Cán bộ đi B- một thời máu lửa

03:04, 24/04/2012
.

(QNĐT)-  "Đi B" để chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.. Ngày ra đi họ để lại những tư trang, hành lý, kỷ vật, thư từ. Nhiều người ra đi với những bí danh khác nhau và mang một lý lịch gia đình, quê hương hoàn toàn mới.

TIN LIÊN QUAN


Vì miền Nam thân yêu


Ông Võ Long (hay còn gọi là Võ Cập, Võ Quân) ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ năm nay đã cận kề tuổi 90 nhưng còn rất minh mẫn. Ông là một trong những người giác ngộ cách mạng rất sớm. Từ tháng 3/1945 ông đã vào đội du kích ở địa phương tham gia kháng chiến chống Pháp.

ew
Ông Võ Cập kể lại thời đi B.


Năm 1946 ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những năm hoạt động cách mạng ở địa phương, ông luôn là người đi tiên phong trong các trận đánh đối đầu với địch. Trong những năm chiến tranh, Phổ Cường trở thành điểm nóng, bọn địch san bằng và nơi đây trở thành vành đai trắng.

Năm 1955, ông Võ Long tập kết ra Bắc. Ngày tập kết ra Bắc, ông Long để lại 3 đứa con nhỏ và người vợ cũng là đồng chí của mình trong lòng đầy trĩu nặng, nhưng ông đã gác lại hạnh phúc riêng của mình để lên đường.

Ông Long cũng như bao người con của miền Nam hẹn với người thân sau 2 năm sẽ đoàn tụ. Nhưng rồi sau 2 năm, 3 năm qua đi. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, cả miền Nam bị bom đạn cày xới. Máu chảy ruột mềm. Những người con của hai miền Nam - Bắc lại tình nguyện hiến dâng tuổi trẻ, nhiệt huyết và tình yêu của mình trở về Nam chiến đấu.

Năm 1959, khi nghe tin mình được trở vào Nam chiến đấu, ông Võ Long mừng khấp khởi. “Khi nghe tin mình được đi B mừng lắm. Những ngày trước khi lên đường, tôi không sao ngủ được. Trong chuyến đi này, đoàn của tôi có 39 đồng chí do đồng chí Võ Phấn làm trưởng đoàn”- Ông Long kể.

Ông Long gởi lại tất cả tư trang, hành lý và kể cả tiền cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ lưu giữ. Con đường vào Nam của ông Võ Long và đồng đội của mình chủ yếu đi  theo đường Trường Sơn. Ông Long cho hay, trong suốt 3 tháng 4 ngày đi bộ từ miền Bắc vào đến Quảng Ngãi gặp không ít gian nan. Đi trong mưa bom lửa đạn, hiểm nguy luôn rình rập. Có khi ban ngày sợ bị địch phát hiện thì tổ chức đi ban đêm, dò từng mét đường. Đặc biệt là đi theo một nguyên tắc đặt ra là “đi không dấu, nấu không khói”.

Ngày trở lại quê hương, ông Long không khỏi chạnh lòng vì quê hương của mình bị giặc tàn phá, nhưng ông rất vui vì được chiến đấu ngay trên quê hương mình. Ở chiến khu, ông Long gặp lại các con ông, nhưng những người con của ông bây giờ còn nhỏ nên cũng không nhận ra cha của mình. Còn vợ ông, bà Trần Thị Xuyến, một cán bộ hoạt động bí mật bị lộ nên tổ chức đưa bà đi nơi khác. Do đó ngày trở về ông cũng không được gặp mặt vợ. Mãi đến năm 1972, ông gặp lại vợ thì tóc của ông cũng đã ngã màu.

Bây giờ nghe tin, tỉnh sẽ tổ chức trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B, ông Long bày tỏ niềm vui: “Đây là những minh chứng cho cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc. Kỷ vật của tôi hay của anh em đi B không còn là của riêng mình mà tôi có thể gởi ở Bảo tàng tỉnh để giáo dục cho con cháu sau này”- Ông Long bộc bạch.

Thiêng liêng từ những kỷ vật của chiến tranh

Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, nhưng đối với ông Phạm Hồng Ngọc, ở thôn An Thuận, xã Phổ An, huyện Đức Phổ những kỷ vật trong chiến tranh của ông còn lưu giữ như những vật thiêng liêng. Đó là cái mũ cối, chiếc võng và áo lính. Tất cả đã cũ sờn, bạc thếch nhưng ông Ngọc vẫn trân trọng, nâng niu.

ông Phạm Hồng Ngọc
Ông Phạm Hồng Ngọc và những kỷ vật thời chiến tranh


Ông Ngọc cho hay, mỗi khi có ngày lễ của dân tộc ông thường đem các kỷ vật này ra ngắm nghía. “Tôi nhìn thấy những kỷ vật này là kỷ niệm thời chiến tranh máu lửa ùa về trong tôi. Tôi tự hào vì mình là anh bộ đội Cụ Hồ”- Ông Ngọc xúc động nói.

Nói về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Phạm Hồng Ngọc cho biết, ông tham gia cách mạng từ năm 1945, năm đó ông mới 17 tuổi. Đến năm 1955 ông tập kết ra Bắc. Trong suốt thời gian học tập và công tác ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, không có ngày nào ông Ngọc không nghĩ về miền Nam thân yêu.

Ông Ngọc tha thiết trở về miền Nam chiến đấu, nhưng những lần viết đơn tình nguyện ông không được trở vào Nam. “Do sức khỏe tôi yếu, hơn nữa tôi nhỏ con nên không đủ cân. Mấy lần lên bàn cân là tổ chức không cho đi. Có lần tôi bọc trong người mấy viên gạch cho nặng ký nhưng cũng bị phát hiện” -ông Ngọc kể.

Sau thời gian, ông Ngọc nghĩ chỉ còn một cách là mình phải tăng cường sức khỏe để đảm bảo đủ sức khỏe và được đi B. Đến năm 1972, ông Phạm Hồng Ngọc chính thức được đi B thỏa lòng sau thời gian đau đáu mong muốn được trở về miền Nam, trở về Quảng Ngãi thân yêu.


Có thể nói những cán bộ đi B cùng với lớp thanh niên miền Bắc đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tất cả họ có chung lý tưởng: Bảo vệ Tổ quốc. Những kỷ vật trong chiến tranh của họ để lại là minh chứng của một thời hào hùng và máu lửa.


                                    Lê Anh Vinh

 


.