Giá xăng tăng: Người tiêu dùng, doanh nghiệp gặp khó

09:05, 09/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là những gì mà chúng tôi ghi nhận được từ người tiêu dùng đến thương lái, chủ tàu cá, các doanh nghiệp vận tải… khi mà bất ngờ liên Bộ Công thương-Tài chính đã thống nhất điều chỉnh giá xăng Ron 95 tăng đến 1.950 đồng/lít vào đêm 5.5...

TIN LIÊN QUAN

Xăng tăng quá bất ngờ

Chừng này năm trước, giá xăng dầu cũng “nhảy múa” khiến cho người dân một phen lao đao. Và phải đến quý III, thị trường mới bắt đầu ổn định trở lại, người dân thở phào nhẹ nhõm khi mà giá xăng liên tục giảm. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay giá xăng đã có hai lần tăng với tổng số tiền tăng lên đến 3.500 đồng/lít.

Trong đó, đợt tăng vào tối 5.5 với mức 1.950 đồng/lít khiến người dân khá bất ngờ và thị trường tiêu dùng bắt đầu có những xáo trộn. Theo đó, sau khi điều chỉnh, giá xăng Ron 92 có giá 19.230 đồng/lít (mức cũ là 17.820 đồng/lít); xăng Ron 95 là 19.830 đồng/lít (mức cũ 17.880 đồng/lít). Lý giải cho việc tăng giá, liên Bộ Tài chính-Công thương cho rằng “tăng giá nhằm tránh phải bù lỗ lớn do giá xăng thế giới tăng”. Trong khi đó, thời điểm giữa năm 2014, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước lại nằm im. Liên bộ cũng không có một động thái quyết liệt nào trong việc yêu cầu giảm giá và phải mất thời gian khá lâu giá xăng, dầu mới về đúng như giá thế giới. Người tiêu dùng phải chịu một khoản thiệt thòi khá lớn trong thời gian chờ giá xăng trong nước giảm. Vậy mà thời điểm này, khi giá xăng thế giới mới vừa tăng là giá xăng trong nước đã “cất cánh”.

 Người dân đổ xăng với giá mới tăng.
Người dân đổ xăng với giá mới tăng.


Việc giá xăng dầu tăng và vào buổi tối khiến người dân khá bất ngờ. Người dân cho rằng, việc điều hành giá hiện nay còn quá nhiều bất cập và họ luôn trong tình thế bị động về giá dẫn đến việc làm ăn gặp nhiều rủi ro.

“Việc điều chỉnh bất ngờ thế này chỉ có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hưởng lợi, còn người tiêu dùng là chịu thiệt” – ông Nguyễn Ngọc Thụ, phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi bức xúc.

Không chỉ làm cho người dân bất ngờ, không hài lòng với cách điều hành giá hiện nay, mà chính việc người dân “nắm dao đằng lưỡi” nên không còn cách nào là buộc phải chấp nhận sống chung với giá mới. “Nhà nước có tăng thêm vài nghìn đồng/lít thì người dân vẫn phải đổ xăng đi làm chứ không còn cách nào khác. Xăng tăng các mặt hàng đều tăng, cuộc sống lại phải bóp bụng chi tiêu để đảm bảo không “hụt” vào cuối tháng. Công nhân như chúng tôi lương chưa đến 4 triệu đồng/tháng phải lo cho cái ăn, cái mặc hằng ngày cho gia đình. Nhưng xăng càng tăng thì giá cả mọi thứ sẽ đều tăng theo. Cuộc sống của dân lao động chúng tôi lại càng thêm khó khăn, biết kêu ai bây giờ khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong nhu cầu sinh hoạt” – chị Nguyễn Thị Ngọc, công nhân làm việc tại KCN Tịnh Phong thở dài.

Gặp khó bởi giá xăng, dầu

Bên cạnh đẩy người tiêu dùng vào thế đã rồi thì công việc làm ăn của người dân, doanh nghiệp cũng gặp không ít rủi ro từ việc giá xăng, dầu tăng một cách bất ngờ. Nhiều tiểu thương buôn bán ở chợ tạm Quảng Ngãi cho biết, họ rất bất ngờ trước việc giá rau xanh và các mặt hàng tăng một vài giá so với hôm qua. “Chị em chúng tôi suốt ngày buôn bán ngoài chợ ít có thông tin. Sáng 6.5, đi nhận rau, củ về bán thì bên đầu mối bảo giá nhích lên so với trước đó một ngày nguyên nhân là giá xăng tăng. Tôi không thể hiểu được vì sao tăng nhanh đến thế. Vậy là hôm nay tôi phải bán giá cao hơn vì nguồn nhận đã cao rồi” – chị Thu bán rau xanh cho hay.

Không chỉ đợt tăng giá lần này, mà từ nhiều năm qua việc Bộ Công Thương hoặc liên bộ Công thương-Tài chính tăng giá xăng, dầu đã khiến cho thị trường hàng hóa, vận tải bị xáo trộn một cách chóng vánh. Điều họ lo ngại đó là thời gian qua việc điều chỉnh giá xăng tăng, giảm liên tục dẫn đến doanh nghiệp không thể chủ động về giá cước cũng như có phương án chuẩn bị đối phó với giá xăng dầu tăng.

Ông Nguyễn Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô Chín Nghĩa cho biết: “Với hơn 40 đầu xe hoạt động liên tục trên đường, trong khi giá vé đã được Sở GTVT và Sở Tài chính thông qua, niêm yết rõ ràng. Do đó, doanh nghiệp không thể tự ý điều chỉnh giá để “chạy” theo giá xăng, dầu tăng được. Việc tăng giá xăng, dầu thời gian qua rất bất thường nên dẫn đến các doanh nghiệp vận tải như chúng tôi gặp khó khăn. Tôi cho rằng, Nhà nước đã có Quỹ dự phòng bình ổn giá xăng dầu rồi thì cũng cần phải có lộ trình tăng hoặc giảm thông báo để doanh nghiệp biết và có hướng xử lý kịp thời.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.