Phát triển công nghiệp theo Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy: Thành công bước đầu

02:09, 21/09/2012
.

(QNĐT)- Tỉnh ủy Quảng Ngãi khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển công nghiệp. Đây là một trong ba khâu đột phá của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, tạo nền tảng để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

TIN LIÊN QUAN


Ngay sau khi Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về phát triển công nghiệp ra đời, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015. Sau hơn 1 năm thực hiện nghị quyết, đến nay, công tác quy hoạch thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là các quy hoạch thuộc KKT Dung Quất đã cơ bản hoàn thành.

UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015, đồng thời tích cực triển khai xây dựng các quy hoạch ngành. Tỉnh cũng đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách của tỉnh, nhất là các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh và KKT Dung Quất.

NMLD Dung Quất hiện đang là đầu tàu của công nghiệp Quảng Ngãi. Trong ảnh: Xuất sản phẩm NMLD ra thị trường.
NMLD Dung Quất hiện đang là đầu tàu của công nghiệp Quảng Ngãi. Trong ảnh: Xuất sản phẩm NMLD ra thị trường.


Do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế nên việc thực hiện phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi gặp một số khó khăn nhất định. Đó là nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển cơ cở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Để thực hiện Nghị quyết phát triển công nghiệp trong 5 năm thì Quảng Ngãi cần số vốn khoảng 9-10 nghìn tỷ đồng. Nghĩa là mỗi năm đầu tư 1.800-2.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, hiện nay, mỗi năm chỉ chi khoảng 200 tỷ đồng, mới bằng 10% so với kế hoạch đề ra. Riêng KKT Dung Quất khi còn trực thuộc trung ương quản lý mỗi năm đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 600 tỷ đồng, khi về tỉnh quản lý giảm dần, như năm 2012 này chỉ đầu tư 120 tỷ đồng.

Mặc dù gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, bên cạnh đó khủng hoảng kinh tế thế giới và Việt Nam đã tác động không nhỏ đến quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh, nhưng trong thời gian qua công nghiệp Quảng Ngãi đã có những kết quả nhất định.

Trong 8 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2012 ước đạt trên 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước đạt hơn 10.128 tỷ đồng; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 2.778,8 tỷ đồng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 294,6 tỷ đồng. Theo Sở Công thương, dự báo giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 1994) ước thực hiện năm 2012 trên 18,7 nghìn tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch năm, tăng 5,97% so với năm 2011.

Cùng với giá trị sản lượng công nghiệp vẫn giữ mức tăng khá, tình hình thu hút đầu tư có chuyển biến tích cực với việc xuất hiện một số đối tác mới và dự án mới.

Đáng chú ý là có nhiều dự án hết sức quan trọng đối với sự phát triển của KKT Dung Quất nói riêng và Quảng Ngãi nói chung như: Dự án KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) với quy mô đầu tư cả hai giai đoạn lên đến 1.200ha (hiện đã công bố quy hoạch chi tiết 1/2000); dự án Nhà máy bột giấy của Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và Tập đoàn JK (Ấn Độ), dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT của Tập đoàn Sembcorp công suất 1200 MW với tổng vốn dự kiến đăng ký khoảng 2 tỷ USD... Đặc biệt, Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) đã bước đầu đàm phán để tham gia cổ phần đầu tư xây dựng nhà máy thép Dung Quất.

Tại KCN Tịnh Phong, lần đầu tiên thu hút hai dự án FDI của Nhật (dự án KIZUNA và dự án của Cty Điện tử Foster Đà Nẵng). Điều đáng mừng, đây là những dự án vào “làm ăn” thật. Cùng với dự án FDI sản xuất giầy Rierker của Áo, dự án sản xuất các sản phẩm điện tử của Foster sẽ đi vào hoạt động trong những tháng cuối năm này. Những tín hiệu vui này cho thấy, làn sóng đầu tư thứ 2 vào Khu kinh tế Dung Quất và tỉnh Quảng Ngãi sẽ tạo ra sức bật mới cho kinh tế Quảng Ngãi trong những năm đến.

Bên cạnh những kết quả của hai chân trụ khá vững là KKT Dung Quất và các khu công nghiệp thì các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang dần khởi sắc. Sau khi Nghị quyết số 01 về phát triển công nghiệp ban hành, các địa phương đã ban hành chương trình hành động và các đề án phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Trong đó Sơn Tịnh được xem là điểm sáng trong phát triển cụm công nghiệp.

Trên địa bàn huyện Sơn Tịnh hiện có 2 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết là cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây và Sa Kỳ. Tổng diện tích được quy hoạch là 35 ha, có 21 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 320 tỷ đồng. Giải quyết gần 800 lao động cho địa phương.

Trong đó, Cụm Công nghiệp Tịnh Ấn Tây thu hút 20 doanh nghiệp đã và đang đầu tư đóng góp rất lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp và tốc độ tăng trưởng của huyện Sơn Tịnh.

Ông Phạm Xuân Vinh-Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết 01, Huyện ủy Sơn Tịnh ban hành chương trình hành động số 06, UBND huyện xây dựng đề án tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp đến đầu tư để giải quyết việc làm và cho ra sản phẩm công nghiệp để đến cuối nhiệm kỳ, tỷ trọng công nghiệp- dịch vụ chiếm 78% trong cơ cấu kinh tế.

Sản phẩm sữa đậu nành của Vinasoy hiện đang chiếm lĩnh thị trường  trong nước
Sản phẩm sữa đậu nành của Vinasoy hiện đang chiếm lĩnh thị trường trong nước


Tình hình phát triển công nghiệp và thu hút các dự án công nghiệp vào địa bàn tỉnh đang có nhiều dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thủy-Giám đốc Sở Công thương, thì mặc dù tới đây một số dự án đi vào hoạt động như giầy Rierker, điện tử Foster... nhưng giá trị công nghiệp không lớn. Các sản phẩm của VSIP, Sempcorb, thép... nếu triển khai tốt thì cũng chỉ phát sinh sau năm 2015. Giá trị sản lượng công nghiệp của Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 chủ yếu vẫn là các sản phẩm lọc hóa dầu, sản phẩm cơ khí của Doosan Vina, đóng tàu, các sản phẩm của Công ty CP Đường Quảng Ngãi... Do vậy, chúng ta cần tập trung hỗ trợ để các doanh nghiệp này phát triển tốt.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các cấp, các ngành phải khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh và KKT Dung Quất. Tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các dự án quan trọng, như VSIP. Tiếp tục tập trung hỗ trợ và thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án lớn trong KKT Dung Quất, KCN và các dự án trong cụm công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa cho rằng, trong thời gian đến, tỉnh phải vừa tập trung phát triển công nghiệp nặng, vừa coi trọng phát triển công nghiệp nhẹ để vừa đảm bảo tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách, vừa giải quyết lao động và sử dụng nguồn nguyên liệu trong tỉnh.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh sẽ chú trọng khai thác các nguồn lực để đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ tiện ích phục vụ phát triển công nghiệp, đặc biệt là sớm ban hành cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trong thời gian đến.


Bài, ảnh: Hoàng Triều

 


.