Phố mới Di Lăng

03:08, 17/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, tỉnh và huyện Sơn Hà đã đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm, từng bước tạo nền tảng  vững chắc để thị trấn Di Lăng đến năm 2025 sẽ đạt các tiêu chí đô thị loại IV, xứng tầm là trung tâm kinh tế - văn hóa ở miền Tây Quảng Ngãi. 
Diện mạo mới
 
Gần 5 năm trở lại đây, diện mạo của thị trấn Di Lăng đổi thay từng ngày. Nhà cửa khang trang mọc lên san sát, đường sá rộng thênh thang với ánh điện bừng sáng trong đêm. Phố mới Di Lăng đã có thêm các công viên cây xanh, trở thành điểm vui chơi, giải trí của người dân ở địa phương. Cơ sở hạ tầng của thị trấn Di Lăng được đầu tư xây dựng bài bản như: Chợ trung tâm, bến xe, các cụm thương mại, dịch vụ... Người dân được chuyển đổi ngành nghề, có việc làm thường xuyên và nâng cao mức sống.  
 
Cầu đi bộ ở thị trấn Di Lăng.             Ảnh: T.T
Cầu đi bộ ở thị trấn Di Lăng. Ảnh: T.T
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Sơn Hà, trong nhiệm kỳ qua, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đô thị Di Lăng theo Nghị quyết 03 (khóa XXIII) của Huyện ủy. Nhờ đó, năm 2017, UBND tỉnh công nhận thị trấn Di Lăng là đô thị loại V. Hiện tại, thị trấn đạt 40/49 tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch - kiến trúc tại thị trấn từng bước đi vào nền nếp.
 
Để xây dựng Di Lăng xứng tầm là trung tâm kinh tế - văn hóa ở miền Tây Quảng Ngãi, thời gian qua tỉnh và huyện Sơn Hà đã đầu tư 557 tỷ đồng xây dựng 73 công trình hạ tầng kỹ thuật. Các công trình hạ tầng đô thị, giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao và trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính từng bước được đầu tư xây dựng khang trang. Không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị Di Lăng ngày càng khởi sắc. 
 
Ngoài ra, huyện Sơn Hà cũng đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông với các công trình trọng điểm như: Tuyến đường trục chính trung tâm huyện, đường từ trụ sở TAND huyện - Cà Tu, đường cầu Tà Man I - Ngã ba đi Trà Trung, đường Bùng Binh - đi cầu Tà Man, đường tránh Tây thị trấn Di Lăng, cầu sông Rin 2, kè sông Rin, cầu đi bộ... 
 
Hướng đến đô thị loại IV
 
Thị trấn  Di Lăng đã hình thành mạng lưới kinh doanh thương mại, dịch vụ, với 551 cơ sở, thu hút hơn 2.000 lao động. Việc chuyển đổi cơ cấu lao động trước đây được xác định là một tiêu chí khó đối với thị trấn Di Lăng. Thế nhưng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền trong kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ nên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế của thị trấn Di Lăng phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản. Toàn thị trấn có 5.147 người trong độ tuổi lao động, trong đó có khoảng 2.344 người làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp, chiếm 45,5%. Tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn giảm còn 17,9%.
 
Để phấn đấu đưa thị trấn Di Lăng đạt đô thị loại IV vào năm 2025, huyện Sơn Hà sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa ở các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch, hạ tầng giao thông, nhằm tạo ra nhiều việc làm cho cư dân đô thị. Đồng thời, hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt ở giai đoạn 2015 - 2020, nhất là các tiêu chí về giao thông, nhà ở, nước thải qua xử lý, dân số đô thị. Đầu tư một số công trình quan trọng có sức lan tỏa, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế. Nghiên cứu hình thành mới cụm công nghiệp làng nghề tại thị trấn Di Lăng, khuyến khích mở rộng các ngành nghề, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch để tạo việc làm cho người dân...         
 
       CÁT TƯỜNG
 
 
 

.