Nỗi trăn trở mang tên... gừng gió

09:09, 09/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, ở Tây Trà rộ lên phong trào trồng gừng gió, mà người Cor gọi là cây Knha. Đây là loại cây nhanh cho thu hoạch và có giá trị kinh tế cao, song khi nhiều hộ gia đình tiến hành nhân rộng diện tích, lại xảy ra tình trạng gừng gió chết hàng loạt.

Cùng với sâm cau, đinh lăng, ớt xiêm, nhiều hộ gia đình người Cor ở hai xã Trà Lãnh và Trà Quân (Tây Trà) đang nhân rộng mô hình trồng gừng gió để bán cho thương lái. Theo người dân nơi đây, so với gừng ở đồng bằng, gừng gió có củ nhỏ hơn, nhưng lại có vị cay và thơm hơn gừng bình thường nhờ đặc trưng thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng cao. Nhiều người đã đặt mua gừng gió rồi mang về đồng bằng trồng, nhưng không có vị như gừng gió Tây Trà.

Gần 300 bụi gừng gió của bà Hồ Thị Yến ở Trà Quân có hiện tượng thối rễ, chết hàng loạt, chỉ còn lại gần 200 bụi.
Gần 300 bụi gừng gió của bà Hồ Thị Yến ở Trà Quân có hiện tượng thối rễ, chết hàng loạt, chỉ còn lại gần 200 bụi.


Theo ông Hồ Văn Tình, một trong những hộ dân trồng gừng gió ở Trà Lãnh, trước đây gừng gió chủ yếu trồng trên rẫy, chứ không đưa về nhà trồng như bây giờ. Nhưng, kể từ khi bà con thấy thương lái tìm mua với giá cả trăm nghìn đồng một ký, thì mọi người mới bắt đầu nhổ gừng trên rẫy để mang về vườn nhà nhân rộng.

Tại xã Trà Quân, năm 2016, mô hình trồng gừng trong bao đạt kết quả khả quan khi chỉ sau 6-7 tháng, mỗi bao gừng gió mang lại cho người dân từ 1-2 ký gừng gió thành phẩm. Với giá mỗi ký gừng gió lên đến hơn 100 nghìn đồng, thì chỉ cần trồng khoảng 100 bao là bà con đã thu về hơn chục triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả của mô hình, năm 2017, các hộ trồng gừng gió ở Trà Quân tiếp tục nhân rộng trồng gừng. Nhưng thay vì trồng trong bao, bà con linh hoạt mở rộng diện tích và trồng thẳng ra vườn. Nhưng rồi, thay vì phát triển như kỳ vọng, gừng gió lại có hiện tượng thối rễ và chết hàng loạt.

“Năm ngoái trồng trong bao thì không sao cả. Nhưng năm nay, gia đình tôi mở rộng trồng đến 300 bụi gừng, nên không kiếm đủ bao để trồng, thành thử cứ trồng ra vườn như từng trồng trên rẫy. Vậy mà cây thối rễ rồi chết chỉ còn lại khoảng 200 bụi gừng thôi", chị Hồ Thị Yến, một trong những hộ dân trồng gừng nhiều nhất ở Trà Quân cho hay.

“Những loại cây trồng bản địa trên địa bàn, được người dân trồng từ lâu, nhưng chủ yếu chỉ trồng theo kiểu nhỏ lẻ, tự phát. Đầu ra cho sản phẩm cũng phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Hơn nữa, do chưa được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nên khi nhân rộng mô hình, bà con thường gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, dẫu biết cây gừng gió mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng địa phương không dám khuyến khích người dân mở rộng diện tích”, Chủ tịch HĐND xã Trà Quân Hồ Văn Bài cho biết.

Cũng theo ông Bài, xem xét thực tiễn tại địa phương thì từ trước đến nay, mô hình trồng gừng gió là mô hình triển vọng nhất. Bởi đây là loại cây không cần diện tích lớn và công chăm sóc nhiều, hiệu quả kinh tế lại cao. Vì vậy, ông Bài kiến nghị, các ngành chức năng cần quan tâm, lập phương án quy hoạch diện tích trồng gừng gió tập trung và hướng dẫn kỹ thuật, cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đây không phải lần đầu tiên người dân Tây Trà thử sức với các loại cây "đặc sản". Trước đó, người dân Trà Nham, Trà Quân cũng đã thử trồng đinh lăng, khổ sâm, sâm cau. Nhưng chủ yếu cũng chỉ là phát triển theo hướng tự phát, nhỏ lẻ. Vậy nên, để các loại cây bản địa trở thành cây phát triển kinh tế, người dân đang rất cần chính quyền định hướng và ngành chức năng trợ lực.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.