Mai một nghề làm thúng chai

07:10, 11/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề làm thúng chai gắn bó từ bao đời nay với cư dân ven biển và ven sông ở Quảng Ngãi. Đây không chỉ là phương tiện để mưu sinh, mà còn là một nét đẹp văn hóa ngàn xưa còn lại. Tuy nhiên, trước sự phát triển của các phương tiện đánh bắt hải sản hiện đại đã đẩy nghề làm thúng chai mai một dần.

Thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), trước kia có đến 10 hộ làm thúng chai, nhưng giờ đây chỉ còn 2 hộ. Ông Trần Chang dù đã bước sang tuổi 70 nhưng vẫn miệt mài với nghề. Dẫu vậy, ông vẫn không giấu được nỗi buồn khi ngày càng ít người đến đặt hàng. Ông kể với giọng đượm buồn: “Trước kia, nghề này thịnh lắm. Làm cả ngày cả đêm mà có khi không kịp giao hàng. Nhưng bây giờ, càng ngày người ta càng lơ thúng chai. Hầu hết họ chuyển sang dùng thúng nhựa”.

Ông Chang vẫn miệt mài “giữ lửa” cho nghề đan thúng chai.
Ông Chang vẫn miệt mài “giữ lửa” cho nghề đan thúng chai.


Đây là nghề truyền thống của gia đình ông Chang. Lúc còn nhỏ, ông theo cha học và làm mãi đến tận bây giờ. Hai người con trai của ông ngày trước cũng làm cùng ông, nhưng thời gian qua ít người đặt hàng nên hai người con trai chuyển sang mở xưởng gỗ cạnh nhà. “Nghề này có lẽ đến tôi là hết rồi, vì làm mà không đủ nuôi con thì tụi nhỏ khó lòng mà giữ nghề. Trước kia, tôi nuôi 7 đứa con trưởng thành bằng nghề đan thúng chai”, ông Chang trầm ngâm.

Còn ông Phạm Tống (73 tuổi) thì tỏ ra tiếc nuối khi lớp trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề truyền thống này. Gia đình ông có 4 thế hệ nối nghiệp làm thúng chai, nhưng đến đời ông thì chỉ còn lại duy nhất người con gái lớn là giữ lấy nghề.  Ông Tống chia sẻ: “Cứ đan quanh năm suốt tháng, ai đến mua thì có bán thôi. Mình già thì mình giữ chứ khi có người cần lại không có bán thì tiếc lắm”. Hiểu được lòng cha và cái nét văn hóa đã ăn sâu vào trong máu thịt nên chị Phạm Thị Kim Liên (39 tuổi), con gái cả ông Tống  vẫn quyết tâm giữ lấy nghề. Chị Liên theo cha làm nghề từ năm 16 tuổi đến giờ.

Mặc dù nghề thúng chai không còn hưng thịnh, nhưng ông Chang, ông Tống vẫn rất tự hào về chất lượng của thúng chai. Tuy làm thủ công, nhưng bằng đôi tay dẻo dai của người thợ từ chẻ tre, vót nan, đan thúng, bôi phân trâu, sơn lớp dầu... mọi chi tiết đều rất tỉ mỉ. Đan thúng phải thật chặt, vành thúng phải chắc, rồi sau đó bôi một lớp phân trâu, đợi khô bôi lớp dầu rái (loại dầu của cây rái lấy từ trên núi) để những đường đan không bị hở và tuổi thọ của thúng sẽ cao hơn. Ông Tống tự hào: “Khi gặp sóng to gió lớn sức chịu đựng của thúng chai tốt hơn thúng nhựa, vì bản thân cây tre có độ dẻo dai. Còn thúng nhựa thì chỉ đẹp mà thôi”.

Dẫu là vậy, nghề đan thúng chai vẫn đứng trước nguy cơ mai một. Ông Tống tâm sự:  “Khi chưa xuất hiện thúng nhựa, mỗi ngày có hàng chục đơn đặt hàng. Thuê thêm người làm mới kịp. Một năm bán đến bốn, năm chục cái. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, chỉ làm được hơn chục cái thôi”.

Thúng chai loại nhỏ bán với giá 1,2 triệu -  2 triệu đồng.  Còn loại lớn hơn có giá từ 3-4 triệu đồng. Được biết, người dân một số địa phương trong khu vực miền Trung đã chuyển làm thúng chai xuất khẩu sang một số nước để phục vụ du lịch. Còn người làm nghề đan thúng chai ở Quảng Ngãi vẫn còn “lênh đênh”, chưa biết được đích đến là đâu?


Bài, ảnh: Đăng Sương

 


.