Sản xuất công nghiệp ở Quảng Ngãi: Những chuyển động tích cực

01:08, 05/08/2012
.

(QNg)- Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn, thì việc Quảng Ngãi đạt được sự tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp (CN) là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển CN ở Quảng Ngãi rất cần sự hợp lực từ các cấp, ngành của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


Theo thống kê của Sở Công thương, trong 7 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất CN của tỉnh ước đạt hơn 12 ngàn tỉ đồng, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2011 và đạt khoảng 54% kế hoạch năm.

DẤU ẤN KKT DUNG QUẤT

Những năm qua, KKT Dung Quất luôn được xem là “trái tim” của ngành CN Quảng Ngãi. Tại đây, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất CN lớn đã hình thành và đi vào hoạt động hằng năm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng. Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) sau khi được tái cấu trúc vào năm 2010 đã từng bước ổn định và tiếp tục thực hiện các dự án sản xuất. Đến tháng 6/2012, DQS đã bàn giao tàu chở dầu 104 nghìn tấn cho PVTrans. Hiện nay, ngoài việc tiếp tục đóng mới tàu 105 nghìn tấn, dự kiến bàn giao vào tháng 5/2013, DQS cũng đã tiếp nhận, sửa chữa, hoán cải các tàu có trọng tải lớn và đóng tàu dịch vụ dầu khí cho các đối tác nước ngoài. Đây là những cột mốc của ngành cơ khí đóng tàu trong chiến lược phát triển cơ khí trọng điểm quốc gia.

Những sản phẩm công nghiệp nặng của Doosan Vina đang được xuất khẩu đi các nước.
Những sản phẩm công nghiệp nặng của Doosan Vina đang được xuất khẩu đi các nước.


Sau 3 năm chính thức đi vào hoạt động tại KKT Dung Quất, Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina đã phát triển mạnh mẽ. Tính đến tháng 5/2012, Công ty đã xuất bán hơn 80.000 tấn sản phẩm mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” với giá trị lên đến 3.885 tỉ đồng (khoảng 185 triệu USD); đồng thời, giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động. Trong năm 2012, Công ty đặt mục tiêu xuất khẩu là 200 triệu USD. Những chuyến xuất hàng ấn tượng của Doosan Vina có trọng lượng siêu trường siêu trọng mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” đi khắp các châu lục đang dần biến “mục tiêu” đó thành “hiện thực”. Có một thông tin rất ấn tượng là, chỉ sau 2 năm hoạt động, Doosan Vina đã đạt 100% năng suất sản xuất mà công ty mẹ tại Hàn Quốc phải mất đến 30 năm. Có thể nói, Doosan Vina đã thu hoạch những “mùa vàng” đầu tiên rất thành công trên “cánh đồng” CNH-HĐH đầy triển vọng của mình.

Mặc dù Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phải tạm nghỉ gần 2 tháng để bảo dưỡng, ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị sản xuất CN của tỉnh, nhưng sản lượng CN tại KKT Dung Quất vẫn không ngừng tăng. Điều này cho thấy, những DN còn lại đã có sự tăng trưởng ổn định và bền vững.

NHỮNG TÍN HIỆU VUI

Trên thực tế, sản xuất CN hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng nhờ có những biện pháp kích cầu, hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, sự hợp lực của các cấp, ngành trong tỉnh và sự chủ động của DN nên nhiều dự án CN vẫn được thực hiện. Giữa tháng 7 vừa qua, Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án vào 2 KCN Tịnh Phong và Quảng Phú, với tổng vốn đầu tư gần 540 tỉ đồng. Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN tỉnh, các DN đang hoạt động tại các KCN đã chủ động trong sản xuất kinh doanh, có biện pháp khắc phục kịp thời những tác động tiêu cực của suy thoái và lạm phát kinh tế nên đầu tư đã không giảm mà còn được đẩy mạnh.

Thông tin vui lại đến với nền kinh tế của tỉnh nói chung và ngành CN nói riêng khi mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 Khu phức hợp Đô thị- CN - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi. Điều này đã đem đến hi vọng về một đòn bẩy đủ lực để đưa CN Quảng Ngãi tiếp tục phát triển mạnh.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh, các DN đã gặp không ít khó khăn do tình hình suy giảm kinh tế thế giới chậm phục hồi dẫn đến thị trường tiêu thụ hạn chế, giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao, lãi suất ngân hàng chưa được như kỳ vọng. Nguồn nhân lực lao động làm việc tại các DN thường xuyên biến động, lao động có tay nghề cao còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu của các DN. Cơ chế, chính sách chưa mang tính ổn định, thường xuyên thay đổi. Do đó, DN vẫn rất cần những “liều thuốc” đủ mạnh từ các cấp, ngành để trợ lực cho các DN sản xuất CN phát triển.


N.TRIỀU
 


.