Cây thanh long ruột đỏ "bén duyên" trên đất Trà Bồng

04:12, 11/12/2012
.

(QNĐT)- Có mặt trên đất Trà Bồng đã được 3 năm, nhưng năm nay, cây thanh long ruột đỏ mới thực sự cho người nông dân nơi vùng cao này một vụ mùa bội thu thực sự. Với lợi nhuận mang lại cao gấp 2-4 lần so với cây mì, nhiều hộ nông dân đang mong muốn được hỗ trợ nhân rộng diện tích trồng giống cây này.

TIN LIÊN QUAN


Năm 2009, bà Võ Thị Thành ở thôn Phú Tài, xã Trà Phú (Trà Bồng) là một trong 5 hộ được Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh hỗ trợ vốn và kỹ thuật để đầu tư vào giống cây thanh long ruột đỏ. Từ diện tích 2 sào với 50 trụ thanh long ban đầu, gia đình bà Thành đã thu được một số lợi nhuận đáng kể.

Bà Thành vui mừng cho biết: Lúc đầu, giống cây này vẫn còn khá lạ lẫm với bà con nông dân địa phương. Nhưng qua tìm hiểu và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn nhiệt tình, tôi đã mạnh dạn đầu tư. Qua 2 năm chăm sóc, cây bắt đầu kết nụ và cho quả lần đầu tiên vào năm 2011. Từ đó đến nay, giống thanh long ruột đỏ vốn xa lạ đã mở ra một hướng làm giàu mới cho bà con chúng tôi.

 

Nông dân Trà Bồng đang chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ với mong muốn có vụ mùa bội thu trong năm tới
Nông dân Trà Bồng đang chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ với mong muốn có vụ mùa bội thu trong năm tới

Dẫn chúng tôi ra vườn thanh long xanh mướt, được chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, bà Thành khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng vườn thanh long ruột đỏ nếu được hỗ trợ để có thu nhập ổn định cho gia đình.
 
Bà Thành chia sẻ: Vụ quả bói vào năm 2011 cho quả nhỏ và không sai mấy. Thế nhưng, năm nay, gia đình tôi đã thu hoạch được 7 lần, mỗi lần khoảng 10-15kg/trụ. Quả nào cũng căng tròn, ngọt lịm và được thương lái đặt mua từ khi cây mới ra hoa. Với giá bán ra khoảng 20 nghìn đồng/kg chúng tôi thu lợi nhuận gấp 2-4 lần so với trồng mì- giống cây trồng truyền thống tại địa phương.

Cùng hưởng lợi từ vụ mùa thanh long ruột đỏ bội thu với gia đình bà Thành là ông Nguyễn Công Tân ở thôn Bình Đông, xã Trà Bình (Trà Bồng). Hiện ông Tân đang sở hữu 250 trụ thanh long và thu được khoảng 20 triệu đồng/năm từ những quả thanh long ruột đỏ mang giá trị dinh dưỡng cao.

 

Thanh long ruột đỏ ở cho quả trên đất Trà Bồng
Thanh long ruột đỏ ở cho quả trên đất Trà Bồng


Ông Tân thật thà nói: Đúng là mới trồng thử nghiệm nhưng giống cây này đem lại cho bà con chúng tôi nguồn thu nhập cao, ổn định nên ai cũng ham. Nhiều hộ dân quanh vùng đã đến nhờ tôi chỉ dẫn kinh nghiệm trồng trọt để về mở rộng mô hình. Bản thân tôi cũng muốn mở rộng diện tích trồng thanh long và rất cần sự hỗ trợ vốn từ nhà nước. Bởi vốn đầu tư ban đầu cho giống cây này không hề nhỏ, dù không tốn nhiều công chăm sóc.

Ông Nguyễn Công Thiên- cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông huyện Trà Bồng cho biết: Qua nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương, Trạm khuyến nông huyện đã hỗ trợ cho 5 hộ gia đình trồng thử nghiệm khoảng 1.000 gốc thanh long ruột đỏ. Đến nay, chúng tôi có thể khẳng định giống cây trồng này sinh trưởng tốt, với tỷ lệ đạt quả 100%. Cây thanh long ruột đỏ đang giúp các hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định đáng kể với 4-5 vụ chính/năm.

