Sản xuất vụ lúa hè thu 2011: Chủ động từ đầu vụ để đảm bảo sản lượng

09:06, 08/06/2011
.

(QNg)- Vụ lúa hè thu năm 2011, tình hình thời tiết và dịch bệnh được dự báo phức tạp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa. Vì vậy để tránh mất mùa, ngay từ đầu vụ, toàn tỉnh đã có kế hoạch chủ động tập trung vào các giống lúa phù hợp mùa vụ cũng như khâu nước tưới, phòng trừ sâu bệnh... để đảm bảo cho năng suất lúa đạt kế hoạch đưa ra.  

* Khuyến khích dùng giống ngắn ngày

Theo dự báo, thời tiết năm nay sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt vào tháng 7 và tháng 8. Đến cuối vụ thì mưa lũ sẽ đến sớm, ảnh hưởng lớn đến lúa hè thu và lúa mùa chuẩn bị thu hoạch, nhất là ở vùng có chân ruộng ngập úng cao. Trong khi đó, tỉnh cũng tập trung vào sửa chữa hệ thống mương Thạch Nham. Tuy nhiên đến đầu vụ hè thu, việc sửa chữa kênh mương vẫn chưa xong, vì vậy ở các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh và Bình Sơn không có nước Thạch Nham để chủ động gieo sạ. Chính vì vậy mà lịch thời vụ sản xuất lúa vụ hè thu năm 2011 đã trễ hơn so với mọi năm. Theo kế hoạch, đến ngày 20/6, các địa phương mới chấm dứt gieo sạ.
 
 Dù nước Thạch Nham chưa về, nhưng nông dân vẫn tranh thủ sạ sớm ở cánh đồng trũng ở cầu Ô Sông, xã Bình Long (Bình Sơn).
Nông dân gieo mạ cấy để rút ngắn thời gian sinh trưởng trên đồng ruộng, tránh mùa thu hoạch gặp mưa bão.        

Ông Nguyễn Văn Tuân - Trưởng Phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT tỉnh cho hay, vì những nguyên nhân trên mà sản xuất vụ hè thu năm nay, tỉnh ta chủ động đưa giống ngắn ngày vào sản xuất. Theo đó, chân ruộng sản xuất hai vụ lúa chủ động, Sở NN-PTNT hướng dẫn cho các huyện tuyên truyền hướng dẫn bà con nông dân đưa giống có thời gian sinh trưởng khoảng 115 ngày (như NX30, Xi 23, BM 98-55, B-TÉ, VN121) gieo sạ từ 15-20/5, lúa trổ vào khoảng 5-10/8 và thu hoạch 5-9/9.
 
Với lúa có thời gian sinh trưởng 105-110 ngày (TH3-3, Nhị ưu 838, Bi 404, TBR1) thì tập trung gieo sạ từ 20-25/5, lúa trổ từ 5-10/8 và thu hoạch 5-10/9. Còn với giống lúa có thời gian sinh trưởng 95 ngày (ML 48,DV 108, K 1 đột biến, DH 815, Q 5, TH6, DB6, ML203, ML 202, HT1): Gieo sạ chậm nhất 1-10/6, lúa trổ từ ngày 5-15/8 và thu hoạch 5-15/9. Chân ruộng trũng 2 vụ, Sở NN-PTNT cũng chỉ đạo cho các huyện, thành phố tập trung gieo sạ trước ngày 10/6. Trường hợp nếu có lý do không gieo sạ đúng thời vụ, thì khuyến cáo nông dân gieo mạ để cấy.

Như vậy trong năm nay, cả tỉnh tập trung sản xuất vụ lúa hè thu, dù là lúa có thời gian sinh trưởng từ 95 ngày hay 115 ngày, thì tất cả đều cho lúa trổ vào những ngày đầu tháng 8 và thu hoạch chậm nhất là giữa tháng 9, sớm hơn 10 ngày so với các năm. Theo ông Tuân, lúa trổ vào giai đoạn đó thời tiết còn nắng nóng, có thể ảnh hưởng năng suất lúa. Thế nhưng giai đoạn thu hoạch lại không bị rơi vào mưa lũ như các vụ hè thu những năm vừa qua. Làm như vậy là "thà mất mùa một ít khi lúa trổ, còn hơn mất mùa nhiều khi gặp mưa lũ". Giai đoạn này, bà con nông dân sẽ hong được lúa, rơm rạ cũng phơi khô được để dự trữ thức ăn cho gia súc.

