Để tiền tỷ thôi trôi ra biển...

09:11, 14/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nuôi thủy sản mùa mưa bão, đồng nghĩa với việc phải đối mặt với rủi ro  do những bất lợi của thời tiết. Song, nhiều nông dân vẫn “đánh cược” tài sản, công sức, để rồi thiệt hại khi tôm, cá trôi ra biển vào mùa mưa lũ lên đến tiền tỷ.

Ảnh hưởng của cơn bão số 12 và mưa lớn vào đầu tháng 11 vừa qua trên địa bàn tỉnh, đã gây ra những thiệt hại lớn cho người nuôi trồng thủy sản, nhất là những hộ nuôi thủy sản có vốn đầu tư lớn như tôm, cá bớp…

Tại huyện đảo Lý Sơn, theo thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương, đã có 23 lồng bè nuôi cá, tôm trên biển của người dân bị hư hỏng hoàn toàn, với tổng thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng.

Là một trong những người nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng nề nhất tại Lý Sơn, anh Bùi Anh Hùng ở xã An Hải, cho biết: “3 lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú của tôi bị sóng đánh vỡ nát. Tổng thiệt hại lên đến 4 tỷ đồng. Đây là số tiền tôi vay ngân hàng và vay mượn của rất nhiều người. Giờ tôi không biết phải làm sao để trả nổi số nợ khổng lồ ấy!”.

Theo Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn Lê Văn Đôi, mặc dù năm nào, tỉnh cũng có lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản hướng dẫn người dân thực hiện. Song, do đặc thù nuôi tôm hùm khác với các loại thủy sản khác, phải qua 2 năm mới đủ kích thước để xuất bán, nên người nuôi phải nuôi qua hai mùa mưa. Vậy nên, dù địa phương đã khuyến cáo, nhưng rất khó để những hộ nuôi tôm hùm tuân thủ đúng lịch thời vụ.

 Những lồng bè nuôi tôm hùm, cá bớp trị giá lên đến tiền tỷ, nhưng người dân Lý Sơn lại
Những lồng bè nuôi tôm hùm, cá bớp trị giá lên đến tiền tỷ, nhưng người dân Lý Sơn lại "chủ quan" đặt giữa biển trong mùa mưa. Ảnh:PV


Không chỉ riêng Lý Sơn, ngay tại TP.Quảng Ngãi, đợt mưa lớn vừa qua cũng khiến diện tích ao nuôi tôm, cá, cua rộng hơn 7ha của các hộ nuôi trồng thủy sản bị sạt lở, 81ha nuôi tôm, cá, cua bị ngập trôi. Trong đó, nhiều nhất là các hộ nuôi trồng thủy sản xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa.

Tại xã Bình Chánh (Bình Sơn),  “rút kinh nghiệm” từ vụ tôm trái vụ có đến 7ha diện tích nuôi tôm bị cuốn trôi theo lũ vào tháng 12.2016, năm nay người dân vùng nuôi tôm đồng Đá Bia, Bình Chánh đã thả nuôi và thu hoạch sớm gần một tháng so với năm trước. Nhưng vẫn có một hộ còn một phần diện tích hồ tôm chưa thu hoạch kịp, nên đã bị lũ cuốn trôi.

Tại vùng chuyên nuôi tôm Phổ Quang (Đức Phổ), rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay các hộ nuôi tôm đã thu hoạch cách đây một tháng. Nhưng vẫn còn vài ba hộ “nấn ná” nuôi thêm tôm trái vụ, nên bị thiệt hại một phần do lũ.

Không chỉ đối mặt với rủi ro bị cuốn trôi ao hồ, lồng bè nuôi trồng thủy sản do những biến động của thời tiết trong mùa mưa bão, mà người nuôi trồng thủy sản còn đối mặt với những rủi ro do chất lượng nước, môi trường nuôi trồng thủy sản vào mùa mưa không đảm bảo.

Sau ảnh hưởng của bão số 12 và mưa lớn vừa qua, cá bớp của người dân Bình Đông (Bình Sơn) gặp hiện tượng “sốc môi trường” do nước lũ đổ về đột ngột, buộc 40 hộ nuôi cá lồng bè phải đồng loạt bán cá cho thương lái…

Theo Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông, tỉnh đã có quy định cụ thể, rõ ràng về lịch nuôi trồng cho từng loại thủy sản và hướng dẫn, khuyến cáo người dân. Song, cũng chỉ có thể dừng lại ở khuyến cáo và tùy thuộc vào sự tự giác của người dân, chứ chưa thực hiện kiểm tra, hay xử phạt.

Chi phí đầu tư nuôi trồng thủy sản luôn ở mức khá cao, có khi lên đến tiền tỷ. Nhưng nhiều nông dân lại bất chấp khuyến cáo, chạy theo thời giá để thả nuôi thủy sản trong mùa mưa để rồi cuối cùng ôm nợ. Thế nhưng, tiền của theo cá, tôm trôi ra biển trong những đợt nuôi trái vụ vẫn chưa đủ sức cảnh báo cho bà con nông dân. Vậy nên, bên cạnh sự tự giác của người dân, các ngành chức năng cần có những giải pháp, mạnh tay hơn trong quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, để người nuôi thủy sản không thiệt hại nặng và ôm nợ vào mỗi mùa mưa bão.


Bài, ảnh: Ý THU



 


.