Năm "vàng" của nông nghiệp

10:01, 04/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2014, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đồng ruộng bị sa bồi thủy phá; công trình thủy lợi hư hỏng nặng; thiếu giống, thời tiết rét lạnh kéo dài… Thế nhưng, vượt qua tất cả khó khăn trên, ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh đã gặt hái trọn vẹn quả ngọt trên cả hai lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

TIN LIÊN QUAN

Sản lượng lương thực cả năm ước đạt 480 nghìn tấn. Năng suất lúa bình quân (2 vụ) trên 58 tạ/ha, mì 184 tạ/ha... Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định với số lượng hơn 5,3 triệu con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 65 nghìn tấn… Với những kết quả trên, năm 2014 được đánh giá là năm thắng lợi nhất từ trước đến nay của ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh.

Trồng trọt: Trúng mùa

Bước vào vụ sản xuất đông xuân 2013 – 2014, nhiều nông dân trong tỉnh thấp thỏm lo thất thu khi mà trận lũ hồi giữa tháng 11.2013 đã khiến hơn 2.100ha  đất canh tác bị sa bồi thủy phá, 134km kênh mương cùng 58 kè, đập dâng bị sạt lở, hư hỏng khiến hoạt động sản xuất, chăn nuôi đình trệ. Đến vụ hè thu 2014, nông dân lại mất ăn mất ngủ vì tình trạng thiếu nước; rồi giá giống, phân bón tăng cao…

Niềm vui được mùa lúa của bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Long Sơn (Minh Long).
Niềm vui được mùa lúa của bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Long Sơn (Minh Long).


Khó khăn chồng chất là thế, nhưng kết quả thu được của ngành nông nghiệp trong năm qua thật ấn tượng: Năng suất lúa vụ đông xuân đạt trên 59 tạ/ha, hè thu trên 57 tạ/ha – cao nhất từ trước đến nay. Thế nên mỗi khi nhắc lại hai vụ lúa năm 2014, bà Lê Thị Hóa ngụ thôn Tân Phú 1, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) chỉ gói gọn “khó khăn khi gieo cấy/gặt lấy mùa bội thu. Ông bà nói quả chẳng sai”.

Tuy nói thế nhưng bà Hóa tâm sự rằng, lúc ấy nhìn đồng ruộng, kênh mương bị đất, bùn, đá bồi cao bằng đường mà ai cũng rầu, chắc mẩm vụ này khỏi sạ, mơ gì tới chuyện trúng mùa. Có điều, với nông dân, ruộng là khúc ruột. Rồi nếu bỏ vụ trước, vụ sau lại tốn thêm công dọn cỏ. Hẳn thế nên không chỉ bà Hóa, mà nông dân vùng rốn lũ Hành Tín Tây gác lại nỗi đau thiệt hại do bão lũ gây ra để “ngày  dọn đồng, đêm dọn nhà” với tất cả hy vọng “biết đâu trời thương”. Và không biết vì trời thương, hay do nỗ lực không mệt mỏi của nông dân mà vụ đông xuân 2013 – 2014, năng suất lúa tại Hành Tín Tây đạt gần 60 tạ/ha- con số có nằm mơ bà con cũng không dám nghĩ đến. Thậm chí, “2 sào lúa gặt được 18 bao mà tôi vẫn không tin. Mang về nhà rồi mà cứ nghĩ mình…nhầm”, bà Hóa nhớ lại.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Đức Phổ.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Đức Phổ.


Nếu như nông dân phấn khởi vì trúng cả hai vụ lúa, thì người trồng rau màu cũng vui như Tết bởi sản phẩm được mùa, được giá. Lý do theo ông Trần Thành, người trồng rau ở thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) là: “Sau trận lũ, bãi đất ven sông Vệ được bồi một lớp phù sa dày. Nhờ vậy mà cả năm nay, rau xanh tốt lại ít sâu bệnh, cộng với giá bán ổn định nên cuộc sống của người trồng rau như chúng tôi bớt phần vất vả”.     
      
Chăn nuôi: Được giá

Không chỉ trồng trọt, mà năm 2014 cũng được xem là năm “thuận” đối với ngành chăn nuôi. Đó là đàn gia súc, gia cầm (GSGC) ít bị các loại dịch bệnh tấn công, cộng với giá cả duy trì ở mức cao nên người chăn nuôi cũng đỡ khốn khó. Quả thật, liên tục từ năm 2011 đến 2013, người chăn nuôi trong tỉnh luôn sống trong cảnh phập phồng, thậm chí nhiều hộ phải treo chuồng vì giá bán GSGC biến động theo kiểu giảm nhiều hơn tăng, rồi dịch bệnh – nhất là cúm A/H5N1 hay lở mồm long móng hoành hành, thì sự ổn định của năm 2014 đã giúp họ có thêm sinh lực. Chẳng thế mà dù có hơn 282 nghìn con GSGC bị trận lũ hồi giữa tháng 11.2013 nhấn chìm, nhưng ngay trong năm 2014, tổng đàn GSGC vẫn đạt mức hơn 5,3 triệu con. Kết quả này, theo đánh giá của Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô là “thành công ngoài mong đợi”. Bởi trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp sức cho ngành chăn nuôi chưa được quan tâm thực hiện kịp thời thì con số 5,3 triệu con GSGC ấy đã khẳng định rõ nét sự nỗ lực lẫn niềm tin của người chăn nuôi.

Hơn nữa, việc chăn nuôi cũng có dấu hiệu chuyển dịch theo hướng quy mô, tập trung thay vì nhỏ lẻ, manh mún như trước. Điều này, theo anh Võ Văn Tình, chủ trại heo, bò ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) là: “Đầu tư làm ăn lớn được cái mình không lo đầu ra, còn thức ăn thì được doanh nghiệp cho ứng trước nên cũng đỡ vất vả”. Hẳn thế nên dù đã có trong tay đàn heo hơn 2.000 con cùng hàng chục con bò thịt vỗ béo, nhưng anh Tình tiết lộ sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng quy mô sản xuất. Nhưng để làm được điều này, những hộ làm ăn lớn như anh Tình rất mong được ngành chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi.

Năm 2014 khép lại cùng với thắng lợi của ngành nông nghiệp nói riêng, kinh tế toàn tỉnh nói chung. Điều này sẽ là động lực để nông dân và ngành nông nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn, nỗ lực gặt hái nhiều hơn nữa thành công trong năm 2015 như những gì Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ gửi gắm: “Dù nông – lâm – ngư nghiệp chỉ chiếm 15,7% trong tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn tỉnh, nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong ngành kinh tế. Do đó, ngành nông nghiệp cần đổi mới phương thức sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất và chất lượng; chú trọng công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch và an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Mỹ Hoa

 


.