"Chóng mặt" vì tiền điện tăng cao

09:12, 29/12/2012
.

(QNg)- Hơn 5 tháng qua, nhiều hộ gia đình ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) vô cùng bức xúc trước việc số tiền phải bỏ ra hàng tháng để trả cho điện lực tăng đột ngột gấp 2,5 đến 3 lần so với trước đây mà không biết nguyên nhân vì sao, dù các vật dụng tiêu thụ điện trong nhà chẳng có gì thay đổi.
 


Trong khi đó, đại diện đơn vị bán điện là Công ty Cổ phần Điện Tư Nghĩa dù đã cử người về kiểm tra nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi. Người dân vẫn phải "gồng mình" trả tiền cho điện lực…

Dân bức xúc

Ngồi trong nhà hướng mắt về phía đường dây điện thuộc dự án Điện RE II, nơi đấu nối dẫn vào nhà thắp sáng, anh Lê Duy Khánh (thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền) cho biết, từ nhiều tháng qua gia đình anh phải "gồng mình" lên trả tiền điện với lượng điện năng tiêu thụ gấp 3, thậm chí 4 lần so với trước đây mà không hiểu lý do vì sao.

 

Anh Lê Duy Khánh với sấp phiếu thu tiền điện và hóa đơn tháng nào gia đình cũng phải gánh từ 500.000 đến 600.000 đồng.
Anh Lê Duy Khánh với sấp phiếu thu tiền điện và hóa đơn tháng nào gia đình cũng phải gánh từ 500.000 đến 600.000 đồng.


Anh Khánh bảo, không thể có chuyện lượng điện năng tiêu thụ tăng một cách chóng mặt như vậy được. "Vẫn những vật dụng cũ trong nhà, nhưng trước tháng 4/2012 trở đi gia đình tôi chỉ tiêu thụ lượng điện quy ra tiền từ 100 đến 200 nghìn đồng là cao nhất. Còn giờ, tháng thấp nhất bèo gì cũng 500 nghìn, còn lại tháng nào cũng ngấp nghé 600 nghìn đồng. Tôi làm nông không đủ ăn phải đi chạy xe thuê kiếm từng đồng, vậy mà cứ "ôm sô" tiền điện không cũng đủ mệt. Không biết người ta bán điện, sử dụng đồng hồ điện kiểu gì mà nhà tôi chỉ có 1 tủ lạnh, 1 ti vi, một mô tơ nước và bốn bóng đèn thì không thể tiêu thụ chừng ấy tiền điện được" - anh Khánh bức xúc.

Cầm sấp hóa đơn thu tiền điện từ tháng 4 đến tháng 12 và giấy thông báo ngừng cung cấp điện của Điện lực Tư Nghĩa gửi, anh Khánh cho biết, chưa bao giờ gia đình anh phải trả số tiền mua điện cao như bây giờ. Tui có phản ánh, người của điện lực cũng lên kiểm tra rồi, họ nói với tôi là không có vấn đề gì và bảo tôi kiểm tra thử xem có ai đấu nối trộm không. Nhưng thử xem trụ điện ngay trước mặt nhà thì ai dám làm chuyện đó, với lại tôi có nhờ người kiểm tra thì không phát hiện bất kỳ dấu vết nào cho thấy dây điện của tôi bị đấu nối trộm cả.

Cạnh nhà anh Khánh là hộ gia đình anh Võ Ba, cũng cùng tâm trạng khi liên tiếp phải oằn lưng trả tiền điện cao ngất. "Có tăng gì đi nữa thì lên thêm vài chục, thậm chí cao nữa là 100 nghìn đồng, ai đời tăng cao quá. Người dân chúng tôi mua điện dùng, tự dưng phải "gánh" những khoản từ trên trời rơi xuống" - anh Ba phản ánh.

Sẽ kiểm tra

Mặc dù nhiều hộ gia đình sử dụng điện đã phản ánh lên các cơ quan chức năng, tuy nhiên đến nay nhiều người dân vẫn phải ngậm đắng chi trả tiền cho điện lực, nếu không họ sẽ nhận được thông báo ngừng cung cấp điện của đơn vị bán điện.

 "Đây là vấn đề của đơn vị bán điện mà chủ thể là Công ty Cổ phần Điện Tư Nghĩa, còn chúng tôi không có thẩm quyền đó, với lại thời gian qua chúng tôi không hề nhận được bất kỳ đơn phản ánh, kiến nghị nào của người dân cũng như xã không phản ánh nên không nắm rõ. Phòng quản lý về điện nhưng không nghe nên không tham mưu cho huyện xử lý. Sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với Công ty Cổ phần Điện Tư Nghĩa" - ông Trần Nam Giang - Phó phòng Công thương huyện Tư Nghĩa nói.

Trong khi đó, ông Tôn Long Nghênh - Giám đốc Công ty Cổ phần Điện Tư Nghĩa cho rằng, người dân không phản ánh nên không biết, còn trường hợp nào đã phản ánh công ty cử người đến kiểm tra ngay. Việc số điện năng mà người dân phản ánh tăng đột biến là có vấn đề. Hoặc là chủ nhà sử dụng nhiều, đường dây dẫn điện chập mạch gây hao điện năng, hoặc là trước đây người dân dùng đồng hồ điện cũ cũng như giá điện cũ nên có thay đổi so với giá điện mới hiện nay. Theo ông Nghênh, trường hợp của hộ anh Lê Duy Khánh đơn vị đã cử người đến kiểm tra, nhưng sự cố vẫn xảy ra thời gian tới đơn vị sẽ cho người về kiểm tra lại lần nữa và có thể thay mới đồng hồ điện cho anh Khánh. Quan điểm của Công ty là không để khách hàng sử dụng 1 mà trả tiền 2 được.        


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.