Mở “nút” cho dồn điền đổi thửa

10:07, 27/07/2013
.

(QNg)- Được xem là “đầu kéo” giúp nhiều tiêu chí của nông thôn mới (NTM) cán đích nhưng hiện giờ, dồn điền đổi thửa (DĐĐT) cũng chỉ mới rục rịch khởi động trong khi thời hạn 33 xã và một huyện đạt chuẩn NTM đang bước vào giai đoạn nước rút…

TIN LIÊN QUAN
  Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, tổng diện tích cần DĐĐT ở Quảng Ngãi là 11.660 ha và chỉnh trang 10.040 ha với nhu cầu vốn lên đến 829 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2013-2015 phấn đấu chỉnh trang và DĐĐT được 12.677 ha. Tuy nhiên, theo các địa phương thì công tác DĐĐT đã và sẽ gặp rất nhiều trở ngại khi mà nó đụng đến lợi ích của người dân…

Khó đủ bề

Để hoàn thành việc DĐĐT và chỉnh trang 8,2 ha diện tích trồng lúa ở xứ đồng Máng, Ban dân chính thôn Điện An 3 và chính quyền xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) đã phải mất gần một năm với hàng chục cuộc họp nhằm đả thông tư tưởng, giải đáp thắc mắc của người dân. Lý giải sự cẩn trọng này, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương Võ Đình Chí bảo rằng, khi nghe DĐĐT, không ít người phản ứng vì sợ diện tích ruộng bị thu hẹp hay nằm ở vị trí không đắc địa, chân đất xấu khiến việc canh tác, đi lại khó khăn. Nhưng cốt lõi là bà con lo ruộng của họ sẽ bị biến thành “hố bom” bởi việc chỉnh trang và DĐĐT kết hợp với tận thu đất sét.

 

Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng đã dồn điền đổi thửa xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh).    Ảnh: MỸ HOA
Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng đã dồn điền đổi thửa xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh). Ảnh: MỸ HOA


Thế nên, dù đã được chính quyền địa phương cam kết “chịu hoàn toàn trách nhiệm trước dân về chất lượng, hiệu quả sau cải tạo và DĐĐT” nhưng phải mất một thời gian, bà con mới gật đầu đồng ý. “Ngỡ cái khó đã được gỡ, ai ngờ lúc DĐĐT rồi chia ruộng mới thực sự gian nan”, trưởng thôn Điện An 3 Trần Đức Thành cho biết. Ông Thành bảo rằng, gian nan là bởi những hộ có ruộng đẹp, chân đất tốt lại gần đường nhất quyết không chịu DĐĐT vì sợ “bờ xôi ruộng mật” rơi vào tay người khác!

Chuyện này đã xảy ra gần 3 năm và mọi việc giờ đã vào guồng quay ổn định. Ruộng DĐĐT cũng mang lại cho dân năng suất lúa 67 tạ/ha (cao hơn trước 5 tạ/ha) nhưng nhắc lại để thấy rằng, DĐĐT nghe thì đơn giản nhưng khi bắt tay thực hiện, mới thấy hết cái khó, cái khổ; thậm chí có địa phương không thể thực hiện DĐĐT vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân. Và xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) là một ví dụ. Theo đó, xã này có chủ trương cải tạo và DĐĐT đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét ở xứ đồng Găn. Tuy nhiên, kế hoạch này đã phải gác lại sau nhiều lần họp dân bất thành. Nguyên nhân là do “người dân nơi đây không còn tin tưởng vào hiệu quả của DĐĐT khi có tận thu đất sét đi kèm. Bởi trước đây, 8 ha đất ruộng của họ đã bị hoang hóa sau khi được cải tạo”, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh lý giải.

Sớm mở đường cho dồn điền đổi thửa

Vì hạn chế kinh phí nên lâu nay công tác DĐĐT được thực hiện chủ yếu nhờ vào quá trình tận thu đất sét. Cách làm này đã mang lại hiệu quả không thể phủ nhận. Đó là tiết kiệm kinh phí cho địa phương, trong khi lợi nhuận canh tác của nông dân tăng cao khi đồng ruộng được chỉnh trang. Bờ vùng bờ thửa giảm nên thời gian và chi phí sản xuất của nông dân được rút ngắn. Nói như lão nông Nguyễn Đạt ở xã Bình Dương (Bình Sơn) - địa phương dẫn đầu tỉnh về công tác DĐĐT thì, sau khi chia lại ruộng, bà con ở đây không còn lao lực với đồng ruộng như trước. Đó là do ruộng của mỗi hộ được tập trung về 1-2 điểm nên máy móc dễ vào, việc chăm sóc vì thế cũng thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn tiềm ẩn không ít “rủi ro”. Dễ thấy nhất là không ít đồng ruộng bị “bức tử” một khi đơn vị chức năng buông lỏng quản lý, còn doanh nghiệp thì lạm dụng việc cải tạo để trục lợi. Mặt khác, vì không chủ động được kinh phí nên việc DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng tiến hành theo kiểu phân khúc dễ khiến người dân nản và mất lòng tin. Do đó, để thúc đẩy tiến độ thực hiện DĐĐT theo ông Võ Tấn Đại - Chủ nhiệm HTX Bình Dương thì, ngoài việc tạo sự đồng thuận trong dân bằng cách công khai minh bạch các kế hoạch và chương trình DĐĐT, tỉnh cần có cơ chế và chính sách hỗ trợ riêng cho DĐĐT, cụ thể là vốn. Bởi thực tế hiện nay, không ít địa phương vì “khát” vốn nên phải thực hiện cầm chừng, thậm chí gác kế hoạch DĐĐT dù được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Ngay như Bình Dương, dù đã “đi trước đón đầu” và huy động tối đa mọi nguồn lực trong dân nhưng đến giờ, vẫn còn 160 ha đất lúa và hoa màu chưa thể DĐĐT vì cạn vốn.  

Thiết nghĩ, giữa lúc tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán thì DĐĐT được xem là giải pháp tối ưu để hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa nhằm giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, DĐĐT cũng góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như tỷ lệ lao động nông nghiệp. Tuy nhiên, để DĐĐT phát huy tối đa khả năng của mình, đã đến lúc nó cần một “cú huých” từ phía các nhà hoạch định chính sách.


    Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.