Nước đến đâu, gieo sạ đến đó

Năm nay do phải sửa chữa kênh mương nên đến ngày 1/6, nước Thạch Nham mới được mở. Vì nước mở chậm và phải mất ít nhất 6 ngày, nước mới về tất cả các địa phương và sau đó  3-4 ngày nữa nước mới về đến chân ruộng. Trong vòng 10 ngày còn lại, các địa phương tập trung phương tiện, con người để gieo sạ và chậm nhất là đến ngày 20/6, thì chấm dứt việc gieo sạ. 
 
 Dù nước Thạch Nham chưa về, nhưng nông dân vẫn tranh thủ sạ sớm ở cánh đồng trũng ở cầu Ô Sông, xã Bình Long (Bình Sơn).
Dù nước Thạch Nham chưa về, nhưng nông dân vẫn tranh thủ sạ sớm ở cánh đồng trũng ở cầu Ô Sông, xã Bình Long (Bình Sơn).

Về một số nơi trong vùng, chúng tôi nhận thấy, do nước mở chậm, nên bà con  nông dân trước đó đã tập trung làm đất khô. Đặc biệt ở hai HTX NN 1 và 2 của xã Bình Trung, xã Bình Long (Bình Sơn); Tịnh Sơn (Sơn Tịnh)... bà con nông dân còn chủ động làm đất rồi gieo khô để khi nước Thạch Nham về đồng thì tháo nước vào ruộng lúa. Lúc này, lúa gieo đã lên chừng gang tay. Bà con nông dân cho rằng, cách làm này vừa rút ngắn thời gian, tránh lúa thu hoạch trúng vào mưa bão, nhưng so với sạ nước thì không ảnh hưởng gì đến năng suất sau này. Đây cũng là sáng kiến mới mà khi trao đổi với các phòng NN-PTNT các địa phương, thì cách làm này cũng cần phát huy, nhất là trong điều kiện thời tiết của năm nay.

Tìm hiểu chúng tôi còn biết, thời gian nước Thạch Nham về đến các chân ruộng là chậm. Do vậy khi nước chảy đến đâu, các huyện, thành phố đã hướng dẫn bà con nông dân gieo sạ đến đó. Còn đối với các chân ruộng gần các công trình thủy lợi thì các địa phương chủ động sản xuất đúng lịch vụ hè thu, giảm tối đa diện tích sản xuất vụ mùa.

Trao đổi về công tác phòng trừ dịch bệnh, Phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT cho hay, trong quá trình làm đất, bà con nông dân nên làm vệ sinh đồng ruộng bằng cách khử lẫn, cày ải hoặc ngâm dầm, vùi tàn dư thực vật, rơm rạ vào đất để cắt nguồn lây lan sâu bệnh. Đây được khuyến khích là biện pháp đơn giản, dễ làm nhưng hiệu quả phòng trừ dịch bệnh rất cao ở lúa hè thu. Cảnh báo của Sở NN-PTNT cũng cho hay, vụ hè thu năm nay các loại sâu bệnh sẽ thường xuất hiện như: Rầy nâu, rầy lưng trắng cùng một số bệnh do rầy nâu và rầy lưng trắng  truyền bệnh như: Vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen... Vì thế để phòng trừ các dịch bệnh này, bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật từ khâu chọn giống thích hợp, nâng cao tỷ lệ giống kháng bệnh, hoặc giống có mức độ nhiễm nhẹ với rầy nâu cũng như khả năng chống chịu với bệnh đốm vằn, đạo ôn, chịu hạn và ít đổ ngã. Ngoài ra nông dân cần làm đất kỹ, sạ thương (hoặc gieo theo hàng để tiết kiệm giống), bón phân cân đối, áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) để đạt năng suất và hiệu quả cao.               

Vụ hè thu 2011, toàn tỉnh có kế hoạch gieo sạ 31.731 ha lúa. Theo đó, phấn đấu đạt năng suất lúa bình quân 56,2 tạ/ha; sản lượng 178.301 tấn. Trong đó các huyện, thành phố đồng bằng gieo sạ 25.475 ha; năng suất phấn đấu đạt 59 tạ/ha; còn miền núi gieo sạ 6.256 ha, năng suất phấn đấu đạt 42 tạ/ha.
Theo Sở NN- PTNT, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo sạ khoảng 9.200 ha, đạt khoảng 30% diện tích theo kế hoạch. Trong đó, các huyện có diện tích gieo sạ nhiều là: Tư Nghĩa (1.436 ha); Đức Phổ (2.000 ha); Nghĩa Hành (gần 1.100 ha) và huyện Ba Tơ (1.800 ha).
 
  Bài, ảnh: P. ANH

.