Xen canh trên đất trồng mì: Mô hình hiệu quả ở Sơn Kỳ

02:05, 24/05/2012
.

(QNg)- Nhiều năm qua, nhờ áp dụng mô hình trồng đậu phụng xen canh trên diện tích đất trồng mì, nhiều hộ gia đình ở xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) đã từng bước có thu nhập ổn định, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

TIN LIÊN QUAN


Thời điểm này, tại khu vực xóm Đồng, thôn Đồng Dâu xã Sơn Kỳ trở nên nhộn nhịp hẳn lên bởi hàng chục hộ nông dân bước vào mùa thu hoạch đậu. Những lều tạm được dựng lên ngay tại đồng, mọi người ai cũng tất bật. Đây là năm thứ năm, gia đình anh Đinh Văn Thi ở thôn Đồng Dâu áp dụng mô hình trồng xen canh đậu phụng với mì. Nhờ áp dụng cách làm này mà gia đình mình có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Anh nhẩm tính: Chỉ sau 3 tháng, với diện tích 2 sào đậu phụng trồng xen canh, bình quân mỗi sào sẽ thu được 200 kg đậu phụng khô, với giá thị trường hiện nay, gia đình sẽ thu về khoảng 6 triệu đồng. Ở vùng triền núi, gò cao thiếu nước tưới, sản xuất trong thời gian ngắn được số tiền lãi ấy, quả thật là có ý nghĩa to lớn đối với đồng bào.

Mô hình trồng xen canh giúp người dân có nguồn thu nhập đáng kể.
Mô hình trồng xen canh giúp người dân có nguồn thu nhập đáng kể.


Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc kết hợp giữa phát triển cây đậu phụng trồng xen với cây mì, nhiều hộ đồng bào thiểu số đã học hỏi làm theo. Ước tính chỉ riêng khu vực xóm Đồng, thôn Đồng Dâu có trên 50 hộ áp dụng mô hình này hiệu quả.

Thực tế mô hình trồng đậu phụng xen canh trên đất trồng mì không lạ đối với nông dân ở vùng đồng bằng, thế  nhưng đối với đồng bào ở miền núi thì đây là một mô hình mới. Điều đáng nói ở đây là việc thay đổi nhận thức của đồng bào nơi đây xuất phát từ những hộ tiểu thương kinh doanh đậu phụng.

Bà Nguyễn Thị Lành (42 tuổi) ở thôn Đồng Dâu, xã Sơn Kỳ, cho biết: Trước đây khu vực này là vùng trồng dâu nuôi tằm nhưng không hiệu quả. Nhà nước cấp đất cho nông dân tự sản xuất, canh tác. Với tập quán canh tác lạc hậu,  đồng bào chỉ biết canh tác độc canh cây mì hết năm này đến năm khác. Nhận thấy tiềm năng vùng đất này phù hợp với cây đậu phụng, bà đầu tư vốn, hướng dẫn kỹ thuật cho vài ba hộ đồng bào trồng xen canh thử nghiệm. Sau mùa vụ đầu tiên hiệu quả kinh tế rõ rệt, bà đã mạnh dạn đầu tư rộng rãi. Đến nay bà Lành đã đầu tư cho trên 30 hộ canh tác mô hình này với diện tích trên 3ha. Không riêng gì bà Lành mà ở đây có khoảng vài hộ tiểu thương đầu tư cho đồng bào. Cái hay của cách làm này là các hộ kinh doanh hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đầu tư giống, phân bón không lấy tiền, đến khi thu hoạch, các hộ kinh doanh sẽ đến tại ruộng để thu mua theo giá thị trường nên người dân khá an tâm.

Lợi ích kinh tế trước mắt của việc trồng xen canh đã rõ ràng, cách làm này vừa tận dụng diện tích đất nông nghiệp, vừa phát huy tối đa hiệu quả cây trồng. Ngoài ra, với việc tận dụng thân cây đậu phụng sẽ cải thiện độ phì của đất, góp phần tăng năng suất của cây mì. Sự thành công của mô hình sẽ tạo ra cơ hội thoát nghèo cho nông dân.


  Bài, ảnh: Ngọc Đức
 


.