Tự hào “cựu giáo viên đi B”

02:04, 17/04/2012
.

Thật tuyệt vời với mỗi người dân Việt Nam khi ngày kỷ niệm đất nước hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà - ngày 30 tháng Tư hàng năm, được nhân dân ta coi như ngày Tết Thống nhất, lại nối liền với ngày Quốc tế Lao động 1/5, càng nhân lên ý nghĩa quan trọng và thực sự trở thành một dịp nghỉ lễ có dấu ấn hàng năm. Với gia đình tôi và gia đình những người bạn “cựu giáo viên đi B” của bố tôi, đây còn là dịp hội ngộ được tổ chức luân phiên, tiếp nối, tạo thành một “liên gia” gắn bó bền vững sâu nặng nghĩa tình.

Năm tháng đi qua, chúng tôi - những đứa trẻ được may mắn ra đời sau ngày họ trở về, được chứng kiến và lắng nghe những câu chuyện vui buồn trong mỗi lần hội ngộ ấy, bây giờ cũng đã thành bố, thành mẹ, dù đi xa muôn nơi nhưng mỗi dịp tháng Tư về vẫn nguyên vẹn khao khát được trở về để tham gia những cuộc vui chung ấy.
 

Một lớp học thời chiến được tái hiện (ảnh Internet)
Một lớp học thời chiến được tái hiện (ảnh Internet)



Trong giai đoạn từ tháng 5/1961 đến tháng 12/1974, Bộ Giáo dục đã cử 31 đoàn giáo viên với số lượng 2.752 người lên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam trực tiếp xây dựng nền giáo dục kháng chiến chống Mỹ - thường gọi là giáo viên đi B. Trong các đoàn công tác đó, Nghệ An là địa phương có đóng góp đáng kể với tổng số các đợt lên đến gần 200 giáo viên. Họ để lại sau lưng tất cả để lên đường, hơn 100 ngày băng rừng Trường Sơn để vào miền Đông Nam bộ.

Ngay trong số bạn bè của bố tôi lúc ra đi cũng mỗi người có một gia cảnh riêng, nhưng vì tình Nam nghĩa Bắc, khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng lên đường. Khi bác Lê Anh Tương vẫy tay tiễn đồng nghiệp và học trò để lên đường thì cũng là lúc nhận được tin vợ trở dạ sinh con đầu lòng. Bác Võ Trọng Huệ lúc khăn gói hành quân đã có vợ và hai con, một trai một gái. Bố tôi mới cưới mẹ tôi chưa tròn một năm cũng đành giã biệt lên đường. Bác Chu Cấp khi ra đi hãy còn là một chàng trai chưa kịp một lời hò hẹn với người bạn gái…

Dù cùng sinh ra, lớn lên, vào ngành sư phạm rồi ra trường đi dạy trên đất Nghệ An, nhưng phần lớn họ chỉ thực sự quen biết nhau khi lên đường trở thành người giáo viên – chiến sĩ. Đi xây dựng sự nghiệp giáo dục kháng chiến nhưng công việc của họ không chỉ là giảng dạy. Cùng với lực lượng tại chỗ, họ tạo dựng hệ thống giáo dục trong vùng giải phóng, vùng an toàn khu, dựng trường mở lớp không chỉ để đào tạo cán bộ, chiến sĩ, mà còn là để giữ dân, để tuyên truyền kháng chiến, để tạo mối liên hệ gắn bó giữa quân và dân. Vì thế, giáo viên miền Bắc tham gia chiến trường đồng thời là người cán bộ chính trị với không ít nhiệm vụ quan trọng như xây dựng cơ sở vùng địch, vận động con em bà con địa phương đi tòng quân, vận động nhân dân nộp đảm phụ kháng chiến, tham gia chống càn…
 

