Lão ngư kể chuyện đi biển

03:08, 17/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua nhiều thế hệ sinh sống, gắn bó với biển, ngư dân ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong đời sống sinh hoạt và đánh bắt hải sản.
Theo lão ngư Bùi Thanh Vân (75 tuổi), ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, thì kinh nghiệm về sông nước, các hiện tượng về thiên nhiên, thời tiết hay sự biến động của thuỷ triều đã giúp ngư dân lựa chọn những phương thức đánh bắt hải sản phù hợp. Bằng cách quan sát bầu trời, hướng gió, màu nước biển... ngư dân có thể đoán tình hình thời tiết để có thể quyết định ra khơi hay không. 
 
Lão ngư Bùi Thanh Vân, ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) kể về những kinh nghiệm đi biển.
Lão ngư Bùi Thanh Vân, ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) kể về những kinh nghiệm đi biển.
 
Ông Vân nhớ lại: Có lần, thuyền chúng tôi gồm 10 thuyền viên đang chạy ra phía đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Tôi nhìn lên bầu trời xuất hiện những “mống” mây đỏ, cong vòng như đàn én bay, theo kinh nghiệm thì  trời sẽ đổ mưa như ông cha từng nói: “Ráng xanh thì gió, ráng đỏ thì mưa”, “Mống dài thì lụt, mống cụt thì mưa”. Tôi cho thuyền neo gần bờ, khoảng  8 tiếng sau, trời nổi gió, mưa, sau đó bão đến...
 
Bằng kinh nghiệm đi biển mấy chục năm, óc phán đoán và khả năng thấu hiểu biển mới giúp thuyền chúng tôi thoát được cơn bão, hạn chế rủi ro. “Khi đang lênh đênh ngoài khơi, nếu thấy mặt biển đột ngột đùn từng đợt sóng, gió đẩy thuyền lướt nhanh, ráng đỏ một vùng trời, mây thấp vùn vụt đổi màu đỏ đậm... thì ngư dân phải tìm đến bờ gần nhất để cập bến, trú bão”, ông Vân cho biết thêm.
 
Năm 1998, ông Vân mới có chiếc la bàn đầu tiên hỗ trợ đi biển. Hầu như trước đó, ông Vân chọn cách hướng theo sao Bắc Đẩu để đi về phía bắc và sao Nam Tào để dẫn tàu về hướng nam. Vào ban đêm, nhìn con nước nếu nổi sáng, lấp lánh tựa sao rải đều mặt biển thì đây là thời tiết thuận lợi nhất cho việc vươn khơi. Tuy nhiên, khi kéo lưới thấy vẩn đục, nhiều bùn, rêu vướng ở mắt lưới, nước biển đang bình thường lại đột ngột chảy xiết là dự báo cho thời tiết diễn biến bất thường, nhiều khả năng trời sắp có bão và phải thu lưới cập bờ ngay.
 
Với nghề “hồn treo cột buồm”, ngư dân phải hiểu và học để có cách xử trí phù hợp với biển cả. Vì khi gặp bất trắc trên biển, rủi ro không chỉ là chi phí cho cả chuyến đi, mà còn là tính mạng của bản thân và bạn thuyền.
 
Nhìn lại chặng đường hơn 50 năm gắn bó với biển, ông Lê Văn Đồng (80 tuổi), ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh cho biết: Ngày trước, đi biển không có bản đồ, hải bàn hay máy định vị. Ngư dân phải dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm và sự phán đoán của bản thân. “Kết hợp giữa kinh nghiệm dân gian cùng với tiến bộ khoa học là điều cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu, để chủ động trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chủ động trong phòng, chống thiên tai”, ông Đồng chia sẻ.
 
Kinh nghiệm đi biển được ông Vân, ông Đồng truyền lại cho thế hệ kế cận như một lời nhắc nhở: Mặc dù nghề đi biển hiện nay được hỗ trợ bằng nhiều phương tiện hiện đại, nhưng nếu gặp thời tiết phức tạp, thông tin gián đoạn, thì việc vận dụng kiến thức, kinh nghiệm trên để xử lý là cần thiết. Kinh nghiệm dân gian được đúc kết qua nhiều đời nên luôn là "người bạn đồng hành" không thể thiếu trong những chuyến ra khơi của ngư dân.
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 

.