Nghị định 89 gỡ khó cho ngư dân

04:01, 17/01/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Sau 2 năm đi vào thực tiễn, Nghị định 67 về hỗ trợ vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ đã bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp. Đến hiện tại, Quảng Ngãi chỉ có 5 tàu cá vỏ thép thuộc Nghị định này được hạ thủy, bàn giao. Do đó, việc thực thi Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều so với Nghị định 67 đã thực sự giúp ngư dân đến gần với ước mơ đóng tàu lớn vươn khơi hơn bao giờ hết.

Là người sở hữu chiếc tàu vỏ thép đầu tiên theo Nghị định 67 tại Quảng Ngãi, ngư dân Võ Văn Hân (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bên cạnh niềm vui còn canh cánh một nỗi lo. Tổng giá trị con tàu vỏ thép lưới rê của ông lên đến 14 tỷ đồng. Theo cam kết, anh phải trả nợ gốc trong vòng 11 năm. Điều này có nghĩa là, mỗi năm gia đình ông phải trả nợ ngân hàng khoảng 1,3 tỷ đồng.
 
Đây là gánh nặng hết sức lớn cho một gia đình ngư dân. “Mơ ước có được tàu to đã thành hiện thực. Nhờ vậy mà năng suất đánh bắt và thu nhập của tôi cũng tăng đáng kể. Nhưng so với số nợ cần trả thì vẫn không đáng là bao. Sợ rằng đến thời hạn, tôi không thể trả được nợ ngân hàng”- ngư dân Hân chia sẻ.
 
Nghị định 89 ra đời đã giúp ngư dân gỡ khó nhiều vấn đề còn vướng trong việc vay vốn đóng mới tàu thuyền
Nghị định 89 ra đời đã giúp ngư dân gỡ khó nhiều vấn đề còn vướng trong việc vay vốn đóng mới tàu thuyền.
 
Tuy nhiên, nỗi lo của ông Hân đã vơi dần khi Nghị định 89 ra đời từ ngày 25.11.2015. Nay thời gian trả nợ đối với tàu vỏ thép kéo dài lên đến 16 năm đã giúp ông giải tỏa phần nào áp lực. “Ngay từ khi biết thông tin về Nghị định 89, tôi đã liên hệ với ngân hàng để được hướng dẫn thủ tục xin kéo dài thời hạn trả nợ cho phép. Như vậy, tôi mới an tâm mà hướng tàu ra khơi xa tiếp tục đánh bắt”- Ông Hân vui vẻ cho hay.
 
Nghị định 89 đã điều chỉnh thời hạn cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gỗ và vỏ thép. Theo đó, trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu, thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất là 11 năm và 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép, hoặc vỏ vật liệu mới. Năm đầu tiên sau khi giải ngân, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn cho các ngân hàng thương mại. 
 
Nghị định 89 còn sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ chi phí các thiết kế mẫu. Ngư dân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí thiết kế tàu vỏ thép, vật liệu mới có công suất từ 400CV trở lên mà theo Nghị định 67 ngư dân không được hưởng ưu đãi này. Nghị định 89 tăng tỷ lệ vốn vay tối đa đối với các chủ tàu đóng mới, ưu đãi lãi suất và điều chỉnh mức bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, còn có một số thay đổi về chính sách bảo hiểm, yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu theo hướng phù hợp với thực tế. 
 
Như vậy, các vấn đề được phần lớn ngư dân cho là bất cập và gây khó khăn, thậm chí khiến nhiều ngư dân ngại vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 nay đã được tháo gỡ. Do đó, từ ngày Nghị định 89 ra đời, một số ngư dân đã rút hồ sơ không vay theo Nghị định 67, giờ lại có ý định vay trở lại để sở hữu những chiếc tàu hiện đại vươn khơi. Ngoài ra, nhiều ngư dân khác cũng có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi từ quy định mới.
 
Ngư dân Bùi Văn Phải ngụ ở xã An Hải, Lý Sơn cũng từng phải rút hồ sơ vì thủ tục thẩm định khó khăn và quy định lắp máy mới, nay đang suy nghĩ đến việc nộp hồ sơ để được xét duyệt lại theo Nghị định 89. Anh Phải cho hay: Việc trang bị máy cũ có chất lượng trên 80% thì tàu vẫn chạy rất ổn mà giá thành chỉ bằng 1/3 máy mới. Đó là cách tiết kiệm kinh phí đầu tư hiệu quả mà Nghị định 89 đã “mở” ra cho ngư dân chúng tôi.
 
 
Với Nghị định 89, ngư dân sẽ sớm được vươn khơi trên những tàu cá hiện đại và thu về sản lượng hải sản dồi dào
Với Nghị định 89, ngư dân sẽ sớm được vươn khơi trên những tàu cá hiện đại và thu về sản lượng hải sản dồi dào
 
Được biết, qua 2 năm triển khai Nghị định 67, đến nay, Quảng Ngãi đã phê duyệt được 79 tàu, trong đó, số tàu đã được các ngân hàng thương mại ký hợp đồng tín dụng là 16 tàu. Số tiền cam kết cho vay là 99 tỷ đồng, 12/16 tàu đã được giải ngân với số tiền 40,5 tỷ đồng. 5 tàu đã được hạ thủy, bàn giao. Tuy nhiên, những con số trên còn rất khiêm tốn so với nhu cầu đóng mới tàu thuyền của ngư dân ở các địa phương trong tỉnh.
 
Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 5.534 tàu thuyền, trong đó chủ yếu là tàu có công suất nhỏ trên 90CV. Việc Chính phủ kịp thời giải quyết các vướng mắc tại Nghị định 67 sẽ giúp cho ngư dân sớm được vươn khơi trên những tàu cá hiện đại và đạt được sản lượng dồi dào. Với sự vào cuộc tích cực này, mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ sẽ được đẩy nhanh tiến độ.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.