"Bông đót" đầu mùa

09:03, 11/03/2012
.

(QNg)- Chị được bà con đồng bào dân tộc Cor ở thôn Trà Lương, xã Trà Lãnh (Tây Trà) ví như bông đót đầu mùa vừa bung nở bởi nét đẹp giản dị và cái bụng tốt đến lạ. Chị là Hồ Thị Bông - người phụ nữ đã mang đến luồng gió mới cho người dân Trà Lương khi "dám" thay đổi cách nghĩ, cách làm của họ…

Tuy chỉ cách trung tâm xã Trà Lãnh chưa đầy 5 cây số, nhưng để vào được thôn Trà Lương thì quả là gian nan, khi phải vật lộn với con đường chỉ có hố sâu và sình lầy. Ấy vậy nên khi tôi vừa đặt chân đến đầu thôn, bà con nơi đây đã vội ra thăm hỏi rất nhiệt tình và niềm nở. Khi biết tôi đang tìm gặp chị Hồ Thị Bông, già Hồ Thị Phượng liền cử người lên rẫy gọi chị về, còn tôi thì có cơ hội nghe bà con kể nhiều về những việc làm của chị Bông mà đến giờ, họ vẫn còn nhắc mãi.  

Chị Hương chăm sóc vườn khoai môn - loại cây giúp gia đình chị tăng thu nhập.
Chị Hương chăm sóc vườn khoai môn - loại cây giúp gia đình chị tăng thu nhập.


"Nhờ con Bông mà xoong nồi nhà tao sạch trắng thế này đây" - bà Hồ Thị Phượng chỉ vào mấy cái nồi treo ở góc bếp khoe với tôi. Không để ý đến sự ngạc nhiên của tôi, bà Phượng hồ hởi nói: "Từ trước đến giờ, có ai quan tâm đến việc cọ rửa nồi cho sạch đâu, chỉ rửa qua loa rồi đụng đâu vứt đó thôi. Nhưng khi được con Bông giải thích rằng nếu sử dụng nồi này để nấu thức ăn, nước uống thì dễ bị đau bụng. Nghe có lý nên tao làm theo. Giờ mỗi lần nhìn xoong nồi trắng sạch là tao thấy vui con mắt". Sau khi nghe bà Phượng phân trần, tôi đã phần nào hiểu được vì sao cái việc rất đỗi bình thường ấy lại trở thành một kỳ tích của đồng bào Cor nơi đây. "Tưởng đơn giản nhưng để làm được điều đó, chị Bông đã phải rất kiên nhẫn và chịu khó vận động và cũng bị bà con... la mắng, đánh đuổi thì mới thay đổi được thói quen và ý thức của họ về vấn đề vệ sinh đấy"- chị Mai Thị Xinh - Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Lãnh chen vào câu chuyện.

"Đó chỉ là... chuyện nhỏ, chị Bông còn làm được việc to hơn nhiều, đó là giúp chúng tôi biết cách thoát đói nữa đấy" - chị Hồ Thị Hương hãnh diện nói. Dứt lời, chị kéo tay tôi ra phía sau nhà để khoe đám khoai môn xanh tốt, cùng cặp heo thịt đã đến tuổi xuất chuồng. "Chị Bông bảo trồng khoai lấy thân lá nuôi heo, còn củ thì bán. Nhờ vậy mà năm rồi nhà mình không bị đói giáp hạt nữa" - chị Hương khoe với tôi. Chị Hương kể rằng, sau khi chồng mắc bệnh qua đời, bốn mẹ con chị bữa đói bữa no vì trước đây, cả gia đình chỉ sống nhờ vào số tiền đi làm "phu quế" của chồng. Không chỉ vận động mọi người phát dọn mảnh vườn, giúp trồng khoai môn và khoai lang, mà chị Bông còn cho mượn tiền để mua heo giống gầy đàn. Nhờ vậy mà sau một năm, từ một hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn, sống nhờ vào gạo cứu trợ và sự giúp đỡ của mọi người, chị Hương đã vươn lên thoát khỏi cái đói, cũng như "cứu" được hai đứa con tránh được nguy cơ thất học.

Không chỉ được bà con thôn Trà Lương yêu thương, kính phục, chị Bông còn được đồng bào nơi đây rất nể vì đã thay đổi được những thói quen, tập tục lạc hậu của mình. Để rồi dù đã hai năm trôi qua, nhưng hình ảnh chị Bông đêm đêm cầm chiếc đèn pin nhỏ đi đến từng nhà để thăm hỏi, vận động mọi người đến các cơ sở y tế khám bệnh khi đau ốm, hay đích thân đưa chị em trong độ tuổi sinh đẻ, các thai phụ đến trạm y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ... càng làm cho bà con cảm động và tin tưởng chị hơn. Nhờ vậy mà hiện nay, hầu hết người dân thôn Trà Lương không còn "ngại" gặp y bác sĩ. Tập tục cúng đuổi con bệnh cũng đã được đẩy lùi. Hàng xóm láng giềng ngày càng đoàn kết và đùm bọc nhau hơn.

Khi nói về những việc làm của mình, chị Bông chỉ trầm ngâm và bồi hồi nhớ về khoảng thời gian vất vả của mình. Để rồi khi kinh tế khấm khá, chị càng muốn chia sẻ những khó khăn của bà con bằng những việc làm thiết thực, dù nhỏ nhất. Chị bảo rằng, trước kia nhà nghèo lắm, chỉ biết sống nhờ vào cây quế. Nhưng một thời gian dài, quế rẻ như cho. Bận ấy, nhiều hôm nhà chị chẳng có lấy hạt gạo nào, cái đói cái nghèo cứ đeo bám hành hạ mãi. Không nản lòng, chị quyết giữ và chăm sóc rẫy quế, đồng thời tận dụng đất bìa rừng để trồng khoai lang, khoai môn kết hợp nuôi bò, heo.

"Ngày ấy, các loại cây này còn xa lạ với bà con nơi đây lắm. Thậm chí nhiều người còn cho rằng mình bị... dở hơi nên mới trồng chúng" - chị Bông cười hiền nhớ lại. Có lẽ, nhờ cái sự "dở hơi" ấy mà gia đình chị mới dần thoát khỏi đói nghèo, thất học. Vậy nên, dù đang sở hữu hơn chục nghìn gốc quế đang tuổi thu hoạch, đàn bò trị giá cả trăm triệu đồng, nhưng ngày ngày người ta vẫn thấy chị Bông sát cánh cùng phụ nữ thôn Trà Lương cần mẫn với rẫy khoai, mì, mà theo chị, đó là cách để bà con dần tiếp cận phương thức sản xuất mới, thay đổi tập tục canh tác cũ, dần thoát khỏi cái đói nghèo, lạc hậu.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.