Làng nghề vào mùa Tết

06:01, 13/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng cao, nhiều sản phẩm, hàng hóa... được đưa lên các trang mạng xã hội để thu hút người mua. Trong khi đó, nhiều làng nghề thủ công, sản phẩm truyền thống trong tỉnh như bánh thuẩn, bánh nổ, nước mắm, hàng mây tre đan, gốm sứ... vẫn “trung thành” với mẫu mã cổ điển, đơn giản, giá cả ổn định, chỉ làm theo đơn đặt hàng để giữ chất lượng bước vào mùa Tết và luôn có chỗ đứng trong lòng khách hàng.
 

Vào mùa bánh truyền thống

Trong khi nhiều loại bánh kẹo hiện đại liên tục cập nhật mẫu mã, hương vị hấp dẫn bày bán khắp nơi, vẫn có những cơ sở sản xuất bánh truyền thống quanh năm được khách hàng ưa chuộng. Những năm trở lại đây, người tiêu dùng càng có xu hướng sử dụng bánh truyền thống trong dịp Tết. Nhiều người vẫn giữ thói quen mua những bịch bánh thuẫn, bánh nổ đựng trong túi ny lông trắng với màu sắc và hương vị truyền thống.
 

 

Dịp trước Tết, các lễ cưới, ăn hỏi tăng cao kéo theo các sản phẩm giỏ hoa, quà từ mây tre đan truyền thống tăng lên. Ảnh: Bảo Hòa
Dịp trước Tết, các lễ cưới, ăn hỏi tăng cao kéo theo các sản phẩm giỏ hoa, quà từ mây tre đan truyền thống tăng lên. Ảnh: Bảo Hòa


Từ tháng 11 âm lịch trở đi, nhân công tại cơ sở sản xuất bánh thuẩn Ba Phùng ở thôn Đông Thuận, xã Bình Trung (Bình Sơn) bận rộn hơn hẳn. Đây là cơ sở làm bánh thuẩn truyền thống có tiếng hơn 20 năm qua. Bà Võ Thị Ba, chủ cơ sở cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 6.000 bánh, giá bỏ sỉ những năm qua vẫn duy trì ở mức 13.500 đồng/20 cái.

Kiên trì giữ nghề truyền thống, bà Ba chia sẻ bí quyết về cách làm bánh, đó là giữ theo cách làm của ông bà để lại chỉ sử dụng bột, đường, trứng, nhưng “biến tấu” thêm hương vị gừng xay nhuyễn, sữa tươi, giảm lượng đường để phục vụ nhu cầu ít ngọt của khách hàng. Để công đoạn đánh bột nhanh, bà Ba sáng chế ra máy đánh bột ít tốn thời gian, bột nhuyễn hơn. Làm bánh nở đạt chuẩn, người thợ phải khéo tay và “am hiểu” về bánh thuẩn, nên không dễ ai cũng giữ được hương vị bánh thơm ngon.

“Vì mọi công đoạn làm bánh bằng thủ công, số lượng sản xuất có hạn, nên chúng tôi không thể chạy theo số lượng lớn, có vậy mới đảm bảo chất lượng bánh thuẩn truyền thống. Tuy mẫu mã đơn giản, không màu sắc bắt mắt, nhưng bánh thuẩn vẫn được nhiều người tin dùng”, bà Ba nói.

Vào dịp trước Tết, nhu cầu tiêu thụ bánh thuẩn tăng cao.                                                                   Ảnh: B.H
Vào dịp trước Tết, nhu cầu tiêu thụ bánh thuẩn tăng cao. Ảnh: B.H


So với ngày thường, từ 2, 3 ngày mới rang nổ một lần, nhưng vào mùa Tết, hằng ngày nhân công tại cơ sở bánh nổ Thanh Bàng ở thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung tranh thủ rang nổ từ lúc 1 giờ sáng cho đến 8 giờ mới đủ lượng nổ làm bánh. Bánh nổ làm từ nguyên liệu chính gồm nếp rang, gừng và đường, nên có giá rất bình dân. Theo bà Trần Thị Kim Hoanh, chủ cơ sở cho biết, bánh nổ rất được ưa chuộng tại các tỉnh Tây Nguyên. Mọi năm, dịp này mua bán tấp nập. Hiện tại, cơ sở đã chuẩn bị số lượng lớn bánh nổ phục vụ Tết.


Hàng mây tre đan, nước mắm tăng sản lượng

Đối với mặt hàng mây tre đan chủ yếu phục vụ dịp trước Tết như sọt, giỏ tre vận chuyển trái cây, rau củ quả. Hàng nông sản, trái cây cũng là những mặt hàng tiêu thụ mạnh, số lượng tăng vào dịp Tết, kéo theo các thương lái cần thêm giỏ đựng hàng.

