Thực hiện Nghị định 67: Ngân hàng và ngư dân chưa gặp nhau

01:04, 13/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị định 67 ra đời như một móc xích kết nối giữa ngân hàng và ngư dân nhằm thúc đẩy phát triển thủy sản. Thế nhưng, kể từ khi Nghị định có hiệu lực đến nay, dù tỉnh đã xét duyệt 65 đối tượng đủ điều kiện vay vốn ưu đãi để đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, song mới chỉ có 3 tàu được vay vốn.

TIN LIÊN QUAN

Ngư dân phàn nàn

Sau gần 7 tháng kể từ khi Nghị định 67 có hiệu lực thì con tàu đóng mới của ông Nguyễn Sáu, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đã rẽ sóng ra khơi vào giữa tháng 3 vừa qua từ nguồn vốn vay ưu đãi này. Dù vậy, ông Sáu nói thẳng khi chúng tôi đề cập chuyện vay vốn để đóng tàu: “Không có vốn tự có thì chẳng đóng được tàu đâu. Ngoài nguồn vốn đối ứng thì phải có một nguồn vốn kha khá nữa để ứng trước với các cơ sở bán vật liệu, thiết bị mới đóng được tàu. Hiện giờ tàu đã ra khơi, nhưng tôi vẫn còn nợ tiền vay bên ngoài hơn 1 tỷ đồng. Đợi ngân hàng giải ngân mới trả được nợ”.

Ông Sáu là ngư dân được xét duyệt trong đợt đầu để đóng mới tàu vỏ gỗ công suất 765CV, với tổng giá trị con tàu 6,3 tỷ đồng. Theo Nghị định 67, muốn đóng được con tàu này thì ông Sáu phải có 30% vốn đối ứng, phần còn lại 70% (hơn 4,4 tỷ đồng) được vay vốn ưu đãi từ Agribank. Tuy nhiên, theo lời ông Sáu thì trong quá trình thực hiện ngoài bỏ 30% vốn đối ứng để đóng tàu, 70% còn lại ông phải tìm vốn để ứng cho các cơ sở bán vật liệu, thiết bị để đóng tàu. Và để các cơ sở này hoàn trả lại vốn, ông phải lấy hết hóa đơn chứng từ từ các cơ sở bán vật liệu, thiết bị đóng tàu làm bằng chứng thì ngân hàng mới giải ngân.

Do nhiều nguyên nhân mà tàu đóng theo Nghị định 67 còn quá ít.
Do nhiều nguyên nhân mà tàu đóng theo Nghị định 67 còn quá ít.


Ông Lê Trung Thành – Giám đốc HTX đóng mới tàu thuyền Viễn Đông Sa Huỳnh, cho biết: “Chính vì thủ tục vay thế này nên nhiều ngư dân chần chừ đăng ký vay vốn để đóng mới tàu theo Nghị định 67. Ngoài ông Sáu, cơ sở cũng đã nhận hợp đồng đóng mới tàu cho ông Nguyễn Tư theo Nghị định 67, nhưng nay vẫn chưa triển khai được. Theo thông tin từ gia đình ông Tư thì nguồn vốn vẫn chưa sẵn sàng”.
 
“Từ thực tế đóng tàu cho ông Sáu, mong ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay, ứng trước từ 20 - 30% vốn trong tổng số 70% vốn hỗ trợ vay ưu đãi để đóng tàu. Đồng thời ngân hàng cũng nên rút gọn các hóa đơn chứng từ. Có vậy ngư dân mới dễ dàng tiếp cận vốn để đóng tàu” – ông Thành bộc bạch. Đây cũng là điều mong mỏi chung của rất nhiều ngư dân.

Ngân hàng vẫn nắm cán

Trao đổi với ông Nguyễn Thiên Phiến – Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi về việc cho vay vốn đóng mới tàu đối với trường hợp ngư dân Nguyễn Sáu, ông Phiến cho rằng: “Phải thực hiện đúng quy định. Đây tuy là nguồn vốn ưu đãi nhưng tổng giá trị quá lớn. Nếu không thận trọng giải ngân theo hóa đơn thì nguồn vốn rất dễ thất thoát. Ông Phiến còn khẳng định: Không chỉ tàu của ông Sáu mà 31 tàu đã đăng ký vay vốn tại Agribank để nâng cấp, đóng mới tàu cũng sẽ giải ngân theo tuần tự như vậy.

Chúng tôi đặt câu hỏi “Phải chăng từ những ràng buộc về thủ tục vay vốn mà ở ngân hàng chỉ có 2/31 trường hợp được xét duyệt tiếp cận vốn vay”? Ông Phiến lắc đầu, lý giải: Sở dĩ ngư dân chưa tiếp cận vốn để triển khai đóng tàu là do thời điểm Nghị định triển khai là dịp cuối năm, ngư dân quan niệm không đóng tàu hai năm. Ngoài ra, có một số trường hợp, ngư dân đăng ký nhưng bây giờ là mùa biển đánh bắt khơi xa nên ngân hàng chưa gặp trao đổi để thống nhất ký hợp đồng vay vốn đóng tàu, có trường hợp thì thiếu vốn thật sự... Chính những nguyên nhân này mà đến nay ngân hàng mới giải ngân được cho hai tàu, 3 tàu đang tiếp cận hồ sơ. Số còn lại chưa gặp ngư dân để thẩm định, thống nhất vay vốn.

Thực hiện Nghị định 67, BIDV Quảng Ngãi là một trong những đơn vị đi đầu về triển khai chủ trương này đến ngư dân. Thế nhưng, đến nay trong số 19 trường hợp được tỉnh xét duyệt đăng ký tại BIDV thì ngân hàng này cũng mới giải ngân được 1 trường hợp. Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc BIDV Quảng Ngãi khẳng định: “Ngân hàng chỉ cần ngư dân chứng minh đủ vốn đối ứng đối với tàu vỏ gỗ là 30% tổng giá trị con tàu, tàu vỏ thép 5% thì ngân hàng sẽ trực tiếp làm việc với cơ sở đóng tàu để thống nhất giải ngân theo từng phần. Ngư dân không phải bận tâm về chuyện vốn còn lại”. Cũng theo ông Hùng, ngoài những nguyên nhân nêu trên, ngư dân chưa đóng tàu được cũng do chưa thống nhất mẫu tàu và nhiều lý do khách quan khác...
    

Bài, ảnh: MAI HẠ

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN

 


 


.