Theo dấu chân du mục

01:02, 02/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên những đỉnh núi cao “ưỡn ngực” ra đón gió, loại cây nào vươn cao đều bị gió mạnh quật ngã. Ấy vậy mà một số đồng bào người Hrê ở Ba Xa (Ba Tơ) lại xem đó là địa điểm lý tưởng để nuôi trâu.

TIN LIÊN QUAN

Khổ vì tập quán

Đỉnh núi Đồi Hang Cui ở xã Ba Xa cao vút, không cây nào sống nổi. Bởi chỉ cần mọc cao quá đầu người liền bị ngả đổ vì gió quật. Chỉ có giống cỏ tranh, cỏ sặc mới có thể “kiêu hãnh” tồn tại- xanh mướt, bạt ngàn. Bởi vậy, già làng Phạm Văn Chúp, thôn Nước Như, xã Ba Xa tìm cách lùa đàn trâu 30 con băng rừng, tìm lên núi Đồi Hang Cui để chăn thả với hy vọng sẽ tận dụng được nguồn cỏ dồi dào.

Mỗi ngày, ông Hùng phải đi bộ hơn 3 tiếng đường rừng mới tiếp cận được bầy trâu trị giá cả tỷ bạc của mình.
Mỗi ngày, ông Hùng phải đi bộ hơn 3 tiếng đường rừng mới tiếp cận được bầy trâu trị giá cả tỷ bạc của mình.


Cùng chung suy nghĩ với già làng Chúp, ông Phạm Văn Hùng  ở thôn Ba Ha cũng dẫn đàn trâu 27 con của mình lên tận núi Quất và núi Rà Diều để chăn thả. Núi Quất và núi Rà Diều cách trung tâm thôn Ba Ha hơn 3 giờ đồng hồ băng rừng, lại phải lội qua 6 con suối lớn nhỏ. Trong đó, suối Nước Lăng là hung hãn nhất khi đang vào mùa cạn mà nước chỗ nông nhất đã cao ngang hông người lớn. Nắm lấy sợi dây rừng to bằng cổ chân, thoăn thoắt đu người qua vách đá dọc bờ suối một cách điệu nghệ, ông Hùng nhẹ nhàng bảo: “Nước ít thì lội qua, chứ nước lớn thì phải dùng dây rừng đi men qua bờ suối như thế này mới tìm đến được chỗ chăn trâu”.

Đã thành lệ, mùa nắng, ông Hùng băng rừng lên Rà Diều, núi Quất hằng ngày. Mùa mưa, đường đi khó thì 2-3 ngày ông lại lên. Túi đeo sau lưng được biến tấu từ bao bố và dây rừng, ông bỏ đầy đủ mì tôm, nước uống bên trong để phòng khi phải ở lại qua đêm trên núi. 10ha đất núi, ông dành ra 6ha trồng keo, 4ha còn lại ông “để dành” để trâu có nơi “tung hoành”. Dọc triền núi và thung lũng Rà Diều, núi Quất, không có chỗ nào là không có dấu chân của đàn trâu. Thoắt thấy chủ nhân Phạm Văn Hùng đến và gọi lên vài tiếng bằng thứ ngôn ngữ riêng, đàn trâu liền băng rừng tụ về một mối. Ông Phạm Văn Hùng khề khà khoe: “Rừng núi bao la như thế này, nhưng đố ai bắt trộm được trâu. Bởi một con bị bắt là cả bầy vây lại. Chúng sống quen trên núi rồi nên dữ lắm. Chỉ có tôi là chạm được, chứ người lạ chẳng thể nào đến gần”.  

Đàn trâu ăn cỏ rất nhanh. Vạc rừng này, cỏ vừa lên xanh thì vài ngày sau đã trụi lá. Bởi thế nên ngày nào ông Hùng cũng băng rừng lên đây vừa phát dọn vừa trồng thêm cho cỏ kịp mọc. Dưới thung lũng, ông Hùng dựng cho mình một căn lều tạm bằng tranh tre để có chỗ ngủ nghỉ. Trên triền núi, ông che một tấm bạt, để khi mưa lớn, trâu sẽ chui vào đó tránh mưa, tránh rét. Cứ thế, đã gần 10 năm, người và trâu cùng đồng hành trên núi. Dẫn trâu lên núi thả rông. Tết và đầu vụ mùa lại dẫn trâu cắt đường rừng về làng để cấy cày. Nhìn đàn trâu của già Chúp, ông Hùng…ai nấy đều thán phục.

Muốn đổi, nhưng chẳng dễ

Gương mặt già Chúp chợt buồn khi nghe hỏi tại sao không chuyển trâu về nhà, dựng chuồng, trồng cỏ cho đỡ vất vả. “Đất ít, biết trồng cỏ bao nhiêu cho đủ để cả đàn trâu mấy mươi con ăn no. Có năm cũng dẫn về rồi, nhưng thiếu ăn nên trâu gầy còm, nhìn buồn lắm”-già Chúp khẽ khàng. Năm nay già Chúp đã gần 60.

Còn với ông Phạm Văn Hùng, sau khi tính toán cân nhắc tiền thuê đất, tiền mua giống để trồng cỏ có thể lên đến vài chục triệu đồng mới mong đủ thức ăn cho cả bầy trâu nhà mình, ông Hùng quyết định vẫn giữ nguyên phương thức chăn nuôi cũ. Chỉ linh hoạt hơn là ông Hùng vừa trồng keo, vừa nuôi trâu. Vạc rừng nào keo còn ít năm tuổi thì ông rào lại không cho trâu lấn.

Còn vạc rừng nào có keo già, thì ông cho trâu sống, trú mưa dưới tán rừng. Trước khi dẫn trâu vào núi, ông lần lượt tiêm phòng đầy đủ. Tủ thuốc thú y, ông để hẳn trong căn chòi trên núi để kịp túc trực chăm sóc cho bầy trâu khi cần. Vội lùa đàn trâu dưới thung lũng về lại lên núi để trâu ngủ dưới tán rừng cho đỡ lạnh, ông Hùng đăm chiêu: “Giờ còn trẻ nên còn theo nổi dấu chân trâu. Chứ mai mốt già thì chẳng biết theo còn kịp không? Rồi đến đời  con mình, nó có chịu cực khổ mà giữ lại bầy trâu như mình?”

Trăn trở và âu lo. Nhưng rồi, họ vẫn tiếp tục lần theo dấu chân trâu đi hết núi này đến núi khác. Cũng muốn thay đổi, cũng muốn phát triển được đàn trâu ngay tại nhà, nhưng vì chưa tìm được hướng đi vẹn toàn nên đến tận bây giờ, họ vẫn phải chấp nhận bỏ cả tiền tỷ trên núi như vậy. Liệu đến bao giờ, họ cùng đàn trâu, sẽ thôi trèo lên mạn ngược?


Bài, ảnh: Ý Thu


 


.