công đoạn kéo tàu lên bờ hoặc hạ thủy tàu. Bởi bình quân một chiếc tàu nặng đến hơn 100 tấn, nếu anh em đang kéo mà gặp sự cố như dây đứt, tàu nghiêng... thì rất nguy hiểm”. Đây là công đoạn mà ông Ân cho là rủi ro nhất. Còn đối với nhiều lao động trẻ, mới bắt tay vào nghề đóng tàu thì mọi công đoạn đều được mọi người cẩn trọng từng “đường đi nước bước”.

Nhiều lao động làm việc tại các triền đà, vì không được trang bị quần áo bảo hộ lao động, nên phải tự đội nón bảo hiểm để bảo vệ an toàn cho bản thân.
Nhiều lao động làm việc tại các triền đà, vì không được trang bị quần áo bảo hộ lao động, nên phải tự đội nón bảo hiểm để bảo vệ an toàn cho bản thân.

Hầu hết các công đoạn như khiêng gỗ áp vào khung tàu, hơ ván gỗ trên lửa để uốn cho vừa với khung sườn tàu, sơn tàu... đều là những việc làm rất nặng nhọc. Nhất là công đoạn làm nhẵn vỏ tàu và công đoạn sơn, thợ đóng tàu liên tục leo trèo và làm việc trên những giàn gỗ tự chế... nên luôn đối mặt với nguy cơ té ngã khi lao động.

Hơn nữa, hầu hết các triền đà trên địa bàn tỉnh hiện nay đều là các triền đà có từ lâu đời, đóng tàu theo phương pháp thủ công, nên việc lắp đặt các bảng chỉ dẫn, hướng dẫn về an toàn lao động đối với máy móc, thiết bị tại nơi làm việc; hay các phương án xử lý sự cố cháy nổ... chưa được các cơ sở đóng tàu chú trọng.

Cần được đảm bảo an toàn lao động

Làm việc trong môi trường nặng nhọc và nhiều rủi ro, nhưng người lao động tại các HTX, triền đà đóng tàu trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đến vấn đề an toàn lao động. Tại HTX Dịch vụ khai thác thủy sản xa bờ Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), hầu hết các lao động tại đây đều chưa được trang bị quần áo bảo hộ lao động.

Ông Trần Viết Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ khai thác thủy sản xa bờ Nghĩa Phú cho biết: “Vì HTX mới thành lập nên đến thời điểm này chúng tôi chỉ mới trang bị bảo hiểm an toàn lao động cho khoảng 30% lao động đang làm việc tại HTX. Trong thời gian đến, HTX sẽ tiếp tục trang bị thêm quần áo bảo hộ lao động và bảo hiểm an toàn lao động cho các xã viên còn lại”.

 

Hệ thống dây điện tại  HTX Dịch vụ khai thác thủy sản xa bờ Nghĩa Phú hở cả mối nối và đặt trên mặt đất ẩm thấp.
Hệ thống dây điện tại HTX Dịch vụ khai thác thủy sản xa bờ Nghĩa Phú hở cả mối nối và đặt trên mặt đất ẩm thấp.


Cũng theo ông Minh, hiện lao động chính thức làm việc tại HTX khoảng 50 người. Đây là những xã viên do HTX trực tiếp quản lý. Những lao động này sẽ phụ trách việc sảm vỏ tàu, hạ thủy tàu và kéo tàu từ sông lên bờ.

Vì vậy, HTX đã tiến hành đầu tư hơn 500 triệu đồng làm đường ray, hiện đại hóa quy trình hạ thủy tàu, giúp tiết kiệm sức lao động và đảm bảo an toàn cho người lao động. Còn ở các công đoạn khác đều là lao động thời vụ do chủ thầu và chủ tàu thuê đến làm, nên vấn đề bảo đảm an toàn lao động cho các lao động này, không thuộc trách nhiệm của HTX.

Anh Phạm Văn Sơn, ở xã Nghĩa Hà, là lao động thời vụ chuyên phụ trách công đoạn sơn tàu tại các triền đà cho biết: “Mỗi năm, tôi nhận sơn khoảng 20 chiếc tàu. Mỗi chiếc tàu, tôi chỉ gắn bó khoảng nửa tháng, nên an toàn lao động, hay quần áo bảo hộ mình phải tự lo, chứ chủ thầu không lo”.

Bài, ảnh: Ý THU


 


.