Giá xăng dầu giảm: Cước vận tải, hàng hóa vẫn "ăn" Tết

02:02, 23/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù giá xăng dầu liên tục giảm mạnh trong thời gian trước Tết Nguyên đán đến nay. Thế nhưng, các dịch vụ từ vận tải đến giá cả hàng hóa đều không nhúc nhích, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

TIN LIÊN QUAN

Người tiêu dùng chịu thiệt

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một khi giá xăng, dầu tăng thì ngay lập tức giá cước vận tải, giá hàng hóa nhanh chóng “té nước theo mưa” đồng loạt tăng giá một cách chóng mặt. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, một khi giá xăng, dầu giảm thì các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa không nói gì đến chuyện giảm giá cước, hoặc có thì giảm một cách nhỏ giọt.

Mới đây, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nhằm điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với giá xăng dầu thế giới, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, hỗ trợ đời sống người dân, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã tiến hành giảm giá đối với xăng, dầu hỏa, dầu diesel. Theo đó, từ đầu tháng 2.2016, giá xăng RON 92 (A92) giảm 729 đồng/lít, về mức 14.713 đồng/lít; xăng sinh học E5 giảm 496 đồng/lít, còn 14.263 đồng/lít; dầu diesel giảm 627 đồng/lít, còn 9.580 đồng/lít; dầu hỏa giảm 483 đồng/lít, còn 8.905 đồng/lít; dầu mazut giảm 20 đồng/kg, còn 7.225 đồng/kg. Và đến chiều 18.2, giá xăng Ron 92 tiếp tục giảm mạnh, với mức giá giảm đến 961đồng/lít, xuống còn 13.750đồng/lít.

Dù giá xăng đã giảm sâu, nhưng theo khảo sát của chúng tôi tại các chợ trên địa bàn tỉnh, giá cả các mặt hàng thiết yếu như: Rau xanh, củ, cá, thịt… vẫn không hề giảm. Thậm chí là bán gần như bằng so với giá ngày Tết. Trong đó, giá thịt gà hơi dao động từ 90-110 nghìn đồng/kg; búp lơ 20 nghìn đồng/búp; đậu  tây 10 nghìn đồng/kg, thịt heo đùi 90-100 nghìn đồng/kg…

Giá xăng liên tục giảm, nhưng giá cước vận tải vẫn đứng yên.
Giá xăng liên tục giảm, nhưng giá cước vận tải vẫn đứng yên.


Không chỉ giá hàng hóa mà giá cước vận tải cũng tương tự. Theo ghi nhận, hiện tại giá vé của các doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn đang ở rất cao so với ngày thường. Ngoài ra, cước vận tải hàng hóa cũng “ăn" theo Tết. Theo đó, ở thời điểm giá xăng, dầu chưa giảm hồi đầu tháng 11.2015, cước vận tải cho một xe hàng 8 tấn chở rau củ từ Đà Lạt về Quảng Ngãi cước phí khoảng 6,5 triệu đồng/chuyến. Hiện nay, tính ra giá xăng đã có 3 lần giảm với mức giá gần 2 nghìn đồng/lít xăng và 3 nghìn đồng/lít đối với dầu, nhưng các DN vận tải vẫn "án binh bất động”.

Đi mua các mặt hàng thiết yếu ở chợ tạm Quảng Ngãi vào sáng 17.2, chị Nguyễn Thị Tiến, phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi) bảo đi vòng quanh chợ lớn nhất tỉnh mà chị chưa mua đủ số lượng rau, củ như dự định ban đầu bởi dù đã hết ba ngày Tết, bảy ngày xuân nhưng giá từ lọn rau đến con cá, ký thịt đều như những ngày Tết nên rất khó mua.

 “Mỗi khi giá xăng tăng, các cơ quan chức năng chưa kịp can thiệp thì các DN vận tải đã ồ ạt tăng giá cước dẫn đến hàng hóa cũng tăng theo. Trong khi hiện nay giá xăng, dầu giảm nhưng người tiêu dùng như chúng tôi vẫn phải chịu thiệt”, chị Tiến bức xúc.

Cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tính từ nửa cuối năm 2015 đến nay, giá xăng dầu liên tục giảm với tổng cộng hơn 7.000 đồng/lít. Việc giá xăng, dầu giảm mạnh theo giá thế giới sẽ tạo điều kiện rất lớn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, các đơn vị vận tải không giảm do còn “ăn" theo Tết nên đã kéo mặt bằng chung của giá cả hàng hóa đứng im, dẫn đến người tiêu dùng đang phải chi khoản tiền để mua hàng hóa không đúng với giá thực tế. Chính việc các đơn vị đầu mối kinh doanh vận tải, hàng hóa cố tình làm ngơ để trục lợi từ túi tiền của người tiêu dùng khiến nhiều người bức xúc.

Lý giải chuyện giá cước vận tải chưa giảm theo giá xăng dầu, một doanh nghiệp vận tải cho rằng đặc thù của vận tải hàng hóa là thỏa thuận theo hợp đồng giữa chủ hàng với nhà xe và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như loại hàng, thời điểm nhận hàng, cự ly… nên sẽ khó nhận ra việc giảm giá cước. Tuy nhiên, trong xu hướng cạnh tranh hiện nay, các doanh nghiệp sẽ phải chủ động giảm giá cước để cạnh tranh, nên tùy các điều kiện khác nhau mà có thể tăng hoặc giảm để phù hợp với thực tế. Cách lý giải của DN vận tải nghe ra thật có lý và họ có muôn vàn lý do để giải thích cho việc chậm trễ giảm giá cước, mặc dù giá xăng dầu giảm đáng kể. Chưa kể, cứ vào các dịp lễ tết, các doanh nghiệp vận tải lại áp mức phụ thu với mức tăng chóng mặt, thậm chí lên đến 50- 60%.

Vẫn biết rằng, mệnh lệnh hành chính chưa hẳn đã phù hợp trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các cơ quan quản lý không thể can thiệp. Không phải vì giá cước vận tải không nằm trong danh mục 11 mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, mà cơ quan quản lý “bó tay”. Người dân vẫn trông đợi các cơ quan chức năng có những giải pháp quản lý hiệu quả, nhằm thay đổi hiện trạng giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải vẫn “chây ỳ” như hiện nay để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.