Để thực hiện thắng lợi ba nhiệm vụ đột phá

08:11, 29/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 3 nhiệm vụ đột phá và dự kiến Tỉnh ủy sẽ ban hành các nghị quyết chuyên đề, gồm: Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp (CN); phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển.
[links()]
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh phải đẩy mạnh phát triển CN. Hơn 10 năm qua, giá trị sản xuất CN của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Bây giờ, Quảng Ngãi xác định tăng tỷ trọng ngành CN của tỉnh cao hơn so với trước đây và tách dần sự phụ thuộc vào NMLD Dung Quất. “Muốn giảm phụ thuộc vào NMLD Dung Quất, không có cách nào khác là phải thu hút các DN lớn đầu tư phát triển CN trên địa bàn tỉnh. Để thu hút các DN lớn, chúng ta phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và tạo quỹ đất sạch để DN đủ điều kiện vào đầu tư trên địa bàn tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh. 
Doosan Vina là doanh nghiệp FDI có những đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp của tỉnh.
Doosan Vina là doanh nghiệp FDI có những đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp của tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực phụ trách Huyện ủy Bình Sơn Võ Văn Đồng cho rằng, tỉnh chọn phát triển CN là nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là chủ trương đúng đắn, nhằm tiếp tục thúc đẩy ngành CN của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để giúp Quảng Ngãi trở thành tỉnh khá trong khu vực. Đối với huyện Bình Sơn, được xác định là địa bàn trọng điểm về phát triển CN, huyện sẽ cùng với tỉnh thực hiện đầy đủ các chương trình, kế hoạch được Đảng bộ tỉnh xác định. Tích cực thực hiện vận động người dân bàn giao mặt bằng, thực hiện tốt việc tái định cư, an sinh xã hội, để phục vụ đầu tư các công trình dự án lớn về CN; qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
 
Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Đàm Minh Lễ cho hay: KKT Dung Quất đã và đang là trọng điểm phát triển CN của tỉnh. Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của KKT cần hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối thuận lợi cho Dung Quất. Đặc biệt, cần xây dựng tuyến đường kết nối với Tây Nguyên, đầu tư hoàn thiện hạ tầng và khai thác hiệu quả cảng biển nước sâu Dung Quất và sớm hoàn thành tuyến đường kết nối Cảng Dung Quất với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ngoài ra, tập trung hỗ trợ cho các dự án lớn, dự án động lực triển khai thuận lợi, hiệu quả như: Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất; mở rộng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, các Tổ hợp điện khí, KCN VSIP Quảng Ngãi...
 
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại
 
Theo Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương, muốn nền kinh tế phát triển bền vững, trước hết phải có một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn. Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh ta đã huy động được nguồn lực hết sức quan trọng để xây dựng một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, như cầu Cổ Lũy, Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 1 và điểm nhấn là đường Hoàng Sa, Trường Sa, cầu Thạch Bích và nhiều công trình khác. Đó là bước thành công ban đầu của tỉnh, làm tiền đề, điểm nhấn cho sự phát triển trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Việc Đảng bộ tỉnh tiếp tục chọn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ đột phá sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho phát triển đô thị; qua đó thúc đẩy giao thương, phát triển thương mại - dịch vụ và tạo tính cạnh tranh cho nền kinh tế của tỉnh. 
Công nhân Nhà máy sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất điều hành sản xuất.
Công nhân Nhà máy sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất điều hành sản xuất.
Đối với TP.Quảng Ngãi, theo ông Hà Hoàng Việt Phương cho rằng, điều quan trọng nhất trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là phải huy động nguồn lực tổng thể; không chỉ là ngân sách nhà nước, mà phải tận dụng được nguồn lực trong dân, trong DN. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đặc biệt là các công trình lớn như đường Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2; đường Tịnh Phong - Dung Quất giai đoạn 1; các tuyến đường từ trung tâm TP.Quảng Ngãi đến các huyện. Từ đó sẽ thúc đẩy quá trình phát triển đồng đều giữa đồng bằng và miền núi, cũng như giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền.
 
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ theo quy hoạch. Trong đó, đầu tư hoàn thành tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2, kết nối thông suốt với tuyến ven biển các tỉnh Quảng Nam, Bình Định. Nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các tuyến đường kết nối cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng - Huế, Quốc lộ 1, Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh... Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực từ quỹ đất và nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng đô thị. Tập trung phát triển TP.Quảng Ngãi về phía biển; phấn đấu sớm đạt chuẩn đô thị loại I. Phấn đấu đến năm 2025, TX.Đức Phổ đạt chuẩn đô thị loại IV, một số tiêu chí đạt chuẩn đô thị loại III. Các đô thị Di Lăng, Châu Ổ, Vạn Tường đạt chuẩn đô thị loại IV; Lý Sơn, Ba Tơ, Trà Xuân đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV; các đô thị còn lại đạt chuẩn đô thị loại V, đồng thời phát triển huyện Bình Sơn trở thành thị xã.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
 
Với mục tiêu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, trong giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh tiếp tục đề ra nhiệm vụ đột phá về phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh ủy sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, ban hành, triển khai thực hiện một số đề án: Về lựa chọn, hỗ trợ đào tạo, quy hoạch, theo dõi, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tương lai của tỉnh cho 5 năm, 10 năm, 20 năm đến; về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; về điều động, luân chuyển cán bộ nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch để rèn luyện qua thực tiễn.

 

Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
      
 
 
 
 

 


.