CPI tháng 9 tăng cao nhất trong 7 tháng qua

04:09, 24/09/2014
.

Theo Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2014 tăng 0,4% so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây, trong đó, nguyên nhân chính là việc tăng học phí giáo dục theo lộ trình.

 

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 9 tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,25% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,61%.

Cụ thể, có 9/11 nhóm hàng hóa tăng giá trong tháng 9. Trong đó, nhóm hàng giáo dục tăng 6,38%, tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính, đóng góp 0,36% vào mức tăng chỉ số giá chung cả nước. Lý do là nhiều địa phương tăng học phí năm học 2014-2015 theo lộ trình tăng học phí của Bộ GD&ĐT. Trong tháng 9 năm 2014, có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng giá dịch vụ giáo dục các loại, đồng thời nhu cầu tiêu dùng sách vở, đồ dùng học tập tăng cao…

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (có quyền số lớn nhất) tăng 0,22%. Trong đó, mặt hàng lương thực tăng 0,35%. Lý do là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở các tỉnh miền Nam tăng cường thu mua gạo để thực hiện các hợp đồng giao hàng (hiện khoảng 1,7 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng nhưng chưa giao hàng; tính đến ngày 31/8, cả nước đã xuất khẩu 4,44 triệu tấn quy gạo). Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp tăng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch càng góp phần đẩy giá lúa tăng.

Mặt hàng thực phẩm tăng 0,21% do trong tháng có kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài, ngày Rằm Trung Thu cùng với mưa lớn đã ảnh hưởng đến giá của các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Cụ thể, giá thịt lợn tăng 0,69%, giá gia cầm tươi sống tăng 0,51%, giá thủy hải sản tăng 0,34% so với tháng trước, giá các mặt hàng bơ, sữa tăng, bánh kẹo 0,2%-0,6% so với tháng trước, trong khi đó, chỉ có vài mặt hàng giảm giá như trứng, đường… Mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,15%.

Nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,32% do nhu cầu tăng vào đầu năm học, trong đó giá các loại quần áo may sẵn tăng 0,35% ; vải các loại tăng 0,26%; giày dép tăng 0,3%...

Nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,23% do giá dịch vụ y tế của một số tỉnh điều chỉnh tăng, ví dụ tỉnh Tiền Giang thực hiện giá dịch vụ y tế tăng 13,44%. Bên cạnh đó một số tỉnh tăng giá một số dịch vụ y tế của phòng khám tư nhân như Gia Lai tăng 0,85%, Kiên Giang tăng 0,58%. Giá thuốc y tế tương đối ổn định, tăng nhẹ ở mặt hàng thuốc kháng sinh 0,1%; thuốc cảm tăng 0,2%. Nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21%.

Có 2/11 nhóm hàng giảm giá trong tháng 9. Nhóm hàng giảm giá mạnh nhất là giao thông, giảm 1,85%. Đây là nhóm có mức giảm mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 9 chủ yếu giảm ở mặt hàng xăng dầu và dịch vụ giao thông công cộng. Lý do là giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 3 đợt vào các ngày 18/8 và 29/8, và ngày 9/9, giá xăng giảm 1.100đ/lít, giá dầu diesel giảm 400đ/lít; làm cho chỉ số giá xăng dầu giảm 3,99% so tháng trước. Chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,4% so với tháng trước do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam điều chỉnh giá vé tàu hỏa giảm 6,45% so với tháng trước.

Thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,38% do giá gas bình quân tháng 9 giảm 2% khi các doanh nghiệp kinh doanh gas giảm 7.000đ/bình 12kg từ ngày 1/9… Giá vật liệu xây dựng ổn định do tháng này đang là mùa mưa nên nhu cầu xây dựng chững lại.

Hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và USD tiếp tục giảm giá ở các mức tương ứng -1,66% và -0,15% so với tháng trước.

Tổng cục Thống kê đánh giá tổng quan thị trường và mức tăng giá cả 9 tháng là tương đối thấp kể từ năm 2005 lại đây. Như vậy mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra của Quốc hội của năm 2014 sẽ đạt được.

Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào để giảm giá thành… sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, từ đó, tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
 

Theo Huy Thắng  (Chinhphu.vn)


.