 

cán bộ kỹ thuật của Trạm khuyến nông huyện Trà Bồng kiểm tra chất lượng ra quả của cây thanh long
Cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông huyện Trà Bồng kiểm tra chất lượng ra quả của cây thanh long


“Hiện tại, ngoài 5 hộ gia đình trồng thử nghiệm, nhiều hộ nông dân ở các xã Trà Phú, Trà Bình cũng đã đề nghị Trạm khuyến nông huyện hỗ trợ về kỹ thuật cũng như vốn đầu tư cho việc đúc trụ, phân bón, giống… Xét thấy đây là giống cây trồng hiệu quả, Trạm đang cố gắng tìm nguồn để hỗ trợ cho bà con nhân rộng diện tích trồng”- ông Thiên nói.

Thanh long ruột đỏ là mặt hàng trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng, đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Việc sinh trưởng và kết trái trên đất Trà Bồng đã mang lại lợi thế và cơ hội lớn cho bà con nông dân nơi đây. Nếu có thể nhân rộng mô hình này, cây thanh long ruột đỏ sẽ thực sự mang lại hướng làm giàu bền vững cho nhiều hộ gia đình ở vùng cao này.

 

Bài, ảnh: Thanh Phương

 

Kỹ thuật trồng cây thanh long ruột đỏ

1
 

Giống thanh long ruột đỏ có nguồn gốc từ Đài Loan, cây thanh long đỏ rất sai trái, ruột đỏ tím, ăn ngọt (độ đường 16 – 18%), hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin và chất khoáng...

Cây thanh long ruột đỏ thích nghi với nơi có nhiều ánh sáng, dưới ánh sáng cao, độ đường tăng, nhiệt độ thích hợp từ 15 – 350C, nếu dưới nhiệt độ đó cây sẽ phát triển chậm hoặc không sinh trưởng được. Do đó khi trồng cây tận dụng hướng nam và đông nam, nơi có đất đai bằng phẳng và ánh sáng nhiều.

Thanh long là cây có tính chịu hạn tốt nên thích hợp với các loại đất ở trên núi đá hay bờ rào ở nông thôn và vùng ven biển, đất có tỷ lệ hạt dính 20%, hạt cát 40%, hạt đất 40% sẽ giúp cho cây thanh long hấp thụ dinh dưỡng, hàng tháng lượng mưa từ 50 – 100mm thì cây sẽ sinh trưởng phát triển tốt.

Làm đất và bón phân

– Với đất bằng: Dùng 600 – 1000kg phân chuồng/mẫu và vôi bột thích ứng, cũng như các chất hữu cơ khác để cải tạo đất.

– Đối với đất dốc: Độ dốc dưới 15 độ phải cuốc rộng, phía trong thấp hơn phía ngoài 10 – 15cm để giữ nước chống xói mòn.

– Đối với đất đồi: Trên 15 độ trồng từng khóm khoảng cách giữa các khóm 2 x 2m.

– Đối với đất núi đá sỏi: Mỗi hố trồng phải có đường kính 1m trở lên, độ sâu 30cm, đá xung quanh phải đập vụn, sử dụng 50% đất mượn, 30% cát mịn, 20% phân hữu cơ và ít vôi bột cho xuống hố.

Cần chú ý trừ cỏ bằng thuốc diệt cỏ, không phun vào cây và xung quanh bộ rễ. Khi cây được nửa năm thì rễ đã phủ toàn bộ mặt đất không sử dụng được thuốc diệt cỏ, nên cần che đậy để giảm cỏ mọc.

Cách trồng và chăm sóc

Trồng cây khoảng cách: 2,5 x 2,5m, trồng sâu 5 – 10cm, khi trồng đào hố dựng cột (cột có thể bằng xi măng hoặc gỗ), mỗi hố trồng từ 4 – 8 cây con xung quanh cột.

Để cây thanh long mau lớn và đạt sản lượng cao phải che đậy cẩn thận để giữ gìn bộ rễ không để tổn thương do ánh nắng mặt trời, do úng nước, gió bão... Đồng thời cắt xén những cành cây không thể mọc mầm và ra quả ngắt bớt hoa và theo dõi tình hình hoa nở và kết quả, mỗi cành nên để 3 – 4 quả. Cần chống nóng với những cây con mới trồng. Hàng năm trước khi vào mùa đông, khi bón phân phải thêm kali chống rét cho cây, đồng thời che đậy để giữ độ ẩm v.v...

 


Theo tuvannongnghiep

 


.