Các em học sinh đội mũ rơm đi học
Các em học sinh đội mũ rơm đi học



Giữa muôn vàn nhiệm vụ, trong điều kiện gian nguy, có khi cận kề cái chết, tình đồng hương đồng khói như là sức mạnh vô hình để họ nhận ra và tìm đến nhau để thêm vững bước nơi tuyến đầu. Và đó cũng như là một phương cách để họ được gặp quê hương giữa muôn trùng xa ngái, để cùng sẻ chia nỗi nhớ cha mẹ, vợ con, quê nhà…  Có trường hợp như bác Hoàng Vũ Phấn, Hoàng Anh, mặc dù được phân công làm nhiệm vụ dạy bổ túc cho nhân viên căn cứ bảo vệ Thường vụ Trung ương cục (bác Hoàng Vũ Phấn có thời gian được trực tiếp phục vụ cho đồng chí Sáu Dân – Võ Văn Kiệt), rất ít khi được phép ra khỏi cứ, nhưng hễ được ra thì cho dù phải đi bộ cả ngày trời đường rừng cũng vượt suối băng ngàn để đến gặp đồng hương Võ Minh Huệ, Ngô Đức Tiến, Trần Hanh, để chuyện trò rổn rảng suốt đêm, rạng sáng mới trở về cứ… Món quà các bác Hoàng Vũ Phấn, Hoàng Anh đem đến khi là gói chè Thái Nguyên, gói kẹo Hải Châu, có khi chỉ một điếu thuốc Tam Đảo- quà từ đồng bào Miền Bắc gửi vào, để cùng chia nhau chút “hương vị” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.  

Thời gian này, mỗi lần ai đó trong anh em đồng hương xứ Nghệ nhận được thư nhà thì coi như đó là thư chung, niềm vui chung. Họ cùng đọc cho nhau nghe, rồi chuyền tay gửi đến anh em mình ở các vùng lân cận. Những tình cảm, câu chuyện ở tiền phương cũng được kể qua những lá thư gửi về quê nhà. Và thật lạ, như mối liên hệ tự nhiên, các gia đình ở hậu phương cũng từ đó mà tìm hiểu và liên lạc với nhau. Các bà vợ của Võ Minh Huệ, Thái Duy Trấp, Lê Anh Tương, Ngô Đức Tiến, Nguyễn Công Triền… đã lần tìm và gặp gỡ, chị chị em em động viên giúp đỡ lẫn nhau để cùng làm tốt nhiệm vụ hậu phương và san sẻ gánh nặng gia đình.

Dù những người vợ này chưa từng đặt chân đến đèo Ngang, nhưng tên những địa danh rất xa như Lộc Ninh, Thiện Ngôn, Sa Mét, Sông Tiền, Sông Hậu, Svayrieng, Tây Ninh, Đồng Tháp Mười, CamPuChia… cùng với những câu chuyện ở bưng biền, ở rừng, ở thôn ấp, ở cứ, về mùa khô, mùa nước nổi… đã trở nên rất đỗi quen thuộc với họ. Thậm chí qua thư chiến trường, họ còn tự hào khi biết được có những đồng nghiệp - đồng đội, đồng hương của chồng mình đã trở thành biểu tượng noi gương của ngành như bác Chu Cấp – bị địch bắt và trải qua 7 nhà lao ở đất liền, đày ra nhà tù Côn Đảo nhưng vẫn giữ vững khí tiết, phẩm chất giáo viên – chiến sĩ khôn khéo, gan dạ; cô Lê Thị Bạch Cát tham gia thành Đoàn và trở thành chiến sĩ biệt động thành, cô đã dẫn đầu một đội biệt động công thành và hy sinh anh dũng trong Tổng tấn công Mậu Thân 1968 (tên cô Lê Thị Bạch Cát nay đã được đặt làm tên đường, tên trường ở TP Hồ Chí Minh, Thị xã Cửa Lò – quê hương của cô).

Ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, vì còn phải thực hiện nhiệm vụ tiếp quản hệ thống giáo dục và chính quyền Sài Gòn- Gia Định, nên kẻ trước, người sau, họ lần lượt trở về trong cuộc hạnh ngộ lớn nhất của cuộc đời nhưng cũng rất đỗi nhẹ nhàng, sâu lắng. Những con người đã vào sinh ra tử, đã kinh qua quảng đời tuổi trẻ nơi khói lửa đạn bom, thậm chí nhiều đồng đội của họ phải hy sinh cả tính mạng, thì họ rất hiểu cái giá phải trả cho hòa bình, hạnh phúc. Với họ ngày trở về ngỡ như là một giấc mơ, một câu chuyện cổ tích, do đó, cách đón nhận và hòa cảm với niềm vui chung cũng có phần rất khác.

