Phát triển du lịch: Cần gắn khai thác với bảo tồn

02:08, 02/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi từ lâu nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và lợi thế chiều dài bờ biển cả trăm cây số. Do đó, phát triển du lịch là phát huy những tiềm năng sẵn có, để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, để du lịch phát triển một cách bền vững thì việc khai thác phải gắn liền với bảo tồn và tôn tạo.

TIN LIÊN QUAN

Vấn đề khai thác và bảo tồn

Bãi biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) được xếp vào loại đẹp nhất tỉnh với bãi cát mịn, dài thoai thoải, làn nước trong xanh, mát lành, phía sau là rừng dương xanh thẳm… Do đó, số lượng du khách tìm đến với biển Mỹ Khê cũng ngày càng đông. Đặc biệt, những ngày nắng vào đầu năm 2015, lượng khách đổ về đông nghịt, mỗi ngày lên đến hàng nghìn người.

Cần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên để phát huy tiềm năng du lịch biển.
Cần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên để phát huy tiềm năng du lịch biển.


Ông Võ Tấn Đại – Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, kiêm Trưởng Ban Quản lý bãi biển Mỹ Khê cho biết: “Từ ngày sáp nhập về TP.Quảng Ngãi, tình hình an ninh trật tự, môi trường ở bãi biển Mỹ Khê đã được cải thiện rất nhiều. Vì thế, lượng khách tìm đến Mỹ Khê cũng đã tăng lên”.

Hiện tại, ở bãi biển Mỹ Khê có khoảng 40 hộ kinh doanh các mặt hàng phục vụ khách du lịch, tắm biển. Và đây cũng chính là lực lượng nòng cốt đem lại nguồn thu ở Mỹ Khê. Tuy nhiên, mặc dù có giảm, nhưng tình trạng chèo kéo khách vẫn thường diễn ra, tạo nên hình ảnh không đẹp trong lòng du khách. Ngoài ra, do có bờ biển dài nên việc thu gom rác thải cũng gặp không ít khó khăn. Trung bình mỗi ngày có ba nhân viên thường xuyên đảm nhận công việc này nhưng vẫn không xuể, vì ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận du khách chưa cao. Trong khi đó, mỗi năm, UBND xã phải bỏ ra khoảng 400 triệu đồng để chi trả tiền công cho nhân viên thu gom rác.

Là đảo tiền tiêu của Tổ quốc gắn với nhiều di tích lịch sử văn hóa nên những năm gần đây Lý Sơn đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê của UBND huyện Lý Sơn, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, Lý Sơn đã thu hút trên 51 nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng trên 35 nghìn lượt khách so với cùng kỳ.  

Ông Phạm Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện nên những năm gần đây, Lý Sơn đã đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực này. Do đó, bên cạnh việc khai thác và phát huy những thế mạnh du lịch đã có, thì huyện cũng ưu tiên trùng tu, tôn tạo những di tích đã xuống cấp. Trong đó, sẽ có 5 di tích được nằm trong kế hoạch bảo tồn, tôn tạo. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên Dinh bà Thiên Y A Na ở xã An Hải và Nhà tiền hiền ở xã An Vĩnh sẽ được ưu tiên trùng tu, tôn tạo trong năm 2015”.

Cần giải pháp đồng bộ

Cùng với phát triển và khai thác thì trong thời gian qua, Quảng Ngãi cũng đã nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Tuy nhiên, do sự biến đổi của khí hậu và sự thiếu ý thức của con người đã khiến cho không ít di tích, danh lam thắng cảnh bị xâm thực, xuống cấp.

Đặc biệt, hằng năm, tại các điểm du lịch tâm linh, một lượng lớn hương, vàng mã được đốt cháy, tạo ra khí thải, gây ô nhiễm môi trường; cây xanh bị bẻ gãy; nhiều du khách thiếu ý thức xả rác bừa bãi, tình trạng “quá tải” trong mùa lễ hội đang làm cho môi trường bị xuống cấp. Tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng phòng hộ ở ven biển cũng là một trong những nguyên nhân khiến môi trường bị ô nhiễm, cảnh quan thiên nhiên bị phá hủy. Bên cạnh đó, do sự đầu tư thiếu đồng bộ, công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ còn nhiều bất cập, chồng chéo, nên công tác xử lý, bảo vệ môi trường lâu nay đang hết sức lúng túng…

Để phát triển du lịch bền vững, giảm thiểu các tác động tiêu cực, tạo ra môi trường du lịch lành mạnh, thì cần sớm xây dựng các quy chế cụ thể, hợp lý giữa khai thác, kinh doanh du lịch với việc bảo vệ tài nguyên môi trường. Đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư và du khách. Bên cạnh đó, cần ban hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, di tích, có hình thức xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm; chú trọng lồng ghép các hoạt động tuyên truyền bảo vệ tài nguyên du lịch bằng nhiều hình thức với các nội dung cụ thể, nhằm nâng cao trách nhiệm của mọi đối tượng tham gia hoạt động du lịch.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.