Hiệu quả các mô hình ứng dụng KH&CN ở Nghĩa Hành

08:09, 06/09/2011
.

(QNg)- Những năm qua, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất  nên ngành nông nghiệp ở  huyện Nghĩa Hành đã gặt hái nhiều kết quả; ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có doanh thu cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất…

Trong trồng trọt, nổi bật là mô hình thâm canh giống mía mới Roc22 cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao trên đất xám bạc màu, ở xứ đồng Gò Bườm, Cây Duối, thôn Long Bàn Nam, xã Hành Minh. Qua 5 năm thực hiện, diện tích thâm canh giống mía Roc22 đã nhân rộng lên gần 100 ha (chiếm 2/3 diện tích trồng mía toàn xã). Năng suất mía đạt 110 tấn/ha, chữ đường bình quân 10,75CCS. Bên cạnh đó việc ứng dụng các giải pháp KHKT đồng bộ (dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới vào một số khâu sản xuất, áp dụng giống mía mới) tại đồng Cây Da (xã Hành Thiện) cũng đã giữ vững và phát triển diện tích trồng mía của huyện, hình thành vùng nguyên liệu mía phục vụ cho công nghiệp chế biến đường của tỉnh.
 
Mô hình chăn nuôi giống lợn bản địa đang được nhân rộng tại hộ ông Nguyễn Duy Cường.
Mô hình chăn nuôi giống lợn bản địa đang được nhân rộng tại hộ ông Nguyễn Duy Cường.

Với mô hình bình tuyển cây đầu dòng một số cây ăn quả như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh triển khai tại các vườn trồng cây ăn quả ở các xã Hành Minh, Hành Nhân, Hành Dũng và thị trấn Chợ Chùa, đã góp phần tạo ra nguồn giống tốt, chất lượng cao, sạch bệnh, giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường, tăng hiệu quả kinh tế cho các nhà vườn trong huyện. Mô hình đã chọn ra được 45 cây đạt tiêu chí cây đầu dòng (15 cây sầu riêng, 15 cây bưởi và 15 cây chôm chôm). Hầu hết các cây đầu dòng đều cho năng suất cao và ổn định. Năng suất cây sầu riêng (8-10 tuổi) trung bình khoảng 100kg/cây/năm, lãi 2 triệu đồng/cây; năng suất chôm chôm đạt khoảng 80-90kg/cây, lãi từ 350.000-650.000 đồng/cây.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc chuyển giao các tiến bộ KH&CN đã góp nâng cao trình độ chăn nuôi và hiệu quả kinh tế cho nông dân. Việc sử dụng các giống gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao như mô hình chăn nuôi lợn bản địa tại hộ ông Lê Minh Bửu (xã Hành Phước) và hộ ông Tiêu Tùng (xã Hành Minh), đã góp phần bảo tồn và phát triển giống lợn bản địa nguồn gen quý ở địa phương. Hàng năm số lượng lợn bản địa đều tăng đáng kể.

Ban đầu chỉ từ 1 con lợn đực rừng và 20 con lợn cái bản địa, sau 1 năm nuôi tại hộ ông Lê Minh Bửu đã tăng lên 65 con và hộ ông Tiêu Tùng trên 80 con. Riêng hộ ông Tiêu Tùng có đàn lợn 134 con (17 con lợn nái sinh sản). Theo tính toán của ông Tùng, 1 con lợn nái đẻ trung bình 2 lứa/năm, mỗi lứa trung bình 7 con. Như vậy mỗi năm ông có thêm 238 con lợn con. Lợn bản địa 11 tháng tuổi đạt trọng lượng khoảng 30kg/con. Với giá bán lợn giống 150.000 đồng/kg, lợn thịt 130.000 đồng/kg thì trung bình mỗi con đã đem lại nguồn thu cho ông trên 3 triệu đồng. Ông Tùng cho biết, nhu cầu về lợn giống và lợn thịt trên thị trường hiện rất lớn, nhưng ông không đủ để cung cấp.

Ngoài ra các giống vật nuôi mới như hươu sao, gà sao cũng được du nhập và nuôi thử nghiệm tại một số xã của huyện Nghĩa Hành, bước đầu đã đem lại kết quả khả quan. Sau 3,5 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng 1,5-2kg/con. Hươu đực 18-20 tháng đạt trọng lượng bình quân 45-50kg và cho nhung; hươu cái  14-18 tháng tuổi, trọng lượng bình quân 35-40 kg/con và bắt đầu sinh sản.

Đến nay hầu hết các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên địa bàn huyện đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu. "Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới Nghĩa Hành sẽ tiếp tục nhân rộng phát triển chăn nuôi giống lợn bản địa ở 5 điểm (tại các xã Hành Thiện, Hành Tín Đông…); xây dựng mô hình phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hoá, với quy mô (sau 5 năm) vườn sầu riêng là 69 ha, bưởi da xanh là 33,5 ha, chôm chôm là 48 ha góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị đất canh tác, mang lại lợi nhuận cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Đồng thời nâng cao nhận thức về việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cho người dân trong vùng" -  ông Kiều Chiến - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hành cho biết.

Có thể khẳng định rằng, việc nghiên cứu, ứng dụng, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Nghĩa Hành thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi. Đây là bước chuyển khá quan trọng, giúp nông dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình.

Bài, ảnh: Phương Dung

.