Có phải vậy mà, mỗi lần đến ngày 30 tháng Tư lịch sử, những gia đình “cựu giáo viên đi B”lại tổ chức liên hoan, gặp gỡ, để những người trở về ngày ấy mỗi năm lại được một lần nếm trải, hồi sinh cảm xúc đoàn viên mà ngày 30 tháng Tư năm 1975 họ dường như hụt hơi, kiệt sức chưa cảm nhận và bộc lộ hết được. Mỗi dịp gặp gỡ là một lần họ sống lại những hồi tưởng, kỷ niệm, ký ức. Và cứ thế, lũ trẻ trong các gia đình “cựu giáo viên đi B” chúng tôi lần lượt ra đời và lớn lên trong tình yêu thương, gắn bó, gần gũi mật thiết như anh em ruột thịt của hội bạn cựu giáo viên đi B.

Mỗi dịp gặp gỡ là mỗi lần mà bố và các bác như trẻ lại, đã lớn rồi mà như ngây thơ, họ tạm quên đi cuộc sống bộn bề công việc, những khó khăn, phiền muộn đời thường và trở nên sôi nổi, trẻ trung: hết mình nói, hết mình uống, hết mình kể, và hết mình hát. Bác Võ Minh Huệ rượu vào là “quẹt” hết tất cả, chỉ có đường ra trận là đẹp nhất mà thôi. Bác Chu Cấp hơi một tí là im im, để tao nói cho mà nghe. Bác Thái Duy Trấp luôn ngân ngấn nước mắt với câu cửa miệng quen thuộc “thời ấy thì nói mô hết phải không anh em”… Có những câu chuyện mà bố tôi và các bác kể mãi, đến nỗi bây giờ chúng tôi chẳng phân biệt được là chuyện hư hay thực.

Đó là chuyện bác Võ Minh Huệ và Lê Anh Tương trong đêm đầu tiên trở về gặp bác gái là có kết quả ngay, sau đó đều đặt tên con là Nam - để ghi nhớ người con có được trong ngày trở về từ miền Nam . Một bác khác đặt tên con là Mão, vì khi bác trai về đến nhà, quăng vội chiếc mũ cối giữa sân để chạy ngay vào buồng với bác gái, đến khi trở ra chiếc mũ hãy còn quay quay, cuộc gặp ấy cũng có kết quả và đặt tên anh ấy là Mão (mũ = Mão). Chuyện những anh, chị khác có tên là Đồng, là Đường, là Sơn… cũng tương tự như trên, nhưng là những cái tên để ghi nhớ địa điểm của những cuộc vợ chồng “tranh thủ” mà có được con. Chẳng biết hư thực thế nào, nhưng những cái tên tôi kể trên đều là tên thật của những anh, những chị là con các bác trong hội “cựu gia đình đi B” mà tôi được biết và chúng tôi giờ cũng đã trở nên thân thiết với nhau. Và mỗi chúng tôi dường như cũng cảm thấy mình được khôn lớn dần lên sau những dịp 40 tháng Tư hội ngộ như thế.
 

Ngày nay, những người lính - thày giáo tiếp tục sự nghiệp gieo chữ trồng người trên mọi miền, đặc biệt ở vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo (ảnh Internet)
Ngày nay, những người lính - thày giáo tiếp tục sự nghiệp gieo chữ trồng người trên mọi miền, đặc biệt ở vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo (ảnh Internet)



Bây giờ, những người bạn “cựu giáo viên đi B” của bố tôi đều đã cập kề độ tuổi xưa nay hiếm. Họ vẫn sống cuộc sống dung dị đời thường với đầy đủ cung bậc thăng trầm “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”. Họ vẫn đi lại, thăm hỏi nhau, khi thì cân đường hộp sữa, lúc lạng cao, thang thuốc, bởi bây giờ khi trái gió trở trời những cơn đau, cơn nhức mỏi đã nhắc cho họ ý thức về tuổi tác mình nhiều hơn.

Bây giờ, phần lớn thời gian đời người của họ, cùng với công việc xã hội, cấp bậc, chức vụ, danh vị… đã lùi lại xa mờ sau lưng. Nhưng mỗi dịp tháng Tư về, trong mỗi trái tim, ánh mắt của họ vẫn ánh lên những hồi quang tươi sáng và vô cùng rõ nét về một thời trai trẻ vừa ác liệt, gian khổ, vừa trẻ trung những mộng chiến trường thi vị, lãng mạn. Mỗi dịp 30 tháng Tư về, vượt lên trên tất cả, họ vẫn cảm nhận nguyên vẹn cảm xúc vui sướng, hạnh phúc của mùa xuân đầu tiên hòa bình, thống nhất, vẫn tin tưởng niềm tin sắt đá mùa xuân đầu tiên vô cùng thiêng liêng ấy sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian.

Theo GD&TĐ

 


.