Dồn điền đổi thửa: Nhìn từ Tịnh Trà

06:07, 14/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau Bình Dương (Bình Sơn) thì xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) được xem là địa phương dẫn đầu tỉnh về công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), chỉnh trang đồng ruộng. Trong công tác này Tịnh Trà thành công trên cả hai phương diện: Diện tích DĐĐT và sự đồng thuận của người dân.

TIN LIÊN QUAN

Đến thời điểm này, Tịnh Trà đã DĐĐT được 42/328ha đất sản xuất lúa với tổng kinh phí thực hiện trên 6,3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này, ngoài một phần hỗ trợ của cấp trên thì chủ yếu được trích từ ngân sách xã và do người dân đồng tình hiến đất, góp ngày công để xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường, hệ thống kênh mương thủy lợi.

Ruộng đẹp, năng suất tăng

Hơn một năm trước, cánh đồng Mã Vôi vẫn còn được bao bọc bởi những con đường đất nhỏ hẹp vừa đủ cho một người một xe qua lại. Chẳng thế mà đến mùa gặt lúa, nơi đây tràn ngập hình ảnh nông dân còng lưng khuân lúa, gánh rạ đi một vòng không dưới 350m trước khi ra tới đường lớn để chất lên xe chuyển về nhà. Nhớ lại cảnh ấy, lão nông Mai Quy, ngụ thôn Trà Bình nói rằng: “Bực nhất là khi nhìn mấy cánh đồng xung quanh người ta gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp, có xe cộc cạch ra ruộng chở lúa về tận sân. Còn mình thì hì hục cắt, suốt, rồi phải vác từng bao ra đường chính chứ xe 2 bánh còn không tới được ruộng, nói gì xe 4 bánh”.  

 

Nhờ dồn điền đổi thửa, nhiều cánh đồng của Tịnh Trà trở nên đẹp hơn, năng suất lúa cũng cao hơn.
Nhờ dồn điền đổi thửa, nhiều cánh đồng của Tịnh Trà trở nên đẹp hơn, năng suất lúa cũng cao hơn.


Tuy nhiên, đó là chuyện của quá khứ, chứ hiện tại thì đồng Mã Vôi cũng có “đường to, ruộng đẹp” chẳng thua kém các cánh đồng như Hóc Nhỏ, Thổ Nhự hay Thổ Tình. Điều này khiến những hộ có nhiều thửa ruộng lẻ tẻ, nằm xa đường, lại thiếu nước trước đây, nay vui như hội. Vì sau khi DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn một thửa ruộng có diện tích từ 1.000m2  trở lên; đường sá thì được thiết kế theo kiểu “bàn cờ” nên hầu như thửa nào cũng được gần đường lớn, việc đi lại trông nom, chăm sóc vì thế cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Mà “sướng nhất là mỗi khi trời nắng dài, nông dân tụi tôi không còn phải trắng đêm “mót” nước tưới cho ruộng. Bởi hiện giờ, xung quanh cánh đồng này lúc nào cũng có mương, kênh đầy ắp nước”, ông Trương Anh Tuấn, ngụ thôn Bình Nam hồ hởi cho hay.

Có lẽ nhờ những thay đổi ấy mà liên tiếp những vụ vừa rồi năng suất lúa ở các cánh đồng DĐĐT của Tịnh Trà không ngừng tăng, trong khi chi phí sản xuất lại giảm. Bởi theo hạch toán của ông Mai Quy thì trước kia, đám ruộng 1.200m2 mang về cho ông 18 bao lúa khô/vụ. Thế nhưng sau DĐĐT, diện tích trên chỉ còn 900m2 (vì ông Quy hiến 300m2 đất để làm đường) nhưng mỗi vụ, ông vẫn thu được chừng ấy lúa. “Tính ra tôi lãi. Vì ruộng nhỏ, làm đỡ tốn kém mà lúa vẫn không giảm”, ông Quy khẳng định.

Dồn điền đổi thửa gắn với cơ giới hóa đồng ruộng

Chia sẻ kinh nghiệm để “được lòng dân” trong công tác DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng, Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà Phan Duy Khánh cho rằng: “Nói thì đơn giản, đến khi làm mới lộ ra cái khó. Để DĐĐT được chừng ấy diện tích, chính quyền và người dân đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc đối thoại để tháo gỡ khúc mắc”. Mà một trong những khúc mắc khó gỡ nhất chính là người dân, nhất là những hộ đang sở hữu ruộng tốt, gần đường giao thông chưa thực sự tin tưởng vào sự công bằng sau DĐĐT; rồi vì thiếu kinh phí nên việc DĐĐT phải gắn với tận thu đất sét, cải tạo đồng ruộng đã khiến bà con lo ngại “ruộng sau cải tạo không hoang hóa cũng ngập úng” như đã từng xảy ra ở một số địa phương khác...

Để giải quyết khúc mắc này, chính quyền xã Tịnh Trà ngoài cam kết “chủ trương đúng, thực hiện đúng” thì cán bộ xã, thôn đã dùng chính những hình ảnh, thông tin về mặt trái của việc cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét ấy gửi đến tận tay người dân trong các buổi họp. Mục đích là để bà con thấy, nghe, phân tích rồi tích cực tham gia giám sát quá trình thực hiện. Nhờ vậy mà 4 cánh đồng được cải tạo gồm Hóc Nhỏ, Mã Vôi, Thổ Nhự, Thổ Tình đã phát huy tác dụng và “chưa xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào”- theo lời của Chủ tịch UBND xã Phan Duy Khánh. Vì vậy, hiện giờ người dân canh tác ở các cánh đồng còn lại trong xã hưởng ứng việc cải tạo ruộng, DĐĐT bằng cách hiến đất và ngày công để mở rộng đường, làm kênh mương...  

Đáp lại lòng dân, năm 2014, UBND xã Tịnh Trà sẽ tiến hành kiên cố hóa 3km đường giao thông nội đồng. Đồng thời chỉ đạo HTX DV Nông nghiệp Nông thôn Tịnh Trà đẩy mạnh công tác hỗ trợ bà con trong việc cho ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp hay máy móc phục vụ sản xuất - từ khâu làm đất đến thu hoạch, phơi sấy. Cách làm này không chỉ bình ổn giá các mặt hàng, giảm chi phí sản xuất mà còn củng cố niềm tin của nông dân vào một chủ trương đúng đắn như DĐĐT.

Bài, ảnh: MỸ HOA  
 


.