Gian nan công việc bắt đối tượng truy nã

09:12, 15/12/2010
.

(QNg)- Trước yêu cầu công tác trong tình hình mới, ngày 17/8/2010, Giám đốc Công an tỉnh đã quyết định thành lập và tổ chức ra mắt Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (gọi tắt là PC52).

Mỗi năm trên địa bàn Quảng Ngãi xảy ra hàng trăm vụ án hình sự, phần lớn các đối tượng gây án đều bị lực lượng công an bắt giữ và đưa ra truy tố. Tuy nhiên có không ít đối tượng (trong đó có cả đối tượng hình sự nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm sau khi gây án) đã kịp thời tạo vỏ bọc lẩn trốn khắp nơi...

Nhiệm vụ bắt các đối tượng này trước kia phần lớn được giao cho các trinh sát hình sự (thuộc đội bắt đối tượng truy nã - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH); sau này thì giao toàn bộ cho cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm. Trong cuộc đối đầu đầy cam go này, các trinh sát luôn "mài sắc" tinh thần cảnh giác, bằng con đường ngắn nhất tóm gọn đối tượng để chúng không kịp thoát thân hoặc cùng đường mà tấn công lại...
 
CBCS Cảnh sát truy nã tội phạm họp rút kinh nghiệm sau đợt truy quét.
CBCS Cảnh sát truy nã tội phạm họp rút kinh nghiệm sau đợt truy quét.

Trung tá Phùng Đình Đại - Đội trưởng Đội truy nã, truy tìm, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh) tâm sự: Đặc trưng của các trinh sát bắt đối tượng truy nã là thường xuyên phải đi đến rất nhiều nơi... Bởi lẽ khi nhận được tin báo có đối tượng truy nã đang lẩn trốn dù ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam các trinh sát đều phải tìm đến, bằng mọi cách bắt chúng tra tay vào còng.

Trong nghề này một yếu tố vô cùng khó khăn là việc nhận dạng các đối tượng truy nã bởi phần lớn ảnh, đặc điểm nhận dạng đối tượng được cung cấp đều được tra cứu từ tàng thư của lực lượng công an, nhiều ảnh ố, mờ, chụp khi đối tượng còn trẻ, thêm vào đó nhiều đối tượng đã trốn từ lâu và thay tên đổi họ, nên việc truy bắt đối tượng nhiều khi như "mò kim đáy bể". Do đó cán bộ Công an luôn thận trọng, tỷ mỉ khi xác minh, tiếp cận đối tượng và áp dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ.

Là đơn vị tập trung nhiều trinh sát hình sự dày dạn kinh nghiệm trong công tác, nên ngay sau khi được thành lập lực lượng truy nã tội phạm đã lập nên chiến công xuất sắc là bắt gọn 4 đối tượng có lệnh truy nã toàn quốc về hành vi cướp giật tài sản, gồm: Ngô Văn Trượng (1986), Lê Ngọc Ánh (1984), Lê Ngọc Chung (1983) và Phạm Vũ Hùng (1985), đều ở Quảng Ngãi.

Trong số 4 đối tượng trên Ngô Văn Trượng được xác định là đối tượng chủ chốt. Khi các mũi trinh sát đã giăng, trưa ngày 01/10/2010 Ngô Văn Trượng bị bắt giữ khi đang đóng giả người làm thuê cho một chủ nuôi tôm trên cát, tại bờ biển xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ (Bình Định). Hay tin Trượng bị Công an bắt, từ ngày 3 - 6/10/2010 lần lượt 3 đối tượng còn lại đến cơ quan Công an tự thú.

Tiếp đó mũi trinh sát khác tại TP.HCM cũng xác minh, truy bắt được Trần Đức Minh (1962), thường trú ở huyện Tư Nghĩa, can tội cố ý gây thương tích, thuộc đối tượng nguy hiểm, đã trốn khỏi địa phương từ năm 1995 và đã thay đổi họ tên; bắt đối tượng Trần Thị Hương (1969) can tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn khỏi địa phương từ năm 1996.

Trong điều kiện hiện nay, việc đi lại thuận lợi, tính cơ động cao hơn trước, nên khi gây án các đối tượng thường bỏ trốn. Có những đối tượng bỏ trốn trước khi lực lượng chức năng tìm ra manh mối. Để vượt qua khó khăn này bằng công tác dân vận,  các trinh sát truy bắt đối tượng truy nã phải thường xuyên bám sát cơ sở, phát động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, phát hiện và cung cấp tình hình trong từng địa bàn dân cư có đối tượng truy nã; đồng thời tích cực gặp gỡ người thân, tuyên truyền cảm hóa, giáo dục phân tích những quy định của pháp luật về việc đối tượng ra đầu thú sẽ được hưởng khoan hồng, để họ vận động con em mình có lệnh truy nã ra đầu thú.

Mặt khác sau mỗi đợt truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm luôn tổ chức họp nhằm kiểm điểm, rút kinh nghiệm  tránh những sai sót, đồng thời động viên, khen thưởng kịp thời cho cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc, tạo động lực để CBCS hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Đặng Thanh Hường - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm khẳng định: "Để hoàn thành tốt công việc khó khăn này, chúng tôi luôn xác định, phải dựa vào dân, gắn bó với nhân dân, vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm. Đồng thời mỗi CBCS cũng luôn nêu cao tinh thần liên tục đấu tranh phòng chống tội phạm, tận tâm, tận lực với công việc, xây dựng được mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân".

Bài, ảnh: Thanh Việt

.