Lý Sơn bí đầu ra cho đất thải

10:09, 12/09/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Dù đã quy hoạch các vị trí làm bãi chứa đất thải trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, do lượng đất thải quá lớn khiến cho những vị trí này đã bị lấp đầy. Việc tìm nơi phù hợp để chứa hàng nghìn mét khối đất thải mỗi năm đang là bài toán khó mà huyện Lý Sơn đang đi tìm lời giải. 
Các bãi đổ quá tải
 
Huyện đảo Lý Sơn có dân số khoảng hơn 22 nghìn người, chủ yếu sống bằng nghề khai thác hải sản và sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 55% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp.
 
Hiện Lý Sơn có khoảng 335ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Với đặc thù canh tác nông nghiệp ở Lý Sơn dùng một lớp cát trắng phủ lên diện tích đất canh tác dày khoảng 0,5- 1cm và phải thay mới sau mỗi vụ trồng trọt.
 
“Theo tập quán canh tác hành và tỏi từ bao đời nay của người dân chúng tôi, cứ sau khoảng 1 năm thì mình phải cào bỏ lớp đất cát cũ trên mặt thay lớp đất mới để hành tỏi cho năng suất cao và chất lượng thơm ngon. Còn nếu không thì tỏi, hành sẽ giảm năng suất, thậm chí không tạo củ”- ông Phạm Văn Bắc ở xã An Hải (Lý Sơn) chia sẻ.
 
Tập quán canh tác thay lớp đất mặt hàng năm nên khiên cho huyện Lý Sơn gặp khó trong việc xử lý lượng đất thải
Tập quán canh tác thay lớp đất mặt hằng năm khiến cho huyện Lý Sơn gặp khó trong việc xử lý lượng đất thải
 
Lớp đất cát thay ra không sử dụng thường đổ ra môi trường xung quanh và đổ ra lòng, lề đường gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và hành lang an toàn giao thông trên địa bàn huyện.
 
Thời gian qua, huyện Lý Sơn đã quy hoạch 26 vị trí đổ đất thải nông nghiệp với diện tích hơn 3.300m2, gần khu vực sản xuất cho nhân dân 2 xã An Vĩnh, An Hải. Song với đặc thù sản xuất nông nghiệp ở huyện, hàng năm phát sinh lượng đất thải khá nhiều. 
 
Tính toán của chính quyền Lý Sơn, ước tính lượng đất thải phải thu gom, vận chuyển đến vị trí đổ đất thải của huyện khoảng 10.200m3/năm. Trong khi đó, diện tích đảo nhỏ hẹp nên tại các vị trí quy hoạch đổ đất thải hầu như đã lấp đầy, nhưng hằng năm, để sản xuất nông nghiệp, người dân vẫn phải lấy cát trắng từ ngoài biển vào. 
 
Vị trí đổ đất thải quá tải, cộng với thói quen “tiện đâu đổ đấy" của không ít hộ dân trồng hành tỏi nên đi dọc trên những tuyến đường qua các cánh đồng không khó để bắt gặp những đống đất thải lớn, nhỏ do người dân đổ ra ngoài đường sau khi cào bỏ thay đất mới để trồng hành, tỏi. 
 
Tính phương án đổ đất thải ra biển
 
Theo bà Phạm Thị Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, hiện tại, việc tìm kiếm khu vực đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lý Sơn cũng như việc xử lý khối lượng đất thải này gặp nhiều khó khăn.
 
Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri huyện Lý Sơn đề xuất ý kiến cho dân đổ đất thải trực tiếp xuống biển để giảm thiểu tình trạng đổ ra môi trường xung quanh và đổ ra lòng, lề đường gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và hành lang an toàn giao thông trên địa bàn huyện, góp phần phát triển du lịch, đồng thời để có lượng cát tái tạo, khai thác.
 

Lý Sơn đang gặp khó trong việc xử lý lượng đất thải sản xuất nông nghiệp thải ra hàng năm 

 
Trên cơ sở đề xuất của người dân và thực tế “bí” nơi đổ đất thải sản xuất nông nghiệp trên đảo, UBND huyện Lý Sơn đã có văn bản gửi Sở TN& MT tỉnh để xin ý kiến tham vấn về việc người dân Lý Sơn xin đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp xuống biển để có cơ sở trả lời ý kiến cử tri.
 
Đồng thời, UBND huyện Lý Sơn cũng đề nghị Sở TN&MT tỉnh quan tâm, hướng dẫn địa phương các quy trình, thủ tục cần thiết trong việc xử lý đất thải nông nghiệp theo phương án đổ thải xuống biển theo đúng quy định hiện hành.
 
H.P

.