Hiệu quả từ một mô hình tự quản về ANTT Mang Thinh

12:05, 05/05/2011
.

(QNg)- Không chỉ giải quyết thấu tình, đạt lý các vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự là được, mà quan trọng là phải làm sao định hướng cho những thanh niên nhàn rỗi có việc làm ổn định, tránh xa các tệ nạn xã hội, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo thì lúc đó mô hình tự quản về an ninh trật tự mới thật sự hiệu quả và bền vững. Đó là lời bộc bạch của cụ Trần Văn Lịnh - thành viên mô hình tự quản về ANTT Mang Thinh, xã Ba Vinh (Ba Tơ). 

Từ chỗ nhóm tự quản về ANTT chỉ hoạt động bộc phát, nhưng hiệu quả đem lại rất thiết thực, nên Chủ tịch UBND xã Ba Vinh (Ba Tơ) đã quyết định thành lập mô hình tự quản về ANTT Mang Thinh đầu năm 2010. Mô hình với 4 tổ bao gồm: Tổ xung kích phòng, chống tội phạm; Tổ hòa giải; Tổ khuyến học xóa mù chữ; Tổ vệ sinh môi trường.
 
Các thành viên trao đổi công việc cùng CBCS Công an huyện Ba Tơ.
Các thành viên trao đổi công việc cùng CBCS Công an huyện Ba Tơ.

Được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, mô hình tự quản ANTT hoạt động ngày càng mạnh. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, ở đâu có việc liên quan đến an ninh trật tự, là các thành viên trong tổ đều có mặt kịp thời giải quyết ổn thỏa ngay từ cơ sở, không để sự việc phát sinh, kéo dài. Cụ Trần Văn Lịnh tâm sự: Không chỉ giải quyết mâu thuẫn, mà chúng tôi còn tham gia giải quyết, động viên, hòa giải các vấn đề xã hội khác.
 
Như trường hợp gia đình chị Phạm Thị Ngẫm và anh Phạm Văn Trí (ở Mang Thinh, xã Ba Vinh) vì điều kiện đi làm ăn xa, thiếu quan tâm chăm sóc đối với mẹ già. Nghe bà con trong xóm phản ánh về sự việc này, các thành viên trong tổ đã nhiều lần đến nhà động viên gia đình phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ. Những lời lẽ thấu tình, đạt lý đó đã giúp cho gia đình chị Ngẫm quay về địa phương làm ăn, phụng dưỡng mẹ già.

Từ khi thành lập đến nay, mô hình tự quản an ninh trật tự Mang Thinh đã hòa giải thành công 10 vụ việc mâu thuẫn ở cơ sở (tranh chấp đất đai, gây rối trật tự công cộng, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc) tạo sự đoàn kết của nhân dân trong xóm làng.

Xuất phát từ niềm đam mê và thực tiễn trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn, thành viên trong mô hình tự quản về an ninh trật tự Mang Thinh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác. Sở dĩ phải giải quyết nhiều vụ mâu thuẫn là do thanh niên trong làng còn quá nhàn rỗi, hay rượu chè... Vì vậy, các thành viên trong mô hình đã họp lại đóng góp ý kiến, định hướng nhiều việc làm thiết thực cho thanh niên trong làng.
 
Như trường hợp của vợ chồng anh Phạm Văn Dút và chị Phạm Thị Hên cưới nhau trước năm 2010, nhưng vì không có việc làm ổn định nên hay xảy ra xích mích... Các thành viên đã đến hướng dẫn vợ chồng anh nuôi lợn thịt theo kiểu trang trại, mở rộng sản xuất, lấy sản phẩm làm ra làm nguồn thức ăn cho lợn. Nghe lời vợ chồng anh Dút đã mạnh dạng đầu tư chăn nuôi, chỉ hơn nửa năm, vợ chồng anh đã sở hữu trên 30 con lợn thịt. Anh Dút phấn khởi: Tết vừa rồi vợ chồng mình đã xuất chuồng 20 con lợn thịt, thu gần 30 triệu đồng, gia đình vui lắm. Không chỉ riêng vợ chồng anh Dút, mà hiện nay đã có nhiều thanh niên trong làng đang làm theo sự chỉ dẫn của các thành viên mô hình tự quản về an ninh trật tự Mang Thinh.

Thượng tá Võ Văn Dương - Trưởng Công an huyện Ba Tơ khẳng định: Đây là một mô hình mới tiêu biểu nhất của huyện Ba Tơ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các thành viên trong mô hình tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để nêu cao tinh thần đấu tranh, tố giác tội phạm của các tầng lớp nhân dân tại địa phương. Đặc biệt là tinh thần cảnh giác trước sự chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, kích động chia rẽ giữa các dân tộc. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình, nhằm tạo thế trận an ninh vững chắc ở địa phương tuyến núi.

Bài, ảnh: V.N

.