Đức Phổ: Bội thu vụ lúa hè thu

02:08, 14/08/2013
.

(QNg)- Bước vào vụ hè thu 2013, huyện Đức Phổ là địa phương được dự đoán sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của nạn hạn hán. Đó là ngoài diện tích ruộng bị bỏ hoang thì số gieo sạ được cũng có nguy cơ… chết khát. Thế nhưng, hiện giờ nông dân nơi đây vui như hội vì đã có một mùa bội thu...  

TIN LIÊN QUAN

Đầu vụ, hồ chứa nước (HCN) Liệt Sơn không đủ năng lực tưới; còn các đập, bổi, HCN nhỏ cũng trong tình trạng cạn kiệt nước. Để xuống giống trên diện tích 4.300 ha, Đức Phổ đã phải chạy đua với thời gian. Sau gần 3 tháng đánh vật với những cơn khát, bà con nông dân huyện Đức Phổ đã có “mùa vàng” với năng suất bình quân 55 tạ/ha, xấp xỉ vụ hè thu 2012.

Không để “mất cả chì lẫn chài”…

Vụ hè thu vừa qua toàn huyện Đức Phổ có gần 800 ha lúa không gieo sạ được. Đây là một con số đáng buồn. Buồn vì thời tiết báo hiệu sự trở tính đổi nết. Buồn cho hệ thống hồ chứa và dẫn thủy rệu rã. Nhưng buồn nhất có lẽ là việc 800 ha đất được nghỉ ngơi, sẽ khiến hàng nghìn nông dân lâm vào cảnh khó khăn.

 

 Dù phải gặt lúa trong mưa nhưng nông dân Đức Phổ vẫn phấn khởi vì được mùa.
Dù phải gặt lúa trong mưa nhưng nông dân Đức Phổ vẫn phấn khởi vì được mùa.

Biết thế nhưng việc đó không thể giải quyết được khi mà nguồn nước quá eo hẹp. Hơn nữa, vào thời điểm xuống giống cũng là lúc nắng nóng gay gắt kéo dài, khiến nước ở các hồ chứa, đập bổi vơi dần. Kể cả HCN Liệt Sơn - điểm tựa của hàng chục nghìn hécta lúa cũng tiến dần đến mực nước chết. "Do đó, nếu cố chia nước để “cứu” 800 ha trên thì không chừng, 4.300 ha còn lại cũng thoi thóp vì hạn. Vì vậy, dù đau khi phải nhìn 800 ha đất lúa bỏ hoang, nhưng chúng tôi phải động viên bà con chấp nhận để không phải "mất cả chì lẫn chài”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em chia sẻ.     

Và “mùa ngọt” bất ngờ

Trải qua những đợt nắng nóng khốc liệt, tưởng chừng nhiều diện tích lúa ở Đức Phổ không sống nổi vì hạn hán, nhưng hiện giờ, nông dân huyện Đức Phổ đã có thể thở phào nhẹ nhõm để bước vào vụ thu hoạch cùng niềm vui trúng mùa. “Lúa trĩu hạt nhìn thật mát mắt! Mới cách đây ba hôm, tôi gặt 2 sào lúa giống Đồng Văn 108 thu tới 15 bao. Vui phải biết”, vừa nói, ông Nguyễn Tận (Phổ Vinh) vừa hồ hởi chỉ vào đám lúa vàng óng đang bị đổ nghiêng mà chẳng buồn rầu như mọi lần. Thậm chí quanh ruộng nhà ông Tận, nhiều người đang phải đội mưa gặt lúa ngã đổ, nhưng ai cũng nở nụ cười tươi rói. Lý giải điều này, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp 2 Phổ Vinh Nguyễn Văn Bảy hồ hởi bảo rằng, đầu vụ thiếu nước, ai cũng nghĩ chắc mất mùa. Không ngờ trời thương, cho lúa nhiều chẳng thua kém vụ hè thu năm ngoái.

Một điều thú vị nữa là vụ đông xuân 2012 - 2013, giống VN121 dường như trở thành “tội đồ” của nông dân khi dính bệnh đạo ôn cổ bông, khiến năng suất sụt giảm thảm hại, đặc biệt là với người trồng lúa Đức Phổ. Vậy mà vụ này, giống lúa thuần trên lại đạt năng suất đến 60 tạ/ha khiến bà con nức lòng. Ngay như cánh đồng Phổ Khánh vốn không được tiếng màu mỡ, năng suất hiếm khi chạm ngưỡng 60 tạ/ha; thế nhưng vụ này, VN121 đã đạt 60 tạ/ha.

Ngoài VN121, các giống trung ngắn ngày như Đồng Văn 108, Khang Dân đột biến cũng mang về cho nông dân Đức Phổ một mùa lúa bội thu với năng suất bình quân 55 tạ/ha. Đó cũng là món quà bù đắp phần nào những lo toan, vất vả của nông dân trong vụ lúa phải vượt qua nhiều khó khăn nhất.

 

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.