Tại làng nghề mây tre đan ở xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi), ngoài các sản phẩm lồng, giỏ, sọt đựng làm bằng tre truyền thống, hơn một năm qua, anh Nguyễn Hoàng ở thôn Thống Nhất làm thêm sản phẩm giỏ đựng trái cây, hoa quả. “Phần vì muốn giữ nghề truyền thống mây tre đan, phần vì tìm hiểu thị trường có nhu cầu nên chúng tôi đầu tư vào làm các sản phẩm này. Các ngày lễ như 8.3, 20.10, 20.11 các mặt hàng này tiêu thụ mạnh. Còn vào dịp trước Tết, lễ cưới, hỏi tăng cao nên nhu cầu dùng giỏ hoa, giỏ đựng trái cây tăng theo. Sản phẩm làm ra cung ứng cho các cửa hàng hoa trong tỉnh. Chất liệu làm bằng tre thân thiện với môi trường, tận dụng được các nguyên liệu bỏ đi. Hiện tại, chúng tôi đang tìm hướng đi để mở rộng thị trường”, anh Hoàng cho hay.

Một mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ tăng trong dịp trước, trong và sau Tết nữa đó là nước mắm. Ngoài dùng để chế biến các món ăn ngày Tết như muối củ kiệu, thịt, nhiều người ở xa về quê ăn Tết cũng “tranh thủ” mua nước mắm truyền thống để sử dụng dần. “So với các mặt hàng truyền thống khác sôi động khi vào mùa, để có nước mắm bán Tết, người làm phải muối cá từ 8, 9 tháng trước. Dịp Tết, nhiều người ưa chuộng sử dụng nước mắm được muối từ cá cơm loại 1 có vị đỏ trong. Dù nước mắm truyền thống được làm thủ công, lọc nguyên chất có giá đắt hơn nước mắm đóng chai sẵn nhưng không có phụ gia, nên được nhiều người tin tưởng sử dụng”, bà Phạm Thị Việt ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) cho biết.

Gốm sứ “vào mùa”

Giáp Tết, ngoài những mặt hàng thông dụng như hoa, cây cảnh, bánh trái thì gốm sứ cũng là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng.

Cửa hàng gốm sứ của ông Kiều Minh Tuấn ở tổ dân phố 3, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) có tuổi đời trên 20 năm, các mặt hàng ở đây mẫu mã đẹp, đa dạng, hoa văn sắc sảo cùng với số lượng nhiều nên luôn là “tâm điểm” của những người chơi cây cảnh tìm đến, nhất là khi Tết đến Xuân về.
 

 

Các lò gốm thủ công tất bật sản xuất để cung ứng ra thị trường tết.
Các lò gốm thủ công tất bật sản xuất để cung ứng ra thị trường tết.

Theo ông Tuấn: “Ngày thường thì chỉ có vài ba người mua, nhưng trước Tết chừng một tháng khách hàng lui tới liên tục, sức mua tăng gấp đôi, gấp ba. Các mặt hàng như độc bình, chậu phong lan, chậu bonsai... được khách hàng chọn mua nhiều nhất”. Cũng theo ông Tuấn, chính sự đa dạng và đầy đủ về chủng loại từ lọ hoa, bộ ấm chén, độc bình cỡ lớn bé đến, các kiểu tượng phật, tranh gốm... nên không những mua về để trồng hoa, cây cảnh mà khách hàng còn lựa chọn để bày biện và trang trí thêm trong ngôi nhà của mình.

Những ngày này, làng gốm Mỹ Thiện ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đang tất bật sản xuất để kịp thời cung ứng cho thị trường Tết. Theo bà Phạm Thị Thu Cúc, chủ lò gốm Mỹ Thiện thì đây là dịp nhà lò làm nhiều sản phẩm nhất. Cũng theo bà Cúc: “Những mặt hàng như choé rượu luôn được đặt làm nhiều nhất. Gần Tết tiểu thương đặt mua đem lên bán cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao để họ làm rượu cần. Không chỉ bán trong tỉnh, mà tiểu thương các tỉnh khác cũng đặt cơ sở chúng tôi sản xuất với số lượng nhiều”.

Gần Tết là thời gian mà ông Trịnh Văn Thành ở thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi) phải sản xuất liên tục để kịp giao cho khách hàng. Những chân ghế, chân đôn, chậu, bệ cho ảng cây cảnh được khách hàng đặt số lượng lớn. Ông Thành cho biết: “Những thứ này là không thể thiếu với những người chơi cây cảnh. Ngày thường thì mình đúc ít, nhưng gần Tết thì số lượng phải tăng lên gấp đôi, gấp ba. Giá thành thì lại rẻ và chất liệu của những chân ghế, chân đôn, chậu bệ cũng đảm bảo nên được nhiều người tin dùng”.


Bài, ảnh: B.HÒA-Đ. DIỆU




 

.