Cá về từ vùng biển "nóng"

07:05, 31/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù bị tàu Trung Quốc vây ráp, cản trở trong quá trình khai thác, nhưng nhiều tàu của ngư dân xã biển Bình Châu (Bình Sơn) vẫn trở về đầy ắp cá như càng tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để bà con vững dạ mỗi khi ra vùng biển Hoàng Sa…

Phiên biển “no”

Sáng 25.5, con tàu có công suất 773 CV của ngư dân Nguyễn Bình, ngụ thôn Châu Thuận Biển cập cảng Sa Kỳ trong niềm hân hoan, chờ đợi của anh em thuyền viên lẫn gia đình, bạn bè. Lý do, sau một tháng đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa, cách không xa vị trí giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép, tàu của ngư dân Nguyễn Bình tuy được yên ổn hoạt động, nhưng trên đường trở về thì lại bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, chạy kè kè bên cạnh. “Lúc ấy, tôi lo họ lại giở trò lấy sản phẩm, máy móc cùng ngư lưới cụ như đã làm hai lần trước đó. Rất may nhờ có sự hỗ trợ từ đài Icom nên anh em chúng tôi tìm đường né tránh, bảo toàn được tính mạng và tài sản”, anh Bình cho hay.

 

Cá vẫn về từ vùng biển Hoàng Sa.
Cá vẫn về từ vùng biển Hoàng Sa.


Vậy nên, vừa đến cảng Sa Kỳ, dù con tàu còn đang loay hoay tìm chỗ neo đậu, nhưng anh Bình đã bắt tay làm loa rồi hô lớn: “Cá mú, tôm hùm đầy hầm. Phiên này no”. “No” với ngư dân Nguyễn Bình là sau khi trừ chi phí, 13 lao động trên tàu được trả 18 - 20 triệu đồng/người. Còn anh cũng bỏ túi kha khá và không phải lo chạy vạy tiền cho phiên biển tiếp theo.

Còn ngư dân Phạm Mãn cũng bảo “suýt mất toi công sức 35 ngày ở Hoàng Sa”. Số là khi khai thác tôm hùm, cá các loại tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, ông Mãn và 10 lao động đã vấp phải sự hăm dọa và cấm đoán của tàu Trung Quốc. Bỏ qua sự gây hấn ấy, con tàu có công suất 420 CV vẫn ở với Hoàng Sa 35 ngày. Khi khoang đầy cá, tôm thì ông Mãn bẻ lái, từ Hoàng Sa thẳng hướng Sa Kỳ. Thế nhưng khi tàu ông Mãn chạy được một đoạn, tàu Trung Quốc bất thình lình cắt mũi, áp sát gây sự. “Vừa báo với Nghiệp đoàn nghề cá giúp đỡ, tôi vừa cho tàu chạy vòng vòng đến chỗ biên đội tàu của mình nên họ không dám làm gì”, ông Mãn nhớ lại. Nhờ sự bình tĩnh và khéo léo ấy nên khi cập cảng Sa Kỳ, tàu ông Mãn vẫn “no” với cá, tôm hùm có giá hơn 500 triệu đồng.

Cùng với ông Bình, ông Mãn thì hiện giờ, cá từ vùng biển “nóng” Hoàng Sa cũng theo tàu về ăn Tết Đoan Ngọ cùng ngư dân. Bởi nói như chủ tàu Nguyễn Tấn Cư thì: “Với dân biển chúng tôi, mùng 5.5 âm lịch rất quan trọng nên ai cũng tính toán kết thúc phiên biển vào đúng dịp này”.

“Càng khó khăn, càng muốn ra biển!”

Đó là khẳng định của ngư dân Nguyễn Bình. Ông Bình bảo rằng, suốt 20 năm gắn bó với biển, chưa bao giờ ông thấy anh em bạn tàu lại tràn đầy quyết tâm ra Hoàng Sa, Trường Sa như lúc này. Nhất là khi chứng kiến Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Vừa từ Hoàng Sa trở về nhưng ông Phạm Mãn đã tranh thủ vệ sinh tàu để tiếp tục ra khơi vào đầu tháng 6 tới.
Vừa từ Hoàng Sa trở về nhưng ông Phạm Mãn đã tranh thủ vệ sinh tàu để tiếp tục ra khơi vào đầu tháng 6 tới.

Thế nên, khi biết tin ngư dân gặp nguy hiểm vì bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, gây hấn thì không ai bảo ai, họ sẵn sàng bỏ mẻ cá đang đánh để hỗ trợ, giúp đỡ. Chẳng thế mà khi tàu cập cảng Sa Kỳ an toàn, ngư dân Phạm Mãn luôn lặp đi lặp lại câu nói: “Nhờ anh em đi biển gọi Icom động viên, tôi càng vững dạ để lái tàu thoát hiểm an toàn”. Thế nên dù mới cập cảng ngày 26.5, nhưng các thuyền viên và chủ tàu Phạm Mãn đã hối hả vệ sinh tàu, tiếp nhiên liệu, trữ nguyên liệu để kịp ra Hoàng Sa vào đầu tháng 6 tới.

Với tinh thần yêu biển và yêu nước, nên hiện giờ ngư dân không ngần ngại bỏ tiền tỷ đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu để vững vàng ra khơi bám biển. Minh chứng điều này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ngô Văn Hưng cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 90 chiếc tàu được đóng mới - hầu hết có công suất trên 400 CV và 244 chiếc được cái hoán, nâng công suất máy từ 90 CV trở lên. Nâng tổng số tàu của ngư dân Quảng Ngãi lên đến 5.460 chiếc, trong đó có 2.653 chiếc có công suất trên 90CV. Với lực lượng này, tin rằng cá từ vùng biển Hoàng Sa đã và sẽ tiếp tục theo tàu cập cảng để minh chứng rằng, Hoàng Sa là biển của Việt Nam, là “nhà” của ngư dân nên họ không thể không ở đó.


Bài, ảnh: MỸ HOA
                  


.