Học rồi mới chào!

02:09, 05/09/2015
.
* TRẦN ĐĂNG

(Baoquangngai.vn)- Ngày 5.9 là ngày “toàn dân đưa trẻ em đến trường”. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, không rõ vì lí do gì mà ngành giáo dục lại chủ trương cho học sinh “học trước” ngay trong hè rồi mới khai giảng, nghĩa là “học rồi mới chào”, một kiểu “chào năm học mới” rất lạ kỳ mà ông cha ta chưa từng làm thế bao giờ!
 
Lớp người 40 tuổi trở lên hẳn còn nhớ cái cảm giác vừa rộn ràng vừa nôn nao khi mặc bộ đồng phục để dự lễ khai giảng năm học mới dù tất cả vừa trải qua “Ba tháng hè nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ” (Nghỉ hè- Xuân Tâm). Nôn nao là bởi, ba tháng “xả hơi” như thế là quá đủ để một cô (cậu) học trò nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ chỗ ngồi trong lớp học. Rộn ràng là bởi, tiếng trống ngày tựu trường có sức lay động mạnh mẽ đối với tất cả các em học sinh khi chuẩn bị bước vào năm học mới. 
 
Gặp lại bạn bè, gặp lại thầy cô giáo, được mặc bộ áo mới, nhất là lên thêm một lớp… bao giờ cũng mang lại cho những cô cậu học trò cái cảm giác háo hức khó tả. Vì vậy, ngày khai trường tự thân nó đã mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt cho cả thầy lẫn trò, vì nó khai mở một chặng đường gian nan, vất vả suốt 9 tháng học sau đó. Không phải ngẫu nhiên mà ngành giáo dục thời kỳ đó đã chọn một ngày (5/9) để tất cả các trường phổ thông cùng khai giảng năm học mới. 

 

ngày 5.9 là ngày khai giảng năm học mới
Ngày 5.9 là ngày khai giảng năm học mới (ảnh internet)
 
Ngày 5.9 được chọn là ngày “toàn dân đưa trẻ em đến trường”. Nghĩa là, sau ngày khai giảng, các trường mới chính thức bước vào năm học mới. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, không rõ vì lí do gì mà ngành giáo dục lại chủ trương cho học sinh “học trước” ngay trong hè rồi mới khai giảng, nghĩa là “học rồi mới chào”, một kiểu “chào năm học mới” rất lạ kỳ mà ông cha ta chưa từng làm thế bao giờ! Chính vì “sinh con rồi mới sinh cha” như thế nên ngày khai giảng năm học mới hoàn toàn mang tính thủ tục, như thể làm cho xong việc chứ không còn mang ý nghĩa khai mở thiêng liêng như mấy mươi năm về trước nữa.
 
Vì sao có chuyện tréo ngoe này? Một thầy giáo giải thích: “Vì chương trình “nặng” quá nên phải cho các em học trước kẻo không kịp!”. Ô hay, nhà nước đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ để cho các vị giáo sư, tiến sĩ soạn sách giáo khoa sao cho “nhẹ” kia mà? Bao nhiêu thế hệ cha ông ta trước đây họ có cả “chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê”, nào có học thêm học bớt bao giờ, nào có học trước chứ sợ không theo kịp chương trình bao giờ, nhưng kiến thức của họ, sự uyên thâm của họ đã thành niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ hôm nay. 
 
Vậy thì lý giải câu chuyện “học rồi mới chào” trên đây theo cách nào bây giờ? Có lẽ ngành giáo dục sẽ là người rõ hơn ai hết về câu chuyện “học trước, khai giảng sau” này. Còn chúng ta, những người đang là phụ huynh, hoặc từng là phụ huynh, chỉ có thể tự trả lời rằng căn bệnh thành tích của ngành giáo dục chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến câu chuyện tréo ngoe nói trên. Phải dạy trước để xong sớm chương trình, sau đó ta … luyện gà nòi để đi thi sao cho có giải hoặc thi đỗ tốt nghiệp “trăm phần trăm”; phải dạy trước để thấy em nào còn lơ mơ kiến thức đặng mà còn “bồi dưỡng”, rồi dạy thêm… Có hàng trăm lí do để bắt các em học trước nên hai từ “khai giảng” chưa khi nào nó trơ khấc và vô nghĩa như trong giai đoạn này. 
 
Phụ huynh đã đưa con em học đến trường cách nay gần tháng, dù ngày 5.9 mới là ngày “toàn dân đưa trẻ đến trường”. Có ở đâu kỳ lạ như ở nước mình?
 

.