Đổi mới thiết bị, công nghệ: Chính sách có, nhưng khó thực hiện

10:12, 27/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đổi mới thiết bị, công nghệ để tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm là chìa khóa mang lại thành công cho doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Nắm bắt được điều đó, UBND tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ thông qua chương trình “Khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh giai đoạn 2011- 2015”. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện để nhận sự hỗ trợ này.

“Nút thắt” thủ tục

Vào mùa cao điểm, Doanh nghiệp tư nhân Hương Trầm của ông Trần Thanh Trầm ở Phổ Thạnh (Đức Phổ) có thể sơ chế từ 5 - 6 tấn cá, mực. Sản phẩm làm ra được cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Vì thế, để hiện đại hóa quy trình chế biến hải sản, tăng chất lượng sản phẩm, năm 2011, ông Trầm mạnh dạn bỏ ra 3 tỷ đồng đầu tư xây dựng 6 kho đông lạnh để trữ cá. Tiếp đó, ông Trầm hy vọng sẽ tiếp tục hướng đến đầu tư hệ thống nhà sấy mực thay cho cách sấy bằng than như trước đây, nhằm nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm làm ra. Vì vậy, khi nghe  thông tin về chương trình: “Khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh giai đoạn 2011-2015”, ông Trầm liền nộp đơn tham gia chương trình.

Nhà sơ chế mực ngoài trời đã bị hư hỏng, nhưng ông Trầm chưa đủ kinh phí đầu tư mới.
Nhà sơ chế mực ngoài trời đã bị hư hỏng, nhưng ông Trầm chưa đủ kinh phí đầu tư mới.


Tuy nhiên, sau  hai năm làm hồ sơ, thủ tục nhưng vẫn chưa thể xin được vốn đầu tư, ông Trầm quyết định bỏ cuộc. “Tưởng thủ tục đơn giản, không ngờ làm mãi vẫn chưa xong. Vậy nên sau khi sửa đi, sửa lại vẫn chưa đạt yêu cầu, tôi quyết định ngưng, không làm nữa”, ông Trầm chia sẻ lý do ngừng tham gia chương trình.

Không tìm được nguồn vốn để nâng cấp thiết bị, công nghệ, ông Trầm “tiếc đứt ruột” khi vừa qua, có một doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị ông cung cấp mực khô với số lượng lớn. “Làm ăn với họ là phải tuân thủ theo hợp đồng. Nhưng giờ chỉ sấy theo kiểu thủ công thế này thì làm sao đảm bảo đủ số lượng và chất lượng”, ông Trầm trầm tư.

Lý giải nguyên nhân sau hai năm, dự án hỗ trợ nhà sấy mực cho Doanh nghiệp tư nhân Hương Trầm vẫn còn nằm trên giấy, bà Võ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ cho biết: “Để việc đầu tư, hỗ trợ đảm bảo đúng địa chỉ, phát huy hiệu quả, thì chúng tôi đòi hỏi đơn vị đăng ký phải chứng minh được tính khả thi của dự án chứ không thể hỗ trợ tràn lan. Riêng đối với Doanh nghiệp tư nhân Hương Trầm, tuy đã hướng dẫn nhiều lần về quy trình, thủ tục… nhưng do đơn vị này không báo cáo được phương hướng hoạt động, nguồn lực triển khai thực hiện dự án nhà sấy mực... nên rất khó để đánh giá, hỗ trợ”.

Thờ ơ với “chìa khóa vàng”

Năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định 255 về Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011-2015. Theo đó, doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải các chất thải gây ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm sẽ được hỗ trợ không quá 30% tổng kinh phí thực hiện dự án và không quá 500 triệu đồng/dự án.

Những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo Quyết định 255 sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi đây sẽ là nguồn vốn làm chất xúc tác, kích thích doanh nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là trong số gần 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn, hiện chỉ mới có 4 doanh nghiệp đăng ký đổi mới thiết bị, công  nghệ. Và 4 doanh nghiệp đã đăng ký này, đến nay vẫn chưa thể hoàn tất hồ sơ để nhận được hỗ trợ… dù chỉ còn một năm nữa là kết thúc chương trình.

Còn các danh mục hỗ trợ khác của chương trình như xác lập quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tham gia giải thưởng chất lượng và hội chợ… thì tính đến tháng 12.2014 cũng chỉ mới có khoảng 50 doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.