Việt Nam đóng góp nhân lực cho công việc của LHQ

03:10, 01/10/2013
.

Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ kỳ 68, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức thông báo với các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới về sự sẵn sàng của Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
 

 Bộ đội quân y huấn luyện công tác cứu thương. Ảnh minh họa
Bộ đội quân y huấn luyện công tác cứu thương. Ảnh minh họa

 

Như vậy Việt Nam sẽ cùng với 116 quốc gia tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của tổ chức lớn nhất hành tinh này.


Trách nhiệm với cộng đồng quốc tế

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời phỏng vấn VTV, cho  biết: “Chúng ta đang tích cực chuẩn bị để đưa các chiến sỹ thuộc binh chủng công binh và quân y tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Thứ nhất đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh. Thứ hai, đây là lĩnh vực mang tính chất nhân đạo. Như vậy, chúng ta vừa đảm bảo không tham gia vào các xung đột, không tham gia vào tranh chấp”.

Tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, qua đó, Việt Nam thể hiện trách nhiệm của mình trước cộng đồng quốc tế. Từ một đất nước phải trải qua hàng chục năm chiến tranh thì nay Việt Nam đưa lực lượng quân đội của mình đến những nơi đang có xung đột để cùng với quân đội các nước kiến tạo hòa bình, xóa đói giảm nghèo.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định chúng ta không đưa cán bộ, chiến sỹ vào những nơi có chiến tranh mà chỉ thực hiện những công việc mang tính chất củng cố hòa bình và tái thiết ở những đất nước đang còn nghèo.

Hiện tại các quân nhân Việt Nam tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình đang tiếp tục được đào tạo và huấn luyện để có thể cùng với lực lượng cảnh sát và quân đội của 116 quốc gia trên thế giới thực hiện mục tiêu tối cao và xuyên suốt đã được ghi trong Hiến chương của LHQ là gìn giữ hòa bình và ổn định trên Trái đất. Hiện LHQ đang tiến hành 15 hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới.

“Đây là sứ mệnh rất cao cả, thể hiện chủ trương của Đảng là tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Trước hết, chúng ta sẽ cử một số quan sát viên, đồng thời làm sỹ quan tham mưu. Họ chính là đầu mối để nắm bắt thông tin, thu thập kinh nghiệm để chúng ta đưa quân đi trong thời gian tới”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay.

Chia sẻ kinh nghiệm bằng thực tiễn

Còn ông Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao), cho biết việc Việt Nam quyết định tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã được đánh giá rất cao.

“Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và cũng là đất nước đã trải qua nhiều mất mát trong chiến tranh, chắc chắn chúng ta sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu với cộng đồng quốc tế. Tất cả các hoạt động này diễn ra trên những nguyên tắc cơ bản mà Việt Nam tôn trọng là: Tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam cũng như của quốc gia mà Việt Nam dự kiến sẽ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Trong các hoạt động này, Việt Nam sẽ đảm bảo nguyên tắc vô tư, không thiên vị khi thực hiện các nhiệm vụ của mình”, ông Lê Đình Tĩnh nói.

Dự kiến, quân đội Việt Nam sẽ cùng với quân đội các quốc gia khác thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan và Mali trong thời gian sớm nhất, có thể là trong năm tới với ít nhất 4 hoạt động ít nhạy cảm là quan sát viên, tham mưu, công binh và quân y.

Với quyết định  sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, Việt Nam không chỉ đóng góp tài chính hoặc bằng tiếng nói mà cả tham gia trực tiếp bằng nhân lực vào công việc chung của LHQ.



Theo Minh Khôi/Chinhphu.vn


.