Cày ải, phơi đất: Lợi ích lớn, nhưng chưa được quan tâm

09:05, 18/05/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Cày ải, phơi đất từ xa xưa được xem là một giải pháp kỹ thuật đem lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn coi nhẹ, thờ ơ với giải pháp kỹ thuật này. Và chuyện sâu bệnh ngày càng bùng phát, đất đai cằn cỗi là điều hiển nhiên.
 
 
Lợi ích lớn
 
Vụ đông xuân đã kết thúc gần 1 tháng và chỉ còn vài ngày nữa đến lịch thời vụ xuống giống vụ hè thu, trên các cánh đồng ở xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), những chiếc máy cày đang hoạt động hết công suất để giúp bà con nông dân cày đất, phơi ải trước khi nước về ruộng.
 
Trên cánh đồng Máng, ở thôn An Tráng (Nghĩa Thắng), các thửa ruộng được cày xới, phơi ải từng luống thẳng gọn, đất mịn, sâu bọ phơi mình chết khô la liệt, cỏ dại, gốc rạ được bà con thu gom đốt sạch sẽ. 
 
Đứng nhìn chiếc máy cày đang cày ải cho thửa ruộng nhà mình, lão nông Đinh Văn Chương cho hay: Mấy chục năm gắn bó với ruộng đồng, ông vẫn luôn coi trọng việc cày ải, phơi đất trước khi bước vào vụ thay vì đợi nước về cày băm một lần rồi xuống giống.
 
Mùa này ruộng khô ráo nên thời gian cày rất nhanh, chỉ mất 15 phút máy cày đã cày xong một sào ruộng. Sau khi cày ải xong, đất được phơi 10 - 15 ngày thì cho nước vào ruộng và băm trở lại sau đó mới tiến hành trang đất, xuống giống.
 
 
Cày ải, phơi đất mang nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp.
Cày ải, phơi đất mang nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp.
 
Theo lão nông Đinh Văn Chương, 1 sào ruộng băm nước, chủ máy cày lấy tiền công 100 nghìn đồng, còn cày ải rồi đợi nước về băm lại một lần nữa tăng thêm 20 nghìn đồng. Có tốn kém thêm một chút, nhưng nó giúp diệt vi khuẩn, sâu bệnh tồn đọng, giúp đất tơi xốp, hấp thu các chất dinh dưỡng có trong đất tốt hơn, nhờ đó giúp lúa sinh trưởng phát triển nhanh, ít bị sâu bệnh, cho năng suất cao hơn.
 
Bà Trương Thị Trúc, ở xóm 2, thôn An Hoài Nam (Nghĩa Thắng) cũng coi trọng việc cày ải. Nhà bà có 3 sào ruộng trồng lúa, mùa nào cũng thế, cứ gặt xong là bà thuê máy cày cày ải, phơi đất. “Từ xa xưa cha ông ta đã nói “Một lần cày ải bằng một lần bón phân”. Cày ải giúp lúa ít sâu bệnh, lợi phân bón, ít đổ ngã”- bà Trúc nói.
 
Ông Võ Sinh Quân- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng cho hay, chính quyền địa phương cũng như bà con nông dân luôn coi trọng việc cày ải sau vụ đông xuân và cày dầm sau vụ hè thu nên ngay sau khi thu hoạch, chính quyền địa phương đã chỉ đạo đội máy cày và bà con nông dân tiến hành cày ải, cày dầm rắc vôi bột và phân chuồng trước khi băm lại, trang đẩy xuống giống.
 
Cũng nhờ làm kỹ giải pháp kỹ thuật này mà nhiều năm, Nghĩa Thắng luôn nằm trong tốp đầu về năng suất của huyện Tư Nghĩa. Vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa của xã đạt tới 69,1 tạ/ha.
 
Nhiều nông dân thờ ơ
 
Tính ưu việt của việc cày ải là thế, tuy nhiên không như nông dân ở các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm, nhiều nông dân chưa nhận thức được vai trò và lợi ích của giải pháp ưu việt này. Trên hầu hết các cánh đồng trong tỉnh, tiến độ cày ải rất chậm. Nông dân thờ ơ với việc cày ải và phơi đất.
 

Bà con nông dân ở xã Nghĩa Thắng luôn coi trọng việc cày ải trước vụ.

 
 
Trong hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2016 - 2017, triển khai vụ sản xuất hè thu 2017, Giám đốc Sở NN-PTNT Dương Văn Tô đánh giá, trước kia, việc cày đất ải được thực hiện khá mạnh mẽ và tương đối đều ở các địa phương, nhưng gần đây, phong trào cày ải đang dần lắng xuống. Các địa phương và nông dân đã coi nhẹ, thờ ơ với giải pháp kỹ thuật này.
 
Cũng theo người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh nhà, cày ải là một giải pháp kỹ thuật có nhiều tính ưu việt. Ở các địa phương khác, việc cày ải rất được coi trọng, đơn cử như tỉnh bạn láng giềng là Quảng Nam. Làm đất ải có vai trò lớn trong việc cải tạo hệ vi sinh vật cho đất, hạn chế đổ ngã cho cây lúa.
 
Vì thế, ông Dương Văn Tô yêu cầu các địa phương quan tâm chỉ đạo bà con nông dân thực hiện giải pháp kỹ thuật này một cách đồng bộ. Cùng với việc chuẩn bị đầy đủ giống lúa, phân bón, khơi thông hệ thống tưới tiêu, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, huy động tối đa phương tiện, máy móc cày đất để ải trước khi bước vào vụ sản xuất hè thu là một giải pháp hữu hiệu.
 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